Chuyện kể rằng: Có một sĩ tử là học trò của Chu Văn An, khi đỗ tiến sĩ được bổ dụng làm tri phủ. Anh ta đến bái biệt người thầy tôn kính của mình và xin thầy chỉ giáo cho những điều cần ghi nhớ của người làm quan!
Nghe lời bộc bạch của vị tân khoa, thầy nhìn người học trò thông minh, tuấn tú sắp ra phò vua, giúp nước mà rằng: “Việc nước là trọng đại, có nhiều việc lắm, thiên hình vạn trạng, anh phải tùy cơ ứng biến, duy có hai chữ liêm, sỉ thì anh phải ghi nhớ suốt đời, khi vinh hoa phú quý, lúc khó khăn hiểm nguy cũng không bao giờ được đánh mất liêm, sỉ”.
Vị tân quan băn khoăn, tỏ bày tâm sự:
- Thưa thầy, thế sự thăng trầm, nhân tình phản trắc, phong tục suy đồi, chốn quan trường phần đông không còn giữ được liêm, sỉ. Thậm chí, ngay cả bọn học trò chúng con may mà đỗ đạt, được liệt vào hàng sĩ phu cũng nhiều người như thế cả.
Thầy nhìn vị tân quan, thoáng một nét buồn rồi nghiêm khắc nói:
- Anh quên cổ nhân đã dạy: “Quốc gia hữu sự, thất phu hữu trách” rồi sao ? Năm có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, ngay cả lúc mùa đông rét mướt mà cây tùng, cây bách vẫn xanh. Anh được triều đình bổ dụng làm quan, anh định sẽ làm cây tùng, cây bách hay làm dây leo, tầm gửi ?
Vị tân quan nghe xong, cúi đầu lễ phép nói lời từ tạ:
- Con xin nhớ lời thầy dạy. Tuy đã lấy bằng tiến sĩ, nhưng hôm nay con mới thấm thía hai chữ liêm, sỉ, hai chữ mở lòng của một kẻ được trao trọng trách phò vua, giúp nước, ăn lương bổng của triều đình(1).
Ôn chuyện cũ để ngẫm về hôm nay. Thời nào cũng vậy, đất nước thịnh, suy đều phụ thuộc vào sự trong sạch của những người đang gánh vác việc nước. Trong đó, liêm, sỉ là một trong những phạm trù đạo đức cơ bản của con người. Liêm có nghĩa là trong sạch, không tham nhũng. Sỉ là sự xấu hổ. “Tự trọng” và “xấu hổ” là hai khái niệm gần như đồng nghĩa, đều là loại tự ý thức về nhân cách, về danh dự, phẩm giá của bản thân. Tự trọng làm cho người ta biết giữ gìn, trân trọng và tự biết những giá trị tốt đẹp đích thực của mình. Tự trọng bao giờ cũng đi liền với sự khiêm nhường, có chừng mực, biết đánh giá đúng mình và đúng người, biết tự hào đúng mực về cái mình có; nếu tự hào quá mức hoặc không đúng thì lại là sự hợm hĩnh, phô trương, kiêu ngạo và lố bịch, là tự hạ thấp mình mà không biết xấu hổ.
Giáo dục chân chính là dạy cho người ta biết liêm, sỉ để rèn luyện, hình thành nhân cách. Liêm, sỉ là lẽ sống làm người. Người mà không liêm thì cái gì cũng lấy, chỉ vơ vét cho đầy túi tham, không biết cái gì xứng đáng được nhận, cái gì phải khước từ, cái gì là của người khác, của cộng đồng, dân tộc, của đất nước. Người bất liêm cũng là kẻ không biết xấu hổ; đã không biết tự hổ thẹn với lương tâm mình thì cũng không biết hổ thẹn với người xung quanh. Do đó, việc gì cũng làm, bất kể phải, trái, đúng, sai, bất kể lòng dân, phép nước… Những người giữ trọng trách trong gia đình, ngoài xã hội mà vô liêm sỉ thì nhà ắt suy bại, xã tắc ắt nguy vong.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời, thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”(2) và “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc… Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”(3). Giữ cho được chữ “liêm” và chữ “sỉ” của người cán bộ âu cũng là việc quyết định đến sự thành hay bại đó !./.
--------------------------
(1) Chu Văn An - người thầy của muôn đời, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 117.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t5, tr. 309.
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét