Thứ Năm, 20 tháng 6, 2024

ĐẤU TRANH VỚI CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, BẺ LÁI SỰ THẬT VỀ TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM

Trong thời điểm hiện tại, các thế lực thù địch đang không ngừng đưa ra một loạt các quan điểm mang thiên hướng cực đoan, thể hiện sự thiếu khách quan về tình hình tôn giáo và chính sách tôn giáo của Việt Nam. Các đối tượng cố gắng lợi dụng những lời này để phủ nhận sự cải tổ chính sách về tôn giáo, nhằm mục đích chống lại Đảng và Nhà nước ta.

Một số quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ đang phê phán mạnh mẽ Việt Nam về việc đàn áp và kiểm soát tự do tôn giáo thông qua các điều khoản pháp luật mơ hồ. Các báo cáo hàng năm từ Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thường mang những nhận định chủ quan, nhấn mạnh rằng chính phủ Việt Nam vẫn còn vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo. Các tổ chức tại Hoa Kỳ tiếp tục lên án Việt Nam về các quy định pháp lý về tôn giáo, đặc biệt là việc áp dụng quy trình đăng ký và công nhận phức tạp đối với các nhóm tôn giáo, đặc biệt là ở các khu vực dân tộc thiểu số và đối với các nhóm tôn giáo mới.

Mặc dù có một số cải thiện đã được ghi nhận, nhưng các tổ chức trên vẫn đánh giá một cách thiếu thiện chí rằng Việt Nam vẫn hạn chế tự do tôn giáo và sử dụng biện pháp pháp lý để kiểm soát và trừng phạt các hoạt động tôn giáo. Họ đề xuất rằng chính phủ Việt Nam cần nhìn nhận tôn giáo như một nguồn lực xã hội thay vì một thực thể chính trị, để đảm bảo tự do tôn giáo và thực hiện đức tin một cách tự do và trách nhiệm. Những luận điệu này được đưa ra nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, chia rẽ mối liên hệ chặt chẽ giữa các cộng đồng tôn giáo trong nước với nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Các thế lực thù địch thường lợi dụng việc Nhà nước ta tổ chức xử lý các sai phạm liên quan đến các cá nhân, tổ chức tôn giáo. Tiêu biểu như vụ việc “xá lợi tóc Phật” ở Chùa Ba Vàng tại Uông Bí, Quảng Ninh. Vụ việc này rõ ràng không chỉ là một hành động phản đối đạo đức mà còn là một tội phạm pháp lý, lợi dụng lòng tin của người dân, người sùng đạo để trục lợi. Các biện pháp được thực hiện bởi các cơ quan chức năng trong việc xử lý những sai phạm đã bảo vệ và phục hồi di sản tôn giáo đã bị tổn thương, đồng thời còn tạo ra các biện pháp giáo dục và tôn trọng văn hóa để ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra trong thời gian tới. Các khâu xử lý đều tuân theo chủ trương “Tôn trọng, bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo”, “Bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo”. Bên cạnh đó, ban Tôn giáo Trung ương cũng yêu cầu giáo Hội Phật giáo Việt Nam thẩm định nguồn gốc xá lợi tóc. Đồng thời thực hiện “Chấn chỉnh hoạt động không đúng với truyền thống Phật giáo” và “Xử lý nghiêm vi phạm nếu có”. Điều đó cho thấy rằng Giáo hội Phật giáo và Đảng ta đều có chung chí hướng về việc giải quyết vấn đề trên.

Tuy nhiên, một số đối tượng thù địch lại lợi dụng để xuyên tạc, bôi nhọ chính quyền và gây lũng đoạn trong dư luận. Không khó để thấy những luận điệu công kích chính quyền của bọn chúng như “Cộng sản vô thần nhưng mê tín”, “Chính quyền ngăn cản tự do tôn giáo”,…hoặc có những lời bôi nhọ, công kích Giáo hội Phật Giáo Việt Nam như “Ma tang, báo Đảng”, “lừa người, dối Phật”. Tất cả những luận điệu trên của chúng đều hướng tới mục đích là làm chia rẽ khối đại đoàn kết giữa Đảng, Nhà nước và cộng đồng tín ngưỡng tôn giáo tại Việt Nam.

Công tác đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc bản chất của các vụ việc liên quan đến tôn giáo nhằm gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc là vấn đề cấp thiết hiện nay, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cùng toàn thể nhân dân phải nâng cao nhận thức, luôn trau dồi bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Với mục tiêu bảo vệ sự vững mạnh của khối đoàn kết toàn dân, đồng thời, là cơ hội để gìn giữ, thắt chặt mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và cộng đồng tôn giáo tại Việt Nam.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét