Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2024

Xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Xây dựng, phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của toàn dân là vấn đề luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn cách mạng. Những tư tưởng của Người về xây dựng, phát huy nhân tố chính trị - tinh thần vẫn còn nguyên giá trị cần vận dụng, phát triển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Chúng ta biết, chính trị - tinh thần gồm tổng thể các yếu tố: lòng yêu nước, ý chí, niềm tin, tinh thần đoàn kết, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, hệ giá trị văn hóa, v.v. Thực tiễn lịch sử đã cho thấy, đó là nhân tố cốt lõi, cội nguồn tạo nên sức mạnh vô địch của dân tộc ta trong dựng nước và giữ nước. Trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu yếu tố chính trị - tinh thần đã được quy tụ, phát huy cao độ, làm nên những chiến công, thành tựu vĩ đại trong lịch sử dân tộc.

Khi nói đến vai trò, sức mạnh của nhân tố chính trị - tinh thần của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Trong Lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ, ngày 29/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc”. Từ nhận thức sâu sắc đó, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng, phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của toàn dân tộc. Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta chủ trương và tổ chức thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử. Sự kiện này thể hiện sự thống nhất ý chí của toàn dân tộc với Đảng và Chính phủ, góp phần thực hiện sách lược “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, bảo vệ, giữ vững chính quyền cách mạng còn non trẻ và chuẩn bị tinh thần, lực lượng, tạo tiền đề vững chắc để đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.  

Không chỉ khẳng định giá trị của sức mạnh chính trị - tinh thần, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ phương pháp, cách thức tổ chức để phát huy ưu thế tuyệt đối về mặt chính trị - tinh thần, khơi dậy sức mạnh nội sinh của dân tộc. Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Người yêu cầu: “Bổn phận của chúng ta… là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”3.

Thấm nhuần lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân tố chính trị - tinh thần của toàn dân, toàn quân ta đã được phát huy cao độ hơn bao giờ hết, tạo khí thế hừng hực cả nước lên đường, toàn dân ra trận, tinh thần đó đã trở thành động lực thôi thúc hành động “... thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, v.v. Sức mạnh chính trị - tinh thần của quân và dân ta là cơ sở, nền tảng, yếu tố cốt lõi để quy tụ, tập hợp, khơi dậy và nhân lên sức mạnh của mọi nguồn lực, quyết định thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Nói về nguyên nhân của thắng lợi, Người khẳng định “Lòng yêu nước nồng nàn, sự thống nhất về tinh thần và chính trị của nhân dân và quân đội xung quanh Đảng và Chính phủ đã giúp chúng tôi vượt qua những thử thách khó khăn không tưởng tượng được và tạo những điều kiện về chính trị, kinh tế và quân sự để chiến thắng”4.

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn coi trọng xây dựng, phát huy tiềm lực chính trị - tinh thần, coi đây là nhân tố giữ vai trò đặc biệt quan trọng, tạo cơ sở, nền tảng nâng cao sức mạnh của đất nước và đạt được những thành tựu to lớn. Sau gần 40 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước được nâng cao, niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước thường xuyên được tăng cường, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần vẫn còn những hạn chế và đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt mục tiêu, lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ. Nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có chiều hướng diễn biến phức tạp. Tác động của mặt trái kinh tế thị trường làm chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, vị kỷ trỗi dậy; xuất hiện tình trạng thờ ơ về chính trị, bàng quan trước lợi ích quốc gia, dân tộc, giảm sút trách nhiệm với xã hội, nghĩa vụ với đất nước, cộng đồng. Một số phần tử bất mãn, cơ hội chính trị lợi dụng mạng xã hội công khai phê phán, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng, cổ súy cho giá trị kiểu phương Tây,… gây tác động tiêu cực làm giảm xút sức mạnh chính trị - tinh thần, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng cũng như sự nghiệp xây dưng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực tiễn trên đòi hỏi phải tiếp tục quán triệt, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, phát huy nhân tố chính trị - tinh thần vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay; trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau:

Một làtăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần. Trước hết, cần nhận thức, Đảng ta vừa là người tổ chức lãnh đạo, vừa là hạt nhân đoàn kết, động viên sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hướng vào xây dựng toàn diện các nhân tố, trong đó có nhân tố chính trị - tinh thần. Do đó, cấp ủy, chính quyền các cấp quán triệt sâu sắc, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần. Trong đó, đặc biệt coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng “thế trận lòng dân”, đồng thuận xã hội, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chính sách dân tộc, tôn giáo,... bảo đảm thực thi đầy đủ quyền con người trong thực tiễn, xác định đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của địa phương, đơn vị; đồng thời, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhằm xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần, “thế trận lòng dân” vững chắc.

Hai làthực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm”5 và “Trong Đảng và ngoài Đảng có nhận rõ tình hình mới, hiểu rõ nhiệm vụ mới thì tư tưởng mới thống nhất, tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất”6. Để làm được điều đó, các ban, bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương đổi mới nội dung, phương phức tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục quốc phòng và an ninh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, tư tưởng cách mạng, khơi dậy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc; củng cố lòng tin với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và công cuộc đổi mới, tạo sự đồng thuận, nền tảng tinh thần xã hội vững chắc. Tập trung giáo dục những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, nhất là Nghị quyết số 44-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị về quốc phòng, an ninh. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” Quân đội; kích động, gây rối, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ Đảng, Nhà nước, Quân đội với Nhân dân của các thế lực thù địch. Đặc biệt, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, xây dựng và củng cố niềm tin, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, lòng trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; xây dựng Quân đội thực sự tinh nhuệ về chính trị, làm nòng cốt cùng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Ba làđẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Đây là vấn đề mấu chốt của lý luận đổi mới, nội dung rất quan trọng trong xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần hiện nay. Theo đó, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục kiên trì lấy phát triển kinh tế làm trung tâm, nỗ lực phát triển sức sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, bền vững. Tăng cường quản lý nền kinh tế vĩ mô, khuyến khích thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ, thực hiện chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng bước đi, từng chính sách cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn phát triển; bảo đảm trong mỗi chính sách phát triển kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; khắc phục tình trạng chạy theo lợi ích kinh tế đơn thuần, không quan tâm đúng mức các giá trị văn hóa, xã hội của dân tộc. Cùng với đó, chú trọng hoàn thiện, thực hiện có hiệu quả các chính sách, phúc lợi xã hội, bảo đảm công bằng, hợp lý, không thực hiện cào bằng; làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững; đầu tư phát triển y tế, giáo dục, văn hóa; cải thiện an sinh xã hội, bảo đảm thu nhập, giải quyết việc làm cho người lao động, thu hẹp bất bình đẳng xã hội, xây dựng môi trường sống lành mạnh, hạnh phúc cho nhân dân. Đồng thời, thường xuyên công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách, quy định của Nhà nước; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả việc thực thi pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, ngăn chặn lợi ích nhóm, trục lợi trong thực thi chính sách kinh tế - xã hội.

Bốn làtăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo Nhà nước, nhưng không bao biện, làm thay. Kết hợp chặt chẽ việc đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sự đồng bộ, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Đẩy mạnh thực hành dân chủ trong Đảng, xây dựng văn hóa Đảng, coi đây là nền tảng, sức mạnh nội sinh để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, công tác thanh tra, kiểm toán của Nhà nước và điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa giám sát, kiểm tra của Đảng với thanh tra, kiểm toán của Nhà nước và giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội nhằm tăng cường sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát, tránh chồng chéo, trùng lặp, lãng phí nguồn lực, kém hiệu quả.

Xây dựng và phát huy sức mạnh chính trị - tinh thần của dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, yếu tố cốt lõi đưa cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong điều kiện mới, hơn lúc nào hết phải bồi đắp, gìn giữ, phát triển sức mạnh chính trị - tinh thần của dân tộc lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa./.

ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét