Thời gian qua, Đảng
và Nhà nước ta đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong cuộc đấu tranh phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết, kiên trì xử lý những cán bộ vi phạm quy định
của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Điều đó cho thấy sự nghiêm minh, không có
vùng cấm, đồng thời thể hiện rõ tính nhân văn, “thấu lý đạt tình” xem xét, cân
nhắc trên nhiều mặt... Tuy nhiên, trên mạng xã hội lại có những ý kiến “phản biện”
rằng, việc xử lý cả những cán bộ cấp cao như vừa qua là một biểu hiện của “những
bất ổn chính trị”. Sự thật có phải như vậy?
Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến
đầu tháng 5/2024, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm
tra Trung ương đã thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương
quản lý, trong đó có một số cán bộ đã bị xử lý hình sự.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Ủy ban Kiểm
tra Trung ương đã tích cực, khẩn trương hoàn thành 7/8 cuộc kiểm tra khi có dấu
hiệu vi phạm đối với 7 tổ chức đảng liên quan đến các vụ án thuộc diện Ban Chỉ
đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) theo dõi, chỉ
đạo. Qua kiểm tra, đã xử lý kỷ luật đối với 68 tổ chức đảng, 104 đảng viên,
trong đó có 20 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Chỉ đạo, đôn đốc 68 cấp ủy,
tổ chức đảng tiến hành kiểm tra 830 dự án, gói thầu liên quan đến Công ty
AIC....
Liên quan đến những sai phạm xảy ra tại
một số ngành, lĩnh vực, một số cán bộ, trong đó có lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo
cấp cao cũng đã bị thôi các chức vụ. Theo cơ quan kiểm tra của Đảng, những cán
bộ này phải chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp
luật của Nhà nước hoặc đã có vi phạm quy định về những điều đảng viên không được
làm, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên...
Từ những kết quả đạt được vừa qua, có
thể khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được Đảng
và Nhà nước ta tiến hành bài bản, đúng quy định của Đảng và pháp luật
của Nhà nước, thận trọng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là
ai; bảo đảm thực hiện nghiêm những kết luận của Ban Chỉ đạo như kết luận
của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp của Thường trực Ban Chỉ đạo
Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 10/5/2023.
Việc xử lý nghiêm minh những cán bộ,
đảng viên vi phạm kỷ luật cũng cho thấy tính hiệu quả của việc
tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng, công tác bảo vệ chính
trị nội bộ; là biện pháp nhằm sàng lọc, củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc
biệt là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm
vụ. Qua đó nhằm giữ vững kỷ cương của Đảng và thực hiện nghiêm minh
pháp luật của Nhà nước.
Thay vì ủng hộ những động thái tích cực,
mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta, một số đối tượng, trong đó có cả những cá nhân
là công dân Việt Nam đã cố tình bôi nhọ, suy diễn, bóp méo và gán ghép “hiện tượng”
thành “bản chất” từ một số vụ việc đơn lẻ nhằm quy chụp, xuyên tạc đường lối,
chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Những “nhà ngụy lý luận” trên
không gian mạng còn lớn tiếng về cái gọi là “những sai lầm” trong công tác quy
hoạch, bổ nhiệm cán bộ, công tác chuẩn bị nhân sự tại Đại hội Đảng. Một số “nhà
dân chủ mạng” thì lu loa về cái gọi là “khủng hoảng nhân sự cấp cao” khi một số
lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước xin thôi chức và được Trung ương chấp nhận.
Không ít những nội dung trên các mạng xã hội xuyên biên giới còn “lên tiếng yêu
cầu” lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước “phải chịu trách nhiệm” cho các vi phạm
khuyết điểm của cán bộ, đảng viên...(!).
Để phản bác lại những giọng điệu nêu
trên, xin nêu ra một sự thật hiển nhiên, đó là, ở hầu hết các quốc gia trên thế
giới, trong quá trình thực thi trách nhiệm quyền lực, việc thay đổi nhân sự,
kể cả nhân sự cấp cao nhất cũng là điều rất bình thường, không có gì lạ, việc một
quan chức cấp cao thôi chức “giữa chừng” là chuyện bình thường trong đời sống
chính trị - xã hội, điều này có thể diễn ra với bất cứ quốc gia nào, bất cứ hệ
thống, thể chế chính trị nào.
Vì thế, trong bối cảnh mới, tại Việt
Nam cũng như nhiều quốc gia khác, khi các thiết chế chính trị tương đối hoàn chỉnh, việc
thôi chức vụ và “ra đi” của những nhân sự cấp cao khó có thể gây ra “khủng
hoảng” hay “bất ổn chính trị” được. Nhất là khi hệ thống chính trị, pháp lý được
thiết kế bài bản, vững chắc, có nhiều tầng nấc, quy định ràng buộc.
Do đó, những “ý kiến phản biện” và “đóng
góp” của những một số “nhà hoạt động”, “nhà dân chủ” từ hải ngoại hoặc trên “diễn
đàn mạng” về công tác cán bộ, công tác nhân sự và công tác phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta, xuất phát từ mấy lý do: hoặc là họ chưa
hiểu hết về sự vận hành của hệ thống chính trị Việt Nam, xuất phát từ sự thiếu
hiểu biết, non kém về nhận thức; hoặc là chiêu trò “bổn cũ soạn lại” để bẻ cong
sự thật, thổi phồng, bóp méo, xuyên tác nhằm mục đích chống phá; hoặc chỉ đơn
giản là để rêu rao nhãn hiệu “nhà dân chủ” tự xưng nhằm “câu like”, thu hút những
đối tượng hiếu kỳ, bồng bột...
Cần khẳng định lại, việc xử lý những
cán bộ có khuyết điểm ở nước ta trong thời gian qua là sự thể hiện ý chí,
quyết tâm lớn cũng như như năng lực, bản lĩnh của Đảng và Nhà nước trong phát
hiện, xử lý những sai phạm của cán bộ, đảng viên, kể cả nhân sự cấp cao trong hệ
thống chính trị. Thay vì xuê xoa, bao che, Đảng, Nhà nước đã có những hành động
quyết liệt, nghiêm khắc trong xử lý; nghiêm túc trong phê bình và tự phê bình;
công khai, minh bạch trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý những cán bộ
trót “nhúng tràm”. Đây cũng là một cách để khẳng định tính chính danh của Đảng
cầm quyền, để giữ vững niềm tin cho các đảng viên và quần chúng nhân dân. Việc
làm này không chỉ góp phần quan trọng làm trong sạch đội ngũ mà còn tạo thêm
xung lực mới cổ vũ, động viên khích lệ toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tiếp tục
đóng góp tích cực cho sự nghiệp cách mạng trong bối cảnh mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét