Thứ Hai, 12 tháng 2, 2024
Chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc – Thực tiễn sinh động tại Sơn La
Việt Nam là quốc gia thống nhất của 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với hơn 14 triệu người, chiếm 14,68% tổng dân số cả nước. Nhà nước Việt Nam đã xây dựng hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền của người dân tộc thiểu số, phù hợp với các văn kiện pháp lý quốc tế. Tuy nhiên, bất chấp thực tế, các thế lực thù địch phản động vẫn tiếp tục chiêu bài công kích chúng ta trên bình diện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo thống kê, trong số những người đang phải chịu cảnh đói nghèo kinh niên tại Việt Nam, số lượng đồng bào dân tộc thiểu số đang chiếm một tỷ lệ bất cân xứng. Chiếm khoảng 15% dân số cả nước nhưng họ lại chính là 90% những người nghèo cùng cực của đất nước, và 50% trong số này đang bị nghèo đa chiều. Thu nhập bình quân đầu người của họ chỉ bằng 40-50% bình quân đầu người cả nước. Nhưng bất chấp những thách thức đó, kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong những năm qua đã có bước phát triển tích cực, đặc biệt là công tác xóa đói giảm nghèo.
Đến thời điểm năm 2020, có khoảng 118 chính sách dân tộc và có nội dung chính sách dân tộc còn hiệu lực đã hình thành nên hệ thống chính sách dân tộc tương đối toàn diện nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV năm 2023, Quốc hội đã thông qua giám sát tối cao việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là ba chương trình mục tiêu quốc gia). Ðây là vấn đề lớn không chỉ đại biểu Quốc hội mà đông đảo cử tri, nhân dân rất quan tâm. Phát biểu thảo luận tại kỳ họp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định: “Ðảng, Nhà nước ta luôn xác định xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước”.
Tuy nhiên, ngày 18/11/2023 vừa qua, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam có trụ sở tại bang California (Mỹ) công bố “Báo cáo nhân quyền 2022 – 2023”, tiếp tục đưa ra những nội dung xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Trên thực tế, đây là một tổ chức ngoại vi của Việt Tân, tập hợp thành viên chân rết của tổ chức này để tiến hành các hoạt động chống phá Việt Nam. Lấy hiện tượng để quy chụp bản chất. Dưới cái nhìn phiến diện có chủ đích, bản báo cáo năm nay dài hơn 100 trang cố tình đưa ra những tình tiết sai lệch về tình hình tự do dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, dân tộc ở Việt Nam.
Không chỉ xuyên tạc rằng “Chính phủ Việt Nam ngược đãi, kỳ thị người dân tộc thiểu số một cách có hệ thống”; các đối tượng còn đưa ra những thông tin sai lệch về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng còn kích động các hoạt động hội họp, lập hội, biểu tình, đòi thả những kẻ được chúng gọi là tù nhân lương tâm, ngang nhiên khuyến nghị đòi sửa đổi luật pháp Việt Nam, đòi Việt Nam xóa bỏ điều 4 Hiến pháp, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trên thực tế, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt trên địa bàn tỉnh Sơn La đã luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, cùng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của toàn dân, các chương trình mục tiêu quốc gia ở giai đoạn trước đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Trong quá trình giám sát, Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo kịp thời, tổ chức các hội nghị để tập trung rà soát, tổng hợp các vướng mắc, kiến nghị của địa phương; phân công nhiệm vụ cụ thể đến các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất biện pháp tháo gỡ, bổ sung, ban hành nhiều văn bản mới. Trong đó, phải kể đến việc Chính phủ ban hành Nghị định 38/2023/NÐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và một loạt các thông tư của các bộ, ngành.
Thực tiễn tại tỉnh miền núi Sơn La, không chỉ thực hiện tốt các chính sách của Trung ương mà Đảng bộ, chính quyền địa phương của Sơn La cũng có các chính sách chăm lo phúc lợi xã hội. Tiêu biểu đó là chính sách “Nấu ăn cho học sinh bán trú”. Ngày 12/12/2013, HĐND tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 61/2013/NQ-HĐND về việc quy định chính sách hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trường phổ thông có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh Sơn La. Qua 5 lần sửa đổi, bổ sung Nghị quyết, đến ngày 3/9/2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 140/2020/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trường mầm non và trường phổ thông công lập có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh.
Từ khi có chính sách nấu ăn cho học sinh bán trú nên tỷ lệ học sinh bỏ học đã giảm hơn 60% so với khi chưa tổ chức nấu ăn tập trung bán trú; cơ bản khắc phục tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, đặc biệt là học sinh dân tộc Mông, Khơ Mú, La Ha. Mỗi năm học, trên địa bàn tỉnh Sơn La có hàng chục nghìn học sinh được thụ hưởng chính sách. Chỉ riêng năm học 2022 – 2023, toàn tỉnh có 224 cơ sở giáo dục có bếp ăn nội trú, bán trú với trên 63.100 học sinh, đa số là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Với những con số cụ thể, chất lượng hiệu quả thực tế, có thể khẳng định chính sách của tỉnh nấu ăn bán trú cho học sinh đã phát huy hiệu quả rõ rệt, thể hiện sâu sắc sự chăm lo của toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội đầu tư cho học tập, rèn luyện của con em các dân tộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh Sơn La còn triển khai thực hiện tốt Đề án “Huy động nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025”; năm 2022, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây mới 2.035 nhà xây mới và sửa chữa 178 nhà với tổng số kinh phí 156 tỷ đồng, chủ yếu là nguồn lực xã hội hóa; đến hết năm 2022, đã hoàn thành việc hỗ trợ hộ nghèo khó khăn về nhà ở tại 6 huyện (Vân Hồ, Sốp Cộp, Sông Mã, Quỳnh Nhai, Mường La, Bắc Yên).
Ngoài ra, trong những năm qua Công an tỉnh Sơn La luôn làm tốt công tác tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị đưa nội dung thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025 trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Chỉ tính riêng tại huyện Vân Hồ, Công an tỉnh đã huy động từ nguồn xã hội hóa từ các đơn vị với tổng số tiền 35 tỷ đồng để xây dựng nhà ở cho người nghèo và hỗ trợ 5 tỷ đồng cho xây nhà ở cho người nghèo trên địa bàn huyện Thuận Châu,… Như vậy, một lần nữa có thể khẳng định thực tiễn sinh động và những đánh giá khách quan của những cá nhân, tổ chức và hiện hữu tại địa phương, chính là minh chứng thuyết phục, bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động về vấn đề Đảng và Nhà nước ta không chăm lo cho đồng bào DTTS.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét