Thứ Năm, 8 tháng 2, 2024

NÊU CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM, GƯƠNG MẪU, NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

 

Lời dạy của Hồ Chí Minh vẫn luôn nhắc nhở đảng viên: “Đảng ta là Đảng chỉ có một điều là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa”; “Bất kỳ Đảng giao cho việc gì, nhân dân giao cho việc gì, phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ”. Để việc học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, nói đi đôi với làm thiết thực và hiệu quả, cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, đổi mới phương pháp học tập tư tưởng Hồ Chí Minh để học tập và làm theo Người thật sự hiệu quả, tương xứng với nhiệm vụ được giao của mỗi đảng viên.

Di sản Hồ Chí Minh để lại rất lớn, cần nghiên cứu kỹ từng tác phẩm của Người trong từng tình huống cụ thể để hiểu sâu sắc tư tưởng cũng như phong cách của Người, từ đó vận dụng đúng cho từng tình huống cụ thể, tránh việc học tập theo kiểu “tầm chương trích cú”, học máy móc, vận dụng cứng nhắc.

Hồ Chí Minh định nghĩa tinh thần trách nhiệm: Là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt qua mọi khó khăn, làm cho thành công. Người có tinh thần trách nhiệm là người nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng; đồng thời, “gắn liền chính sách và đường lối quần chúng, để làm tròn nhiệm vụ”.

Như vậy, học tấm gương Hồ Chí Minh về tinh thần trách nhiệm, trước hết cần nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước lĩnh vực mình phụ trách. Khi thực hiện công việc được giao, phải lập kế hoạch thực tế, giải thích, tuyên truyền, cổ động quần chúng, làm cho quần chúng hiểu thấu và ủng hộ chủ trương của Đảng, của Chính phủ; bàn bạc với quần chúng, hỏi han ý kiến quần chúng, gom góp sáng kiến của quần chúng; lãnh đạo quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình. Hoàn thành tốt công việc với sự đồng thuận của quần chúng, phát huy sức mạnh dân chủ, là có tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, đối với Chính phủ và nhân dân.

Tác phong gương mẫu, nói đi đôi với làm cần được thể hiện “trong mọi công việc, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”; “đồng cam cộng khổ” với nhân dân. Xung phong đi đầu nhưng “phải thiết thực, miệng nói tay làm để làm gương cho nhân dân. Nói hay mà không làm thì vô ích. Đó là một tật xấu”.

Hai là, mỗi đảng viên hằng ngày thực hành nêu cao tinh thần trách nhiệm với tác phong gương mẫu, nói đi đôi với làm để tự rèn luyện phong cách Hồ Chí Minh.

Nhiệm vụ cụ thể của mỗi cá nhân được quy định bởi cơ quan, đơn vị, tổ chức mà cá nhân là thành viên. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân còn có trách nhiệm đối với gia đình, các mối quan hệ xã hội ở khu dân cư và bạn bè. Đảng viên sẵn sàng chấp hành sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ; luôn ý thức thực hiện tốt các quy định nêu gương: Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Đảng viên luôn sẵn sàng là thành viên có trách nhiệm trong các tổ chức mà mình tham gia, với gia đình, bạn bè; tự rèn luyện để tạo thành phong cách làm việc, tác phong sinh hoạt trách nhiệm, gương mẫu, nói đi đôi với làm.

Ba là, tập thể, cá nhân thường xuyên rà soát các văn bản chỉ đạo và kết quả thực hiện để bảo đảm nói đi đôi với làm

Theo Hồ Chí Minh, một trong những tư cách của Đảng chân chính là: “Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”.

Kế hoạch công tác được xây dựng theo chức năng, nhiệm vụ nhưng cần chú ý tính thiết thực, hiệu quả, tránh đặt ra các mục tiêu to lớn nhưng không khả thi, vì “Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà không làm được”. Tham mau, tham nhiều một lúc dẫn đến “Chính sách thì đúng, cách làm thì sai”, khẩu hiệu tuy đúng nhưng thực hành không có kết quả mỹ mãn.

Việc thực hiện văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, cấp trên, của tổ chức cần được thường xuyên rà soát, thực hiện hiệu quả để bảo đảm “nói đi đôi với làm”; tuân thủ kỷ luật và giữ gìn uy tín của Đảng, của Chính phủ, của tổ chức, của cá nhân.

Bốn là, tăng cường chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, thi đua, khen thưởng để động viên người thực hiện tốt và giúp đỡ người thực hiện chưa tốt sửa chữa.

Công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm cho việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức được diễn ra hiệu quả, tránh hiện tượng nói không đi đôi với làm. Quá trình kiểm tra, giám sát phát hiện những khó khăn, trở ngại trong việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ để có biện pháp khắc phục kịp thời. Hơn nữa, công tác kiểm tra, giám sát còn cho thấy mức độ tham gia tích cực của quần chúng nhân dân đối với nghị quyết của Đảng, của Chính phủ và tinh thần đoàn kết của cơ quan, đơn vị, tổ chức.

Thực tế cho thấy, có những cá nhân sau khi được khen thưởng, bổ nhiệm chỉ một thời gian ngắn đã bị phát hiện sai phạm đến mức phải kỷ luật, xử lý hình sự do thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu trung thực, thiếu gương mẫu... Do vậy, công tác kiểm tra, giám sát, thi đua, khen thưởng cần bám sát thực tiễn đơn vị và nắm vững đội ngũ qua nhiều kênh thông tin hơn là căn cứ vào tự báo cáo của cá nhân, cơ quan, đơn vị, tổ chức; kịp thời nêu gương người làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, gương mẫu, nói đi đôi với làm; đồng thời giúp đỡ người làm chưa tốt sửa chữa khuyết điểm.

Tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ (Hội nghị lần thứ 7) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vào ngày 17-5-2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII: Cần tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, đặc biệt là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp từ Trung ương đến địa phương. Xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cụ thể là, phải có chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, ráo riết, có kết quả cụ thể các nghị quyết, kết luận của Trung ương về vấn đề này, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII và Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Có thể khẳng định, học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại về tinh thần trách nhiệm, tác phong gương mẫu, nói đi đôi với làm là việc làm cần thiết của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người trẻ Việt Nam để bồi đắp năng lực tiếp tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng. Học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh về tinh thần trách nhiệm, tác phong gương mẫu, nói đi đôi với làm bảo đảm tạo được đoàn kết nội bộ cơ quan, đơn vị, tổ chức; thu hút được sự ủng hộ của quần chúng, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng được đồng thuận xã hội; thực hiện tốt nhiệm vụ của cá nhân, cơ quan, đơn vị, tổ chức; đạt được các mục tiêu định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII./.

TBQL 17

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét