Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2024

BẢN CHẤT “TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HÓA” TRONG CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY

 Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Theo biện chứng pháp thì cái gì cũng luôn luôn vận động, luôn luôn biến hóa, luôn luôn cách mệnh và luôn luôn phát triển. Bao giờ cũng có cái sinh nở ra và phát triển lên, cũng có cái chết đi và mục nát”. Tuy nhiên, với tính cách là chủ thể năng động, sáng tạo nhất của thế giới, con người nhận thức rõ không chỉ về quy luật vận động, phát triển của các sự vật, hiện tượng khác, mà còn nhận thức rõ về chính bản thân mình để không ngừng hoàn thiện bản thân theo yêu cầu nhận thức và cải tạo thế giới. Theo đó, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là khái niệm dùng để chỉ quá trình thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, từ tốt thành xấu, từng bước phai nhạt mục tiêu, lý tưởng, giảm sút niềm tin vào mục tiêu, con đường xã hội chủ nghĩa.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên là quá trình diễn ra sự thay đổi về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và phẩm chất, nhân cách của cán bộ, đảng viên từ người cách mạng thành người phản cách mạng. “Tự diễn biến” là quá trình dẫn đến “tự chuyển hóa” và “tự chuyển hóa” là hệ quả tất yếu của “tự diễn biến”, vấn đề này có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan giữ vai trò quyết định.

“Tự diễn biến” trong cán bộ, đảng viên biểu hiện ở sự suy giảm niềm tin vào tính đúng đắn, cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng và sự tất thắng của chủ nghĩa xã hội; ngại khó khăn, gian khổ, so bì, tỵ nạnh; tìm mọi cách để lựa chọn công việc, vị trí công tác; suy giảm trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; nảy sinh tiêu cực, tham nhũng từ nhỏ đến lớn; vi phạm các quy chế, quy định, nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng từ ít nghiêm trọng đến ngày càng nghiêm trọng hơn; nói và làm không theo nghị quyết của chi bộ, của Đảng; tự do, vô kỷ luật và cuối cùng là chống đối, đi ngược lại với quan điểm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

“Tự chuyển hóa” là khi người cán bộ, đảng viên đó không còn đủ phẩm chất, năng lực để đáp ứng yêu cầu của chức trách, nhiệm vụ được giao. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có ảnh hưởng rất tiêu cực đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Do vậy, ngay từ năm 1947, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền được hai năm, Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để phòng, chống sự suy giảm ý chí, quyết tâm, phẩm chất, nhân cách người cách mạng của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những đảng viên có chức, có quyền. Bên cạnh đó, cùng với sự quan tâm sâu sắc đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là khi bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã ban hành nhiều quan điểm chỉ đạo việc phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Theo đó, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là toàn bộ các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp được tiến hành đồng bộ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng để làm cho cán bộ, đảng viên luôn tuyệt đối trung thành, kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, tiêu biểu về đạo đức cách mạng, tự giác tu dưỡng, rèn luyện để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng đặt ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét