Nhận thức điều kiện và yêu cầu mới trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của thế kỷ 20, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh không bị lệ thuộc vào quan điểm của các thế hệ tiền bối mà đưa ra quan điểm riêng của Người: Phải đi ra nước ngoài, xem cho rõ, sau khi đã xem rõ, trở về giúp đồng bào. Điều cần nhấn mạnh ở đây là Nguyễn Ái Quốc đã ý thức được tư duy cứu nước truyền thống không thể giúp chiến thắng được thực dân Pháp-một kẻ thù hoàn toàn mới và hơn hẳn dân tộc Việt Nam về trình độ phát triển của phương thức sản xuất (phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa so với phương thức sản xuất phong kiến).
Do đó, Người từ chối con đường Đông du của cụ Phan Bội Châu, chọn hướng đi sang phương Tây để học hỏi tư duy mới, cách thức mới; học hỏi để tự lực, tự cường, dựa vào sức mình là chính chứ không phải là cầu viện, trông chờ, lệ thuộc vào sự giúp đỡ của bên ngoài. Trong hành trình đó, bằng tư duy độc lập, tự chủ, óc phê phán tinh tường, Người đã gạn lọc và tiếp thu những hạt nhân hợp lý, làm giàu thêm vốn văn hóa của bản thân để vươn lên đến đỉnh cao của văn hóa nhân loại, trở thành nhà văn hóa vừa mang đậm chất Á Đông vừa hết sức cởi mở, hòa hợp với văn hóa phương Tây.
Ra đi với hai bàn tay trắng và chỉ có một mình, nhưng với tấm lòng yêu nước nhiệt thành, Nguyễn Ái Quốc phải làm nhiều công việc lao động vất vả. Khi các nước đế quốc thắng trận trong Chiến tranh thế giới thứ nhất họp hội nghị ở Versaille (Pháp), Người đã khởi xướng việc gửi đến hội nghị bản "Yêu sách của nhân dân An Nam" gồm 8 điểm, đòi các quyền tự do, dân chủ-một việc làm đầy bản lĩnh của một người dân thuộc địa ở ngay tại sào huyệt của những kẻ đang thống trị dân tộc mình.
Sau khi gửi bản yêu sách, dù bị mật thám Pháp theo dõi ráo riết, thậm chí bị Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp Albert Sarraut gọi đến gặp, vừa đe dọa vừa dụ dỗ, nhưng Người không hề bị khuất phục trước cường quyền hay sự cám dỗ của cuộc sống “vinh thân phì gia”, mà vẫn kiên định với mục tiêu cứu nước, cứu dân đã chọn.
Nguyễn Ái Quốc phải đối mặt với bao gian nan, hiểm nguy và Người đã vượt qua bằng tấm lòng yêu nước nồng nàn, trong sáng, bằng bản lĩnh vững vàng. Người khâm phục cách mạng Mỹ (1776); cách mạng Pháp (1789) nhưng nhận thức rõ về bản chất, các cuộc cách mạng này là “không đến nơi”, chỉ thay thế chế độ bóc lột cũ bằng chế độ bóc lột mới tinh vi hơn, hiện đại hơn. Người cũng nhận thấy lúc này còn có sự tồn tại những trào lưu tư tưởng khác nhau trong giai cấp công nhân, trong đó đặc biệt là tư tưởng của tầng lớp “công nhân quý tộc” và các “nghiệp đoàn vàng”, không quan tâm đến đời sống cực khổ của người dân ở các thuộc địa.
Giữa nhiều trào lưu tư tưởng của thế giới khi đó, Nguyễn Ái Quốc đã nhận ra và tìm đến Chủ nghĩa Mác-Lênin, “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất”. Người đã tìm ra con đường đúng cho bản thân, cũng là con đường đúng cho toàn thể dân tộc, trở thành sự lựa chọn của chính dân tộc.
Ngày nay, nhìn lại sự kiện Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước, chúng ta càng thấy tầm vóc lớn lao và ý nghĩa trọng đại của sự kiện này. Với lòng yêu nước nồng nàn và bản lĩnh phi thường, vượt lên những khó khăn, thách thức của hoàn cảnh cùng những định kiến đương thời, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã quyết chí đi tìm và tìm ra con đường cứu nước đúng đắn, phù hợp với dân tộc-con đường cách mạng vô sản, thực hiện độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giành lại độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc thực sự cho nhân dân. Đạo đức, bản lĩnh của Người chính là sự kết tinh và nâng tầm những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam trong bối cảnh lịch sử mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét