Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2024

 Bài: PHẢI SỐNG VỚI NHAU CÓ TÌNH, CÓ NGHĨA

Cách đây 56 năm, vào tháng 6-1968, khi làm việc với đội ngũ cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương về việc xuất bản cuốn sách “Người tốt, việc tốt” nhằm tuyên truyền, nêu gương những nhân tố tích cực, những cách ứng xử đúng đắn, đối đãi với nhau chân tình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Hiểu chủ nghĩa Mác -Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được”.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, lời căn dặn của Bác vẫn còn nguyên tính thời sự.  Lời Bác nói cũng chính là ngôn ngữ thường ngày của mỗi người dân Việt, truyền đời, tiếp nối qua bao thế hệ. “Sống với nhau có tình có nghĩa” từ trong suy tư được thể hiện ra thành lời nói, việc làm, hướng nội và hướng ngoại, tự nhủ và khuyên bảo nhau, là mệnh lệnh của lương tâm, trái tim cá nhân và là sức mạnh của dư luận xã hội mang ý nghĩa bình phẩm, đánh giá, phê phán điều chỉnh ý nghĩa, thái độ, hành vi ứng xử của mỗi người. Thay vì là những phạm trù đạo đức vốn mang tính trừu tượng, lý thuyết sách vở, “Sống với nhau có tình, có nghĩa” lại như những gì diễn ra trong cuộc sống thực sinh động, cụ thể, trực tiếp với sự trải nghiệm của mỗi người.   
Sống có tình của con người không chỉ là những phản ánh tâm lý thông qua lăng kính nhu cầu có tính bản năng. Cả tình cảm và nhu cầu của con người đều có nguồn gốc xã hội và mang tính lịch sử, tức là nó chịu sự định hướng, điều chỉnh bởi các chuẩn mực xã hội, cái mà ta gọi là nghĩa. Nghĩa là điều được coi là hợp lẽ phải, làm khuôn phép cho cách xử thế của con người trong xã hội; nghĩa còn là quan hệ tình cảm thủy chung, phù hợp với những quan niệm đạo đức nhất định. 
Sống với nhau có tình, có nghĩa trong các quan hệ xã hội hiện thực của mỗi con người, từ tuổi thơ, trong suốt cả cuộc đời, trong gia đình vợ - chồng, cha mẹ - con cái, ông bà - cháu, anh chị em; ngoài xã hội là xóm làng, đến trường học là thầy trò, bạn đồng học - đồng môn, đi làm là đồng nghiệp. Mỗi người thực hiện đúng bổn phận của mình cũng là làm tròn nghĩa vụ của mình, tạo nên sự cố kết xã hội, bền chặt để vượt qua những thử thách do thiên tai, địch họa, cả những rủi ro, sa sảy của mỗi cá nhân. Tình sâu nghĩa nặng là như vậy, cho nên cho dù sống với nhau chỉ là một ngày thì cũng “một ngày nên nghĩa” và nếu như vì một lý do nào đó mà cái tình phải đứt đoạn thì cái nghĩa vẫn còn để con người chẳng thể nào quên được tình xưa, nghĩa cũ, để con người luôn nghĩ và làm sao có thể đáp nghĩa đền ơn và do vậy càng sống với nhau có nghĩa, có tình, trọn nghĩa, vẹn tình.
Thời gian gần đây, công tác cán bộ được Đảng ta đặc biệt quan tâm, vì thế, chất lượng đội ngũ cán bộ ngày càng được nâng cao. Nhiều cán bộ trẻ năng động,  có học hàm, học vị cao, sớm được quy hoạch vào các chức danh chủ chốt, được cử đi học các lớp đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, có trình độ lý luận chính trị cao cấp, nắm vững những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... với rất nhiều bằng cấp, chứng chỉ theo yêu cầu. Nhìn chung, đó là tín hiệu tích cực, điều đáng mừng.
Thế nhưng có một thực tế đáng buồn rằng, trong số cán bộ ấy, có một số người tuy nhiều bằng cấp thật, nhưng trong đời sống và công tác, họ lại tỏ ra là người sống quá ít tình, ít nghĩa! Trong công việc, bộ phận cán bộ này chỉ chăm chăm tìm cách nịnh nọt, lấy lòng cấp trên, còn ở cơ quan thì tuy không đến mức “quát nạt” cấp dưới, nhưng trong thâm tâm, họ luôn tự coi mình như “quan phụ mẫu”, chẳng coi ai ra gì. Có vị thì chỉ “tình nghĩa” với cấp trên thôi, luôn “chăm sóc” cực kỳ chu đáo, gọi dạ, bảo vâng, còn đối với người khác trong cơ quan, đơn vị thì không mấy khi quan tâm. Đặc biệt, có người sống theo kiểu “thực dụng chủ nghĩa”, chỉ biết việc mình, cứ khi có việc gì khó thì nhờ vả đồng nghiệp, cán bộ dưới quyền, ra bộ tình cảm “anh anh, em em” ngọt xớt, nhưng xong việc rồi thì... quên luôn; “qua cầu, rút ván” ngay, chẳng bao giờ quan tâm, tạo điều kiện cho anh, chị, em cấp dưới thăng tiến, vì lo sợ một số người tài giỏi trong cơ quan có thể phát triển... bằng mình! Có người rao giảng làu làu “như cháo chảy” về chủ nghĩa Mác - Lênin, về đạo đức cách mạng, về “tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau”, nhưng lại luôn tìm cách kéo bè, kéo cánh...
Những cán bộ ấy đã quên lời dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính vì lý do này, nên loại bỏ khỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý những người đó càng sớm càng tốt để đáp ứng sự kỳ vọng và niềm tin của nhân dân./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét