Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2024

 ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VIỆT NAM LUÔN TÔN TRỌNG TỰ DO TÔN GIÁO 


Cần khẳng định rằng, các thế lực thù địch đang tìm mọi cách để lợi dụng tôn giáo, coi đây là một lực lượng chính trị có thể “đối trọng” với Đảng Cộng sản Việt Nam trong thực hiện “diễn biến hoà bình”. Chúng luôn phát tán lên các trang mạng xã hội, hòng lôi kéo, kích động dư luận xã hội bằng các thông tin sai lệch, xuyên tạc quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam. Vừa qua, trên trang “Quyenduocbiet” Nguyên Anh có bài viết: “Tự do tôn giáo là quyền căn bản – không phải xin - cho”, cho rằng Việt Nam đang đàn áp tự do tôn giáo, điển hình là việc xúc phạm và cấm tu hành theo phương pháp du tăng đối với nhà sư bộ hành Thích Minh Tuệ. Thực tế, Nguyên Anh đang xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam.

1. Đảng, Nhà nước Việt Nam khẳng định, tín ngưỡng, tôn giáo là một nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân đã, đang và sẽ đồng hành cùng dân tộc. Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào của nhân dân. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm đối với mọi hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 của Việt Nam ghi rõ, mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo,…. Đồng thời, quy định nghiêm cấm phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo;… lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi. Tất cả các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ngày 11/10/2022, với 145 phiếu ủng hộ, Việt Nam là một trong 14 thành viên trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Điều này, khẳng định uy tín và vị thế của Việt Nam trong thực hiện quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

2. Về hiện tượng nhà sư bộ hành Thích Minh Tuệ. Ban Tôn giáo Chính phủ và Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam khẳng định, ông Thích Minh Tuệ tên thật là Lê Anh Tú sinh năm 1981 tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, đang sinh sống tại huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, không phải là tu sĩ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Điều này cũng đã được chính ông Lê Anh Tú khẳng định trong các clip trên mạng xã hội. Sau khi từ bỏ công việc đo đạc địa chính tại tỉnh Phú Yên, Ông đã ba lần đi bộ theo hình thức thực hành phương pháp tu tập “hạnh đầu đà” từ miền Nam ra miền Bắc và ngược lại nhưng không thu hút sự quan tâm của nhiều người. Đến lần thứ tư, hành trình của ông Minh Tuệ đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, có thời điểm lên tới hàng trăm người đi theo khiến các con đường tắc nghẽn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự và giao thông trên các địa bàn, gây bức xúc đối với người dân. Trong đoàn đi theo có tín đồ phật tử, có những người hiếu kỳ và nhóm tiktoker, youtuber quay clip, livestream đăng tải trên các trang mạng xã hội tạo nên “hiện tượng Thích Minh Tuệ”, thu hút sự quan tâm của dư luận vì mục đích bán hàng thu lợi, cùng với nhiều bình luận theo các chiều hướng khác nhau, trong đó có việc bội nhọ, nói xấu quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về công tác tôn giáo; qua đó kích động tính hiếu kỳ của mọi người, nhất là giới trẻ. Đặc biệt, ngày 30/5/2024 vừa qua, đã xảy ra việc một người đàn ông trong đoàn người đi theo bị sốc nhiệt, suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa dẫn tới tử vong. Tiếp theo đó, ngày 2/6/2024 có 2 người phụ nữ khi đi theo cũng bị sốc nhiệt, đuối sức, nằm gục trên mặt đường. Các cơ quan chức năng đã kịp thời đưa đến bệnh viện để điều trị. Trước sự việc đáng tiếc nêu trên, các cơ quan chức năng đã gặp gỡ, trao đổi với ông Thích Minh Tuệ về việc Đảng, Nhà nước nhất quán chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; chính quyền các địa phương đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để ông Thích Minh Tuệ được đi bộ và hành trì theo ý nguyện, song cần phải bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân và sự ổn định xã hội. Ông Thích Minh Tuệ đã nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của công dân, tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực. Vậy, xin hỏi Nguyên Anh chính quyền có xúc phạm và cấm tu hành theo phương pháp đi bộ khất thực đối với công dân Lê Anh Tú không?

Việc các thế lực thù địch bôi nhọ, vu cáo, trắng trợn, xuyên tạc tự do tôn giáo ở Việt Nam, là đi ngược lại chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và lợi ích nguyện vọng, chính đáng của nhân dân ta, đã đến lúc hoạt động của những nhà sản xuất nội dung trên mạng xã hội phải được kiểm soát chặt chẽ hơn, nghiêm ngặt hơn bằng các chế tài đủ mạnh theo quy định pháp luật nhằm răn đe, cảnh báo, cảnh tỉnh các phần tử cơ hội để đảm bảo trật tự an toàn xã hội và an ninh, an toàn cho người dân./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét