Thực hiện dân chủ nhân dân là yêu cầu
nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ ngày thành lập tới nay, Đảng Cộng sản
Việt Nam luôn nhấn mạnh quyền làm chủ của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng
định, dân chủ có nghĩa “dân là chủ” và “người dân làm chủ”, cách mạng là sự
nghiệp của quần chúng, quần chúng là động lực của cách mạng. Chính quần chúng
nhân dân là lực lượng cách mạng đông đảo nhất trực tiếp thực hiện đường lối
cách mạng, biến đường lối cách mạng của Đảng thành hiện thực. Người nói, trong
bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, “Nước ta là nước dân
chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”. Ngay từ những ngày
đầu mới giành được chính quyền về tay nhân dân sau Cách mạng Tháng Tám năm
1945, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “nước ta là nước dân
chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách
nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã
đến Chính phủ Trung ương do dân
cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Trong lãnh đạo đấu
tranh cách mạng, trải qua cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và sau đó là cách
mạng dân chủ nhân dân, cách mạng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta luôn chú trọng xây
dựng chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân trên
tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đại hội VI của Đảng nhấn mạnh chủ
trương phát huy dân chủ để tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển đất nước “trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát
huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”. Phát huy tinh thần
của Đại hội VI, các kỳ đại hội tiếp theo cũng nhấn mạnh “sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” và nhiệm
vụ quan trọng trong sự nghiệp cách mạng là “xây dựng và từng bước
hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân”. Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta luôn nhấn mạnh nhân dân làm chủ là
bản chất của chủ nghĩa xã hội, kiên định nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước
thuộc về nhân dân, không ngừng thúc đẩy đổi mới chính trị, xây dựng nền dân chủ
xã hội chủ nghĩa và đã đạt được những thành tựu to lớn. Cương lĩnh xây dựng đất
nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)
đã nêu rõ: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự
phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ
nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên
tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể
chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm”.
Nội dung cơ bản của dân chủ xã hội chủ nghĩa là tất cả quyền lực thuộc
về nhân dân. Hiến pháp năm 2013 quy định: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì
nhân dân. Tất cả quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên
minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Ở Việt Nam, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa quản lý và vận hành nền
kinh tế thị trường, bảo đảm đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong nền kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng trưởng kinh tế luôn gắn với bảo đảm
công bằng, thực hiện tiến bộ xã hội, phát triển văn hóa, phát triển con người,
nhằm mục đích nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Quá trình dân
chủ hóa trong lĩnh vực kinh tế ngày càng mở rộng. Phát triển đa dạng các hình
thức sở hữu, các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp... Công bằng
trong phân phối theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức
đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã
hội, phúc lợi xã hội. Quá trình mở rộng dân chủ kinh tế gắn liền với mở rộng
dân chủ chính trị, thực hành ngày càng rộng rãi và thực chất quyền lực chính
trị của nhân dân, thông qua cả phương thức ủy quyền gián tiếp và dân chủ trực
tiếp.
Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp của nhân dân, không có
sự đoàn kết, sáng tạo của quần chúng nhân dân thì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa
xã hội sẽ thất bại. Dân chủ chính là biểu hiện quan điểm giá trị cốt lõi của
chủ nghĩa xã hội, là nhân tố tạo ra sự ổn định, phát triển và thịnh vượng.
Nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý,
nhân dân làm chủ, trên cơ sở thượng tôn pháp luật, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng
- nhân tố quyết định là mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Nhân dân làm chủ
là bản chất của chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa. Thượng tôn pháp luật sẽ bảo
đảm tất cả các thành viên xã hội được bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ và trách
nhiệm. Đảng vừa là bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị vừa là hạt nhân
lãnh đạo hệ thống chính trị và Đảng cũng phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến
pháp và pháp luật. Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng lãnh
đạo có chức năng thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng thành
các văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ và thống nhất. Nhân dân làm chủ thông qua
các cơ quan đại diện và làm chủ trực tiếp qua cơ chế “dân biết, dân bàn,
dân làm, dân kiểm tra, giám sát”.
Nhận thức của Đảng ta về thực hành dân chủ ngày càng toàn diện và sâu
sắc. Điều này thể hiện rõ hơn cả ở chỗ quyền công dân gắn với quyền con người được
đề cao, tôn trọng và bảo vệ bằng pháp luật, tích cực thực hiện các công ước
quốc tế liên quan quyền con người mà Việt Nam đã ký kết và tham gia; coi trọng
dân chủ ở cơ sở, coi trọng phản biện xã hội, đề cao thượng tôn Hiến pháp và
pháp luật.
Quyền con người là phẩm giá, nhu cầu, lợi ích và năng lực vốn có ở con người được pháp
luật công nhận, nhằm thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện và thúc
đẩy. Việt Nam đã xây dựng được các thể chế và thiết chế bảo đảm quyền con
người, nhất là bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền chính trị, dân sự, các quyền
kinh tế, xã hội và văn hóa; quyền của nhóm thiểu số hoặc yếu thế, như người cao
tuổi, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người có tín
ngưỡng, tôn giáo. Công tác tuyên truyền, giáo dục, nghiên cứu về quyền con
người có bước phát triển tích cực. Nhận thức về quyền con người được nâng cao
hơn. Hợp tác quốc tế trên lĩnh vực quyền con người được đẩy mạnh. Đấu tranh
phản bác kịp thời và hiệu quả các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch về vấn
đề nhân quyền ở Việt Nam.
Thực hiện dân chủ ở cơ sở là bước tiến mở rộng dân chủ trực tiếp, nâng cao chất lượng dân chủ đại
diện, đưa phương châm “dân biết, dân bàn,
dân làm, dân kiểm tra” vào cuộc sống ở cơ
sở. Xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở đã góp phần tích cực thúc đẩy
phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh, trật tự ở cơ sở, góp
phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất
lượng đảng viên; không ngừng nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cơ
quan nhà nước và trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức; góp phần đổi mới phương
thức hoạt động và nâng cao vai trò, uy tín của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các
đoàn thể nhân dân.
Phản biện xã hội mang lại kết
quả tích cực, phát huy và mở rộng dân chủ, là phương thức quan trọng để đạt
đồng thuận xã hội. Tạo dựng thói quen thảo luận và bảo đảm quyền tự do ngôn
luận để khích lệ cá nhân, các tổ chức tham gia thảo luận về các vấn đề quan
trọng của quốc gia. Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân,
do nhân dân, vì nhân dân bao hàm hoạt động giám sát và phản biện xã hội, nhất
là phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Cần
tiếp tục hoàn thiện hơn các quy định về quyền giám sát của nhân dân, cơ chế
pháp lý bảo đảm cho nhân dân trực tiếp giám sát hoạt động của đảng viên, cán
bộ, công chức, viên chức và các tổ chức, cơ quan Đảng, Nhà nước.
Trong nhà nước pháp quyền, tính tối thượng của pháp luật được tôn trọng,
mọi hành vi của tổ chức và cá nhân đều phải tuân theo Hiến pháp, pháp luật.
Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trên cả 3 lĩnh vực: xây dựng pháp luật,
chấp hành pháp luật và bảo vệ pháp luật. Tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ
thống pháp luật đồng bộ, hiện đại, khả thi, công khai, minh bạch, công bằng...,
phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu hội
nhập quốc tế sâu rộng.
Tuy nhiên, ở một số nơi, nhận thức và thực hành về dân chủ còn hạn chế,
thực hiện dân chủ cơ sở còn hình thức, quyền làm chủ của nhân dân chưa hoàn
toàn được tôn trọng và phát huy, chưa có cơ chế đầy đủ bảo đảm để nhân dân thực
hiện vai trò chủ thể của quyền lực.
Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở một số nơi rơi vào hình thức. Còn tình trạng lạm quyền,
lộng quyền, quan liêu, cửa quyền gây phiền hà cho nhân dân của một số cơ quan
công quyền, cán bộ. Chậm thể chế hóa các chủ trương của Đảng thành pháp luật,
quy định... Hệ thống pháp luật của Việt Nam có mặt còn chưa đồng bộ, hay thay
đổi gây khó khăn cho các cơ quan thi hành pháp luật và nhân dân, ảnh hưởng đến
việc thực hành dân chủ trong xã hội... Những hạn chế đó cần sớm được khắc phục
để nguyên tắc quyền lực thuộc về nhân dân và thực hành quyền làm chủ của nhân
dân trong thực tiễn ngày càng rộng rãi và thực chất.
Trải qua 94 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn dựa vào dân, phát huy
quyền làm chủ của nhân dân, coi đó là mục tiêu và động lực của cách mạng. Đó
cũng chính là bài học quý báu để Đảng ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách,
để giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Bài học đó giữ nguyên giá trị
trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới và hội nhập toàn cầu hiện nay./.
TBQL
17
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét