Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2024

HÀNH TRÌNH TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC CỦA LÃNH TỤ NGUYỄN ÁI QUỐC - HỒ CHÍ MINH

 

Như chúng ta đã biết, cuối thế kỷXIX, đầu thế kỷXX, hệ thống đế quốc chủ nghĩa độc quyền thống trị thế giới. Các nước đế quốc mới phát triển (Đức, Áo) tìm cách mở rộng ảnh hưởng sang châu Phi, châu Đại Dương và kiếm cớ gây chiến tranh, kéo các nước châu Âu, châu Mỹ vào cuộc chiến nhằm chia lại thế giới. Tận dụng mâu thuẫn giữa các nước tư bản trong Chiến tranh thế giới thứ lần thứ Nhất, Đảng Cộng sản Nga do Lênin lãnh đạo đã phát động vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền về tay Xôviết, đánh bại các thế lực phản cách mạng và các đế quốc can thiệp, xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Sự ra đời của Liên bang Xô viết và Quốc tế Cộng sản thứ ba đã tạo chỗ dựa cho phong trào giải phóng dân tộc, làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa chủ nghĩa đế quốc với các dân tộc thuộc địa.

Ở Việt Nam, cuối thế kỷXIX, mặc dù chiếm được các tỉnh Nam Kỳ nhưng quân Pháp vấp phải sự chống trả quyết liệt của nhân dân ta. Triều đình Huế ngả theo phái chủ hòa, ký hiệp ước Patơnốt (6-6-1884) thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Phái chủ chiến do Tôn Thất Thuyết đứng đầu đã hạ Chiếu Cần Vương và phò tá vua Hàm Nghi rút lên miền Tây Quảng Trị tổ chức kháng chiến. Phong trào khởi nghĩa hưởng ứng Chiếu Cần Vương nổi lên ở khắp các tỉnh miền Trung và miền Bắc, mặc dù cuối cùng bị thất bại nhưng cũng đã gây cho thực dân Pháp và tay sai những tổn thất nặng nề.

Nguyễn Sinh Cung (Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh) sinh ra và lớn lên trong gia đình nhà nho yêu nước, trên quê hương giàu truyền thống đấu tranh cách mạng - Làng Hoàng Trù (làng Chùa), xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Cha của Người là cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc (1862 -1929), mẹ là bà Hoàng Thị Loan (1868 - 1901). Bác là con thứ ba trong gia đình, chị là Nguyễn Thị Thanh (1884 - 1954), anh là Nguyễn Sinh Khiêm (1888 - 1950), em là Nguyễn Sinh Xin (1900 - 1901). Các anh chị của Bác đều là những người yêu nước, tham gia phong trào chống Pháp và bị tù đày. Mẹ mất sớm, Người phải theo cha đi đến nhiều nơi, đã học qua các trường: Tiểu học Pháp - Việt tỉnh Thừa Thiên, Quốc học Huế, Tiểu học Pháp - Việt Quy Nhơn và làm giáo viên tại Trường Dục Thanh (Phan Thiết).

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đất nước Việt Nam chìm trong bóng đêm nô lệ. Phong trào yêu nước chống thực dân Pháp dưới ngọn cờ tư tưởng phong kiến và tư sản của nhân dân Việt Nam diễn ra sôi nổi nhưng đều thất bại.Mặc dù khâm phục tinh thần quả cảm của các sĩ phu yêu nước, nhưng Nguyễn Tất Thành không tán thành đường lối giải phóng dân tộc của những người lãnh đạo các phong trào yêu nước đương thời. Người nhận thấy cần phải tìm ra một con đường đúng đắn để cứu nước, cứu dân.

Sau này, khi trả lờimột nhà báo Liên Xô, Người nói:  Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đảng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thủa ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy. Nhưng trong những trường học cho người bản xứ, bọn Pháp dạy người như dạy con vẹt. Chúng giấu không cho người nước tôi xem sách báo. Không phải chỉ sách của những nhà văn mới, mà cả Rútxô và Môngtexkiơ cũng bị cấm. Vậy thì phải làm thế nào bây giờ? Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài”; “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau, ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”[1]. Như vậy, bằng nhãn quan chính trị sâu sắc và toàn diện, Người đã sớm nhận thức việc tìm racon đường cứu nước, giải phóng của dân tộcđang bị khủng hoảng, từ đó quyết chí ra đi tìm đường cứu nước của riêng mình.

Ngày 5-6-1911, từ bến cảng Nhà Rồng, trên chiếc tàu Amiran Latúsơ Tơrêvin đi Mác xây (Maseille), với một hoài bão lớn lao, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Từ đây, một giai đoạn, một bước ngoặt mới mở ra trong cuộc đời của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.Người muốnsang phương Tây, nơi trung tâm phát triển kinh tế, chính trị lúc bấy giờ, ở đó còn có kẻ thù trực tiếp là thực dân Phápđang áp bức nhân dânđể tìm hiểu tình hình. Với công việc làm phụ bếp trên tàu bắt đầu từ 4 giờ sáng đến 9 giờ tối mỗi ngày, với thái độ thân mật, lễ độ,chịu khó, Người được các bạn cùng làm yêu mến, sẵn sàng giúp đỡ. Sau khi làm xong những công việc trong ngày, Người tranh thủ học tập, đọc hoặc viết, để sáng hôm sau lại bắt tay vào những công việc của một ngày mới.

Ngày 6-7-1911, tàu cập bến cảng Mácxây, một thành phố cảng lớn nhất của nước Pháp trên bờ Địa Trung Hải, đầu mối giao thông quan trọng của Pháp với các nước châu Á, châu Phi và nhiều nước châu Âu. Đặt chân lên đất Pháp, Người thấy ở Pháp cũng có người nghèo khổ như bên mình…bao thắc mắc tự hỏi đặt ra: “Tại sao người Pháp không “khai hóa” đồng bào của họ trước khi đi “khai hóa” chúng ta?[2]. Qua nhiều lần tiếp xúc, người cảm nhận rằng “người Pháp ở Pháp tốt, lễ phép hơn người Pháp ở Đông Dương”[3].

Tại Mácxây, ngày 15-9-1911, Người viết thư gửi Tổng thống và Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp, ký tên Nguyễn Tất Thành, xin học Trường thuộc địa[4] với “ý muốn trở thành người có ích cho đồng bào tôi, muốn cho họ được hưởng những lợi ích của học thức”. Tháng 10-1911,đơn xin học của Người bị từ chối.

Năm 1912, Nguyễn Ái Quốc đến châu Phi. Mỗi lần tàu dừng lại bến cảng các nước, Người tranh thủ xem xét cuộc sống của người dân ở đó. Tàu ghé Daca, thủ đô Xênêgan, người xúc động chứng kiến cách đối xử dã man của thực dân da trắng đối với người dân thuộc địa. Người liên tưởng một cách tự nhiên đến số phận của nhân dân Việt Nam: Họ cũng là nạn nhân của sự hung ác, vô nhân đạo do bọn thực dân da trắng gây nên. Tính mạng của người bản xứ, không kể là da đen hay da vàng, đều không đáng giá một xu. Những suy nghĩ đó tạo nên ở Ngườisự đồng cảm sâu sắc với số phận chung của nhân dân các nước thuộc địa.Bước đầu, Người đã rút ra kết luận: “Dù là màu da khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”[5].

Cuối năm 1912, tàu tiếp tục qua Máctiních (Trung Mỹ), Ururoay, Áchentina (Nam Mỹ) và dừng lại ở nước Mỹ. Tại đây, Người đã có dịp tìm hiểu bản Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng của nước Mỹ. Ngườihòa mình vào cuộc sống lao động và tình cảm chan hòa, gần gũi với người lao động, cả da trắng và da đen, để tìm hiểu nguồn gốc lịch sử, cuộc đấu tranh chống áp bức giai cấp và kỳ thị chủng tộc. Nghiên cứu, xem xét Cách mạng tư sản Mỹ (1776) và Cách mạng tư sản Pháp (1789) đã giúp Nguyễn Ái Quốc hiểu được nhiều điều, nhưng người phê phán bản chất không triệt để của cuộc cách mạng tư sản này. Người cho rằng các nước này làm cách mạng cả 150 năm rồi mà công nông vẫn cứ cực khổ. Đây là sự nhận thức mới để Nguyễn Ái Quốc không lựa chọn con đường tư sản, bởi sự “không đến nơi” của nó sẽ không thể đem lại hạnh phúc thực sự cho nhân dân lao động.

Từ năm 1913đến năm 1917, Nguyễn Ái Quốc sống ở nước Anh. Người làm việc tại khách sạn Cáclơtơn (London) với nhiều công việc khác nhau từ quét tuyết, đốt lò, rửa bát. Người tham gia Hội những người lao động hải ngoại[6]…Những năm tháng ở nước Anh giúpNguyễn Ái Quốc tích lũy nhiều hiểu biết về chế độ chính trị của xã hội tư sản, về đấu tranh giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, giữa chính quốc và thuộc địa của một nước tư bản chủ nghĩa sớm phát triển, nhất là trang bị cho mình một trình độ chính trịvà kiến thức khá vững vàng về tiếng Anh -Ngôn ngữ giao tiếp quan trọng trong sinh hoạt và đấu tranh chính trị sau này.

Cuối năm 1917, Nguyễn Ái Quốc trở lại nước Pháp và cư trú tại Thủ đô Paris, nơi hội tụ các yếu tố về chính trị, tinh thần, văn hóa, xã hội. Nước Pháp lúc này đang phục vụ đắc lực cho Chiến tranhThế giới lần thứ Nhất. Không khí phản đối chiến tranh diễn ra khắp nơi trong cả nước, phong trào đòi hòa bình ngày càng phát triển. Chiến tranh lên đến đỉnh cao vào cuối năm 1917 cũng là lúc cách mạng Tháng Mười Nga bùng nổ và thắng lợi, thúc đẩy cuộc khủng hoảng hệ thống tư bản chủ nghĩa thêm gay gắt, đi tới kết thúc chiến tranh vào tháng 11-1918. Trong bối cảnh chính trị đó,Nguyễn Ái Quốc (đang ở Pháp) chưa thể nhận thức đầy đủ về tính chất và ý nghĩa vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Mười.Tại Thủ đô Paris hoa lệ, nhờ lăn lộn trong quần chúng lao động, Nguyễn Ái Quốc nhanh chóng đến được với Phái tả của cách mạng Pháp.

Năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp - Chính đảng duy nhất của nước Pháp bênh vực các dân tộc thuộc địa. Người tìm hiểu tình hình chính trị - xã hội nước Pháp, liên hệ với những người Việt Nam có tinh thần yêu nước, từng bước tham gia vào phong trào đấu tranh của công nhân Pháp.Điểm nổi bật trong hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc là tháng 6-1919, các nước thắng trận trong Chiến tranh Thế giới thứ Nhất họp ở Vecxay (Pháp), để phân chia lại thế giới. Thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc gửi tới Hội nghị bảnYêu sách của nhân dân An Nam tố cáo chính sách của thực dân Pháp và đòi chính Phủ Pháp phải thực hiện các quyền tự do, dân chủ và bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Sự kiện này đã gây tiếng vang lớn, được ví như “Tiếng bom trên bàn hội nghị Vecxay”. Bản yêu sách phản ánh nguyện vọng của nhân dân Việt Nam nhưng không được hội nghị xem xét. Sự việc đó đã làm cho Nguyễn Ái Quốc hiểu rằng, những lời tuyên bố của các nước đế quốc về quyền tự do của các dân tộc chỉ là sự lừa bịp. Đồng thời, Người rút ra bài học vô giá: Sự nghiệp giải phóng dân tộc mình chủ yếu phải do dân tộc mình quyết định, phải trông cậy vào lực lượng của chính mình.

Trong hành trình hoạt động tìm đường cứu nước, bước chuyển biến quan trọng tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc là khi đọc được bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I. Lênin đăng trên báo Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp tháng 7-1920. Luận cương đã mang lại cho Nguyễn Ái Quốc ánh sáng về con đường cách mạng giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa. Sau này Người viết: Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”[7]. Sự kiện đó đánh dấu bước chuyển biến trong nhận thức của Nguyễn Ái Quốc. Người đã tìm thấy phương hướng, đường lối cơ bản của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân, phong kiến. Người đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản(Quốc tế 3) do Lênin thành lập. Tiếp đó, Người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp và tham dự Đại hội Tua tháng 12-1920. Như vậy, Bác là người Việt Nam yêu nước đầu tiên trở thành người cộng sản.Đây là một mốc lịch sử quan trọng trong hành trình tìm đường cứu nước của Người, đánh dấu bước chuyển biến quyết định, nhảy vọt, thay đổi về chất trong nhận thức tư tưởng và lập trường chính trị của Người - Từ một nhà yêu nước chân chính trở thành một chiến sĩ cộng sản.

Một thời kỳ hoạt động sôi nổi của Nguyễn Ái Quốc trên các lĩnh vực bắt đầu, đặc biệt là các diễn đàn, các Đại hội quốc tế và trên báo chí, nhằm lên án tội ác của chủ nghĩa thực dân đối với nhân dân các nước thuộc địa, thức tỉnh nhân dân các nước thuộc địa, hướng họ vào cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do.Khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Sáclơ Phuốcniô, báo LHumanité (Pháp), Người nói: “Lúc đầu, chính là do chủ nghĩa yêu nước mà tôi tin theo Lênin. Rồi, từng bước một, tôi đi đến kết luận là chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân toàn thế giới”[8]. Sự kiện này đánh dấu sự phát triển tư duy khác biệt về con đường cứu nước giữa Nguyễn Ái Quốc với các bậc cách mạng tiền bối, như: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước khác đang hoạt động ở trong và ngoài nước khi đó.

Đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy con đường cứu nước đúng cho đất nước, cho dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã nhanh chóng xúc tiến các hoạt động lý luận và thực tiễn để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam. Việc truyền bá tư tưởng cứu nước của người là một quá trình khó khăn, gian khổ nhưng liên tục, không hề đứt đoạn và được tiến hành từ thấp đến cao. Việc truyền bá tư tưởng và lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin của Người luôn có đối tượng, có mục đích trải qua các giai đoạn khác nhau, như:  Ở Pari (1921-1923), Mácxcơva (1923-1924), Quảng Châu (1924-1927), Đông Bắc Thái Lan (1928-1929). Trên mỗi địa bàn, tùy điều kiện cụ thể, Người đã sử dụng những phương pháp truyền bá khác nhau nhằm đạt mục đích là cổ vũ chính trị, tư tưởng cho quần chúng công - nông, gây dựng lực lượng cách mạng. Đtrực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam, Người lựa chọn là Quảng Châu (Trung Quốc), nơi có điều kiện thuận lợi cho hoạt động cách mạng để thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên -Tổ chức chính trị theo khuynh hướng mácxít đầu tiên của Việt Nam cho ra đời các phương tiện tuyên truyền, như: Báo Thanh niên, Lính cách mệnh, báo Công nông. Đặc biệt, Nguyễn Ái Quốc đã viết cuốn sách Đường kách mệnh. Người đã trực tiếp tổ chức các lớp huấn luyện chính trị để đào tạo cán bộ tổ chức, cán bộ tuyên truyền để xây dựng lực lượng cách mạng. Bằng những hoạt động tích cực đó, tổ chức cách mạng do Người sáng lập đã phát triển mạnh mẽ ở nhiều nơi, cả trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ truyền bá, giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin sâu rộng trong quần chúng công - nông.

Sự lựa chọn của Nguyễn Ái Quốc hoàn toàn phù hợp với xu thế lịch sử. Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa Nguyễn Ái Quốc và những người Việt Nam yêu nước cùng thời. Người đã có sự nghiên cứu độc lập, tự chủ, sáng tạo, đem lý luận đối chiếu với thực tiễn, lấy mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội làm tiêu chuẩn đánh giá các học thuyết, tiếp thu kinh nghiệm cách mạng thế giới có chọn lọc. Trở thành người cộng sản, Người từng bước vạch đường lối chiến lược cho cách mạng Việt Nam. Do nắm vững tính khoa học chủ nghĩa Mác - Lênin, ngay từ đầu Nguyễn Ái Quốc đã biết vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với đặc điểm cách mạng nước nhà. Tính khoa học và cách mạng triệt để của đường lối cứu nước do Nguyễn Ái Quốc đề xướng có sức hút và tác động mạnh mẽ đến phong trào cách mạng Việt Nam. Thực tiễn lịch sử chứng minh, con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc khai mở đã giải quyết cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Sau những năm bôn ba, người quyết định về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Nói về lý do trở về nước, người khẳng định: “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập”[9].

Như vậy, việc ra đi tìm đường cứu nước là hành động có chủ đích, có động cơ, có sự chuẩn bị từ trước của Người. Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là sự lựa chọn giá trị và con đường giải phóng đất nước.Vượt qua bao khó khăn gian khổ trong những năm bôn ba khắp thế giới đã đưa Người đến với lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin. Việc tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh hoàn toàn trên tinh thần độc lập, tự chủ. Nguyễn Ái Quốc đã nắm bắt sâu sắc bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin để vận dụng vào điều kiện cụ thể của nước ta, tạo nên bước ngoặt quyết định của lịch sử cách mạng Việt Nam. Người đã tiếp thu và truyền bá về Việt Nam một hệ thống lý luận chính trị tiên phong của chủ nghĩa Mác - Lênin.Nguyễn Ái Quốc - Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc. Tiếp đó làNgười sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam để lãnh đạo nhân dân,đưa cách mạng Việt Nam giành thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước ngày nay./.

 

 



[1]Youtube.com/watch/v=3j0ọDypU1s

[2]Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Sđd, tr.19.

[3]Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Sđd, tr.20.

[4]Trường Thuộc địa nguyên là Trường Campuchia tách ra năm 1887, Trường chỉ dạy ngôn ngữ và văn minh Pháp cho thanh niên Việt Nam do Toàn quyền Đông Dương gửi sang.

[5]Hồ Chí Minh toàn tập,tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.287.

[6]Một tổ chức bí mật của những người lao động châu Á trên đất Anh, có xu hướng tiến bộ, ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước của các nước thuộc địa.

[7]Hồ Chí Minh toàn tập,tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.588.

[8]Hồ Chí Minh toàn tập,tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.588.

[9]Youtube.com/watch/v=3j0ọDypU1s

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét