Thứ Ba, 4 tháng 6, 2024

BÁC HỒ RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC, MỘT Ý CHÍ, MỘT NGHỊ LỰC PHI THƯỜNG

 BÁC HỒ RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC,

MỘT Ý CHÍ, MỘT NGHỊ LỰC PHI THƯỜNG
Nghiên cứu, nắm vững thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, đặc biệt là quá trình hoạt động thực tiễn và hệ thống lý luận, di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta có ý nghĩa rất quan trọng. Trong đó, nắm vững nguồn gốc xuất thân, sự tác động của điều kiện khách quan và vai trò của nhân tố chủ quan trong quá trình hình thành, phát triển tư tưởng, đạo đức và nhân cách của Người là nội dung có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với sự phấn đấu, rèn luyện của mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta, mà còn là nhân tố quan trọng để mỗi cán bộ, chiến sĩ phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.
Đúng vậy! Tên gọi thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Nguyễn Sinh Cung. Từ lúc ra đời đến tuổi lên 5, Nguyễn Sinh Cung sống ở quê ngoại, chủ yếu trong trong sự đùm bọc, yêu thương của ông bà ngoại, cha mẹ và dì ruột Hoàng Thị An. Là cậu bé ham hiểu biết, Nguyễn Sinh Cung đã nhận ra nhiều điều mới lạ từ cuộc sống quanh sân, quanh nhà, làng xóm đến những câu chuyện thú vị về các anh hùng dân tộc. Đó là hành trang về tuổi thơ tươi đẹp được cậu bé Nguyễn Sinh Cung đem theo, cùng cha vào sống và học tập ở Huế từ năm 1895.
Cậu bé Nguyễn Sinh Cung bắt đầu học chữ Hán, nét chữ đầu đời được người cha đích thân ban cho và kèm cặp. Sau khi ông Nguyễn Sinh Sắc (bố của Nguyễn Sinh Cung) thi Hội lần thứ ba, đỗ Phó Bảng (năm 1901), trở về làng, được bà con đón rước long trọng và cắt đất công, trích quỹ làng mua một ngôi nhà 5 gian để rước ông từ Hoàng Trù về làng Kim Liên sinh sống. Ông Phó Bảng Nguyễn Sinh Huy đưa ba người con về Kim Liên, sống ở quê nội. Ông Nguyễn Sinh Huy làm lễ vào làng cho hai con trai với tên mới là Nguyễn Tất Đạt (Sinh Khiêm) và Nguyễn Tất Thành (Sinh Cung).
Ở làng Kim Liên, Nguyễn Tất Thành nhanh chóng làm quen với cuộc sống mới. Nhận thấy sự cầu thị, ham học hỏi của con trai, ông Nguyễn Sinh Huy đã gửi Nguyễn Tất Thành đến học thầy Vương Thúc Quý (con trai Cụ Vương Thúc Mậu) với hy vọng Nguyễn Tất Thành học chữ thầy Quý nhưng quan trọng hơn là học lòng yêu nước, thương dân của thầy Quý. Nhờ đó, cậu thiếu niên Nguyễn Tất Thành dần dần hiểu được tình cảnh quê hương, đất nước và hiểu được sự day dứt của các bậc cha chú như Phan Bội Châu, Phan Đình Phùng trước cảnh nước mất nhà tan, muốn cứu nước, cứu dân mà chưa làm được.
Qua các cuộc tiếp xúc với các sĩ phu yêu nước của người cha, Nguyễn Tất Thành hiểu rõ hơn sự trăn trở về con đường cứu nước, cứu dân của các bậc cha anh. Ở tuổi 14, Nguyễn Tất Thành được cha cho đi đến nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều sĩ phu yêu nước và người dân. Nhờ đó, anh đã mở rộng tầm nhìn và luôn suy nghĩ về cuộc sống của người dân nghèo. Chính điều đó đã giúp anh quyết định không đi sang Nhật học theo lời mời của cụ Phan Bội Châu. Anh hiểu rằng không thể dựa vào Nhật để đánh đuổi giặc Pháp, làm như vậy khác nào “đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau” mà quan tâm nhiều hơn đến việc trả lời câu hỏi: làm thế nào để cứu nước, cứu dân. Câu hỏi này luôn đặt ra trong trí óc người thiếu niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.
Tháng 5-1906, ông Phó Bảng Nguyễn Sinh Huy nhận được lệnh phải vào Huế làm quan ở Bộ Lại, theo dõi công tác giáo dục, thiên văn, nghi lễ và tế tự. Tuy chưa kết thúc năm học nhưng Nguyễn Tất Thành phải nghỉ học để theo cha lên đường vào Huế. Ở tuổi 16 và lần thứ hai vào Huế, Nguyễn Tất Thành bắt đầu quan sát những hoạt động của Triều đình Huế và luôn trao đổi với người cha những điều anh băn khoăn, thắc mắc. Tại Huế, Nguyễn Tất Thành đã chứng kiến sự thất bại của một loạt phong trào chống Pháp, nghĩa quân du kích đã bị đàn áp dã man; phong trào Đông Du tan rã, hàng vạn người tay không tham gia biểu tình, chỉ nêu một yêu sách nhỏ là đòi giảm sưu thuế nhưng đã bị đàn áp. Bất bình trước tội ác dã man của thực dân Pháp và sự nhu nhược của Triều đình Huế, tháng 4-1908, Nguyễn Tất Thành đã tham cuộc biểu tình đòi giảm sưu, giảm thuế.
Tuy vốn tiếng Pháp còn ít nhưng Nguyễn Tất Thành đã bắt đầu tiếp xúc với sách báo, tài liệu Pháp của những người lính lê dương mà anh quen biết và tham gia biểu tình chống thuế. Vì vậy, Nguyễn Tất Thành bị bọn cảnh sát Pháp theo dõi và nhà trường để ý đến anh vì lý do “bài Pháp, chống Tây”. Cuối năm 1909, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Bình Định, vì cha được bổ nhiệm làm quan, giữ chức tri huyện Bình Khê.
Tháng 1-1910, ông Nguyễn Sinh Huy bị gọi “triệu hồi” về kinh thành Huế, thôi giữ chức tri huyện Bình Khê. Nguyễn Sinh Khiêm về Huế với cha, còn Nguyễn Tất Thành ở lại tiếp tục học để hoàn thành chương trình tiểu học vào giữa tháng 6-1910. Trước biến cố của gia đình, người thanh niên 20 tuổi Nguyễn Tất Thành đã xin cha không trở lại kinh thành Huế mà quyết định đi tiếp xuống phía Nam tìm con đường cứu nước, cứu dân. Tháng 8-1910, Nguyễn Tất Thành đến Phan Thiết. Nhờ mối quan hệ của phụ thân, anh gặp người quen và được giới thiệu vào làm trợ giáo môn thể dục và phụ trách các hoạt động ngoại khóa của Trường Dục Thanh. Ngoài giờ lên lớp, thầy giáo Nguyễn Tất Thành say sưa đọc sách. Nhờ đó, anh hiểu biết sâu hơn về tư tưởng chính trị, văn học, triết học phương Đông, phương Tây; hiểu rõ hơn về nhân quyền, dân quyền, tự do, bình đẳng, bác ái… Những ngày sống ở Phan Thiết, Nguyễn Tất Thành đã suy nghĩ nhiều về con đường cứu nước của cụ Phan Châu Trinh và hoạt động “khai dân trí, trấn dân khí” của Trường Dục Thanh nhưng anh chưa hoàn toàn tán thành con đường cứu nước của cụ Phan Châu Trinh. Nguyễn Tất Thành quyết định tìm cách đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và thế giới làm ăn thế nào rồi trở về giúp đồng bào.
Đầu tháng 2-1911, thầy giáo Thành rời Phan Thiết vào Sài Gòn. Bằng mắt mình, anh chứng kiến nhiều điều mới lạ ở thành phố này, thấy rõ hơn sự đối lập giữa hai lối sống của bọn thực dân và những người lao động nghèo khổ là đồng bào của anh. Anh vừa làm thợ, làm giặt là kiếm sống, vừa tìm hiểu, làm quen với những người thợ giặt quần áo cho thủy thủ trên tàu nước ngoài và tìm cách thực hiện chuyến đi xa. Với quyết tâm không gì lay chuyển nổi, ngày 3-6-1911, một thủy thủ của tàu đã dẫn Nguyễn Tất Thành với tên mới là Văn Ba lên tàu gặp thuyền trưởng Mai Xen. Cuộc trò chuyện không lâu, anh Thành đã được nhận làm phụ bếp trên tàu.
Ngày 5-6-1911, con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin rời Bến cảng Sài Gòn đi Mác Xây của Pháp, mang theo một người thanh niên Việt Nam đầy lòng yêu nước, thương dân, ôm ấp một hoài bão lớn lao: tìm hiểu nền văn minh thế giới, ra sức học hỏi để trở về giúp nước, cứu dân. Một giai đoạn mới, một bước ngoặt mới đầy chông gai, thử thách đối với cuộc đời Nguyễn Tất Thành đang ở phía trước. Như một điều hy vọng thầm lặng và rất diệu kỳ, cả Tổ quốc và nhân dân Việt Nam ngóng trông, theo dõi bước chân Anh, đặt niềm tin vào Anh - Một con người có bản lĩnh thép, một ý chí, một nghị lực phi thường, làm nên tên tuổi, sự nghị vĩ đại - Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Người Cha thân yêu của lượng vũ tranh nhân dân, Bác Hồ của chúng ta./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét