Thứ Ba, 4 tháng 6, 2024

CÁN BỘ PHẢI CỐ GẮNG HƠN MỌI NGƯỜI ĐỂ LÀM KIỂU MẪU

 CÁN BỘ PHẢI CỐ GẮNG HƠN MỌI NGƯỜI ĐỂ LÀM KIỂU MẪU

1. Với tư tưởng cán bộ là gốc của mọi công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở đội ngũ cán bộ phải thực hiện tốt vai trò tiên phong, gương mẫu. Trong Thư gửi Quân đội quốc gia vào ngày 2-6-1949, Hồ Chí Minh viết: Sự thành công phần lớn là do các cán bộ, vì vậy mà các cán bộ phải luôn cố gắng hơn mọi người để làm kiểu mẫu cho mọi người. Theo Hồ Chí Minh: Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành; đồng thời, đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng, vì vậy cán bộ phải làm kiểu mẫu để cho nhân dân tin tưởng, làm theo. Người nêu rõ: Các cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu, phải làm đầu tàu trong mọi việc, phải dìu dắt người chậm tiến để cùng nhau tiến bộ. Tư tưởng trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng Cộng sản Việt Nam quán triệt, tiếp thu, triển khai tích cực, hiệu quả. Đảng xác định sự tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn là yếu tố quan trọng quyết định sức mạnh của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng đi lên. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam chính là: “Một đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tụy, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân ủng hộ, thì Đảng đó có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên”. Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cũng có quy định rõ về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên: “Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng. Mẫu mực về đạo đức, lối sống. Thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành”.
2. Vấn đề quan trọng đặt ra là cán bộ, đảng viên phải cố gắng hơn và làm kiểu mẫu về những nội dung gì? Theo Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, sự tiên phong, gương mẫu phải biểu hiện trong mọi công việc, ở mọi lúc, mọi nơi; không chỉ với bản thân mà cán bộ, đảng viên còn phải gương mẫu và tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để cơ quan, đơn vị, gia đình, bạn bè, người thân cũng làm được cùng với mình. Tháng 10-1951, Hồ Chí Minh từng dạy đội ngũ cán bộ trong Quân đội nhân dân: “Các chú không lấy của công làm của tư, không lấy chiến lợi phẩm về cho gia đình bè bạn mới chỉ là Liêm một nửa. Các chú phải dạy cho bộ đội và khuyến khích nhân dân không lấy của công, không lấy chiến lợi phẩm làm của riêng mới thật là Liêm”. Trong thời kỳ đổi mới, vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên càng được Đảng ta quan tâm thực hiện. Ngày 9-5-2024, Bộ Chính Trị khóa XIII đã ban hành Quy định số 144-QĐ/TW Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Tại Điều 5 của Quy định số 144, có quy định: “Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng, học tập suốt đời”, với các nội dung cụ thể: 1. Gương mẫu trong công tác và sinh hoạt, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cán bộ, đảng viên chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, cấp trên gương mẫu trước cấp dưới, cấp ủy gương mẫu trước đảng viên, đảng viên gương mẫu trước quần chúng; 2. Tích cực vận động thuyết phục gia đình, người thân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; 3. Khiêm tốn, cầu thị, giản dị; không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao phẩm chất, đạo đức, trình độ, năng lực công tác. Nói đi đôi với làm, làm đi đôi với nói, đã nói là làm.
Hồ Chí Minh và Đảng ta đưa ra nhiều chủ trương, biện pháp để cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu, trong đó nhấn mạnh việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Trong bài Phê bình đăng trên Báo Nhân dân ngày 12-7-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cách mạng sở dĩ phát triển mãi, tiến bộ mãi, càng gặp nhiều gian khổ càng mạnh mẽ thêm, là nhờ có phê bình và tự phê bình. Cho nên toàn thể đảng viên và cán bộ cần làm gương mẫu thật thà phê bình và tự phê bình để tự giáo dục mình và giáo dục nhân dân, để làm tròn sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc”. Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải kiên quyết đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân, vì Người cho rằng: Chủ nghĩa cá nhân không dám tự phê bình, không muốn người ta phê bình mình, không kiên quyết sửa chữa, vì vậy mà cán bộ, đảng viên sẽ thoái bộ, chứ không thể tiến bộ được.
3. Phòng, tránh các căn bệnh xấu trong nội bộ Đảng và đấu tranh với sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị luôn là yêu cầu được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đặt ra với các tổ chức đảng và mọi cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nêu rõ: “Đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, cũng phải quyết tâm đấu tranh, chống mọi kẻ địch, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không chịu khuất phục, không chịu cúi đầu. Có như thế mới thắng được địch và thực hiện được nhiệm vụ cách mạng”.
Vừa qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng mạng xã hội cố tình bịa đặt, xuyên tạc về đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Chúng vu cáo cán bộ, đảng viên của Đảng chỉ lo làm giàu bất chính, tham nhũng, tiêu cực, không có sự gương mẫu trước nhân dân. Đáng chú ý, thế lực xấu dùng thủ đoạn bịa đặt, cắt ghép những hình ảnh, thông tin cũ, sai sự thật để vu cáo mối quan hệ giữa cán bộ với chiến sĩ, chiến sĩ với chiến sĩ trong Quân đội. Đấu tranh phản bác các quan điểm thù địch, sai trái đó là nhiệm vụ quan trọng mà chúng ta phải kiên quyết, kiên trì tiến hành. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, xác định: Đây là một nội dung cơ bản, hệ thống, sống còn của công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.
4. Muốn thật sự làm tốt vai trò tiên phong, gương mẫu, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác rèn luyện, phấn đấu từ lời nói đến việc làm; phải có sự hỗ trợ giúp đỡ của tổ chức đảng, của quần chúng nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra: Đảng phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người cán bộ, đảng viên, kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Trong nội bộ Đảng phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh, đồng thời hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Cùng với sự nghiêm túc, nỗ lực nêu gương của từng cán bộ, đảng viên thì các tổ chức đảng cần có sự nghiêm túc trong sinh hoạt chi bộ, sự nghiêm minh trong kỷ luật Đảng và sự chặt chẽ trong công tác kiểm tra của Đảng. Những năm qua, Đảng ta đã rút ra bài học kinh nghiệm, nguyên nhân thành công của việc tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, là: Luôn luôn đề cao trách nhiệm của cấp ủy đảng các cấp, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu; phát huy tinh thần dân chủ và tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Đồng thời, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, từ đó góp phần nâng cao vị thế cầm quyền và khẳng định vai trò lãnh đạo, đường lối đúng đắn của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Với ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ, tình cảm trước Đảng, trước nhân dân, từng cán bộ, đảng viên hãy đồng tâm, hiệp lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII: “Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng”./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét