Trên địa bàn biên giới tỉnh Hà Giang, đội ngũ quân y ở các Đồn biên phòng gắn bó với không chỉ cán bộ, chiến sĩ, mà cả người dân địa phương. Thiếu tá QNCN Phạm Văn Vinh, quân y Đồn Biên phòng Bạch Đích, là người có gần 30 năm gắn bó với dải đất biên cương. Đồn thuộc huyện Yên Minh. Anh Vinh cho biết theo quy định thì quân y của Đồn thường khám cấp thuốc cho bà con theo lịch. Song với trường hợp bị ốm kéo dài, nhất là khi thời tiết thay đổi thường xảy ra nhiều bệnh ở người già… thì việc thăm khám, cấp thuốc cho bà con được đơn vị chỉ đạo thực hiện ngay. Chẳng thế mà đi đến đâu, người dân cũng coi anh Vinh như là người thân vậy.
Đường vào bản Muồng 5, xã Bạch Đích khá quanh co, có nhiều đoạn đường đất. Nắng ráo thì còn đỡ vất vả, còn mưa xuống, phải lội bộ mới đến được với bà con. Khi nhiệt độ xuống thấp, ông Lùng Sí Sán thường bị tăng huyết áp, đau ngực kéo dài. Được quân y của Đồn Biên phòng thăm khám, cấp phát thuốc, sức khỏe của ông Sán có tiến triển tốt. Ông kể, đồn Biên phòng rất gần gũi với bà con. Khi ốm đau, ai cũng gọi điện báo cho các anh. Bộ đội Vinh lúc nào cũng nhiệt tình, chu đáo, dân bản rất yên tâm khi được bộ đội thăm khám.
Những lúc ở Đồn, anh Vinh đảm nhiệm chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cán bộ, chiến sĩ. Anh thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng về chế độ, tiêu chuẩn của bộ đội. Xây dựng chương trình cụ thể, gắn với chức trách được giao, anh chủ động tham mưu giúp lãnh đạo, chỉ huy đơn vị hướng dẫn việc phòng, chống dịch bệnh, không để ngộ độc thức ăn xảy ra trong đơn vị, nhất là ở những thời điểm giao mùa, đảm bảo sức khỏe cho đồng đội ngày đêm bảo vệ đường biên, cột mốc của Tổ quốc.
Ngày còn ở nhà, anh được người thân bày cách chữa bệnh bằng thuốc Nam. Giờ đây ngoài kiến thức y học, anh Vinh còn nghiên cứu các vị thuốc dân gian để chữa bệnh thông thường cho cán bộ, chiến sĩ và bà con dân bản. Anh trồng vườn cây thuốc Nam để khi cần là có để dùng ngay.
Quãng thời gian gắn bó với biên cương ngần ấy năm, anh Vinh sống xa gia đình. Chị Phạm Thị Thu Hương, vợ anh công tác tại trạm Y tế thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Quê ngoại ở xa, bố mẹ chồng đều đã khuất núi, nên mọi công việc chị đều phải chủ động sắp xếp. Cùng làm ngành y, nên anh chị đều thấu hiểu công việc và hỗ trợ nhau những khi cần. “Lương y như từ mẫu”, lời dạy đó của Bác Hồ đã giúp vợ chồng Vinh - Hương dồn sức cho nhiệm vụ mà quên đi bao vất vả, nhọc nhằn và xa cách.
Xa chồng, nhưng chị Hương luôn biết thu vén công việc gia đình, chăm sóc con cái, động viên anh yên tâm công tác. Bao năm xa cách nhưng anh chị vẫn giữ được hạnh phúc gia đình, các con chăm ngoan, học giỏi. Phần lớn công việc gia đình, nuôi dạy các con là họ trao đổi với nhau qua những cuộc gọi video call nhưng có lẽ, sự xa cách lại là động lực cho hai người phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, vun đắp gia đình ngày càng hạnh phúc./.
ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét