Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2024

 CẢNH GIÁC VỚI CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN MIỄN NHIỆM, TỪ CHỨC CÁN BỘ HIỆN NAY

Thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã xem xét nguyện vọng và cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác, nghỉ hưu đối với một số cán bộ cấp cao. Lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu đã ra sức tuyên truyền xuyên tạc về bản chất vấn đề nhằm gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, chia rẽ đoàn kết nội bộ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Chúng đã lập ra hàng nghìn trang mạng xã hội, nhất là các nền tảng xã hội Facebook và YouTube để truyền tải thông tin xuyên tạc tới quần chúng nhân dân. Một mặt, chúng vẫn tái diễn luận điệu vu khống cho rằng, đây là kết quả của việc “tranh giành quyền lực”, “đấu đá phe phái”. Mặt khác, chúng tích cực lan truyền các thông tin suy diễn vô căn cứ, lập ngôn, cắt ngọn thông tin, lấy hiện tượng để xuyên tạc bản chất. Chúng cố tình bẻ cong luận điệu, nguỵ tạo luận cứ, luận chứng, nhằm lèo lái công chúng hiểu sai lệch bản chất vấn đề. Theo kiểu “một cán bộ giấu tên cho biết”, “theo giới thạo tin”, “nguồn tin bên lề”, hướng lái sự việc theo chiều hướng tiêu cực khi cho rằng, đây là kết quả của “bất ổn chính trị”. Mục đích, thông qua việc dựng chuyện, thổi phồng sai lầm, thiếu sót của cán bộ, đảng viên hòng hạ thấp uy tín, phá vỡ khối đoàn kết trong Đảng, chia rẽ Đảng với dân, từ đó hướng lái, kích động người dân thực hiện các hành vi sai trái, tiếp tay cho các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước.

Mục đích cao nhất của các đối tượng này là làm nhiễu loạn, bất ổn xã hội, dẫn đến suy yếu thể chế chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội, đối với đất nước và sự nghiệp cách mạng của chúng ta. Thực chất các hoạt động tuyên truyền của các thế lực thù địch, phần tử xấu là để gây chia rẽ nội bộ. Thông qua việc thường xuyên dựng chuyện, thổi phồng sai lầm, thiếu sót của cán bộ, đảng viên, qua đó, gây hoang mang, tạo bức xúc trong dư luận xã hội, kích động người dân gây mất an ninh, trật tự… hòng hạ bệ uy tín cán bộ, phá vỡ khối đoàn kết trong Đảng, chia rẽ Đảng với dân. Sau quá trình bị tác động bởi những thông tin xấu một cách thụ động thì người dân đã tìm đến các thông tin này một cách chủ động. Đây là việc cực kỳ nguy hiểm trong tình hình hiện nay.

Chúng ta cần khẳng định rằng, việc miễn nhiệm, từ chức là việc diễn ra bình thường, không chỉ có ở Việt Nam, mà ở nhiều nước trên thế giới, không phải đến bây giờ mới có. Việc từ chức của cán bộ hoàn toàn không thể và không phải do bất kỳ một tổ chức, cá nhân nào có thể ép buộc, áp đặt vô căn cứ. Đảng và Nhà nước ta đã có những quy định rõ ràng, chặt chẽ, đầy đủ căn cứ pháp lý đối với việc miễn nhiệm, từ chức của cán bộ. Vấn đề này đã được đặt ra trong các Nghị quyết, quy định của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và được luật hóa trong hệ thống pháp luật nhà nước. Theo đó, Quy định 41-QĐ/TW ngày 3-11-2021 về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ quy định nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Quy định 41 nêu nguyên tắc: “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và các nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu nêu cao trách nhiệm trong việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ. Không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm”. Quy định 41 cũng nêu rõ 6 căn cứ xem xét miễn nhiệm cán bộ, 4 căn cứ xem xét từ chức.

Hay tại Thông báo số 20-TB/TW ngày 8/9/2022 thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật nêu rõ: “Việc bố trí công tác đối với cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật nhằm thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng và Quy định của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, thực hiện phương châm "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện; góp phần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và chế độ. Khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định…”. Qua chủ trương này cho thấy chính sách nhân văn, đạo đức của Đảng, Nhà nước ta khi tạo ra một hướng mở cho cán bộ vi phạm có cơ hội sửa chữa, phấn đấu rèn luyện.

Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ và đạt một số kết quả quan trọng; về tổng thể, đội ngũ cán bộ đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; từng bước hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ; xây dựng, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới nhiều quy định, quy chế về đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền; quy trình công tác cán bộ tiếp tục được đổi mới, trong nhiệm kỳ đã đẩy mạnh thí điểm đổi mới cách tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, chặt chẽ hơn. Việc chống chạy chức, chạy quyền được coi trọng, có chuyển biến; công tác điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được chú trọng và đổi mới, gắn với nhu cầu thực tiễn…

Như vậy, miễn nhiệm, từ chức là công việc bình thường trong công tác cán bộ từ cổ chí kim, từ đông sang tây, phù hợp quy luật vận động và phát triển của xã hội. Đảng và Nhà nước ta thực hiện miễn nhiệm, từ chức trong cán bộ theo đúng quy định, nguyên tắc. Người dân cần nhận thức rõ quan điểm này để từ đó giữ vững lập trường chính trị, không để các thế lực xấu dẫn dắt, lợi dụng để cố tình xuyên tạc, chống phá công cuộc xây dựng và phát triển của nước ta. Những luận điệu cho rằng đó là việc “củng cố quyền lực” hay “thâu tóm quyền lực cá nhân” chỉ là một chiêu trò của một số cá nhân chống phá nhằm bôi nhọ danh dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và hạ thấp uy tín của Đảng. Một khi toàn Đảng đã thống nhất, lòng dân đã thuận thì không một thế lực nào, một thủ đoạn nào có thể làm thay đổi được ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam./.

CĐ, VS (st)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét