Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2024

THÀNH TỰU CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG

 Giữ vững chính quyền cách mạng - nhân tố quyết định đến thắng lợi của của cách mạng Việt Nam

Trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu ạnh, văn minh và anh hùng" đã khái quát vai trò lãnh đạo của Đảng, tập trung nêu bật một số thành tựu mà Việt Nam đạt được từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng 94 năm qua.

Bài viết này đề cập đến sự lãnh đạo sáng suốt tài tình của Đảng đã đưa cách mạng ta vượt qua muôn vàn khó khăn, giữ vững chính quyền cách mạng, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi hoàn toàn.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoai xâm. Chưa bao giờ đất nước ta cùng một lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù hung bạo và xảo quyệt như lúc này, trong đó, nguy hiểm nhất là thực dân Pháp. Ngày 23-9-1945, quân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai. Vận mệnh nước Việt Nam mới “như ngàn cân treo sợi tóc”.

Trước tình hình đó, ngày 03-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nêu 6 nhiệm vụ cấp bách, để củng cố chính quyền cách mạng. Đồng thời, chỉ rõ ba nhiệm vụ lớn: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Ngày 25/11/1945, Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”, cùng với xác định tính chất, kẻ thù và lực lượng cách mạng, Chỉ thị chỉ rõ 4 nhiệm vụ cấp bách của cách mạng Việt Nam: "Củng cố, giữ vững chính quyền cách mạng; chống thực dân Pháp xâm lược; bài trừ nội phản; cải thiện đời sống nhân dân".

Trong 4 nhiệm vụ trên, nhiệm vụ củng cố, giữ vững chính quyền cách mạng là nhiệm vụ trọng tâm, bao trùm, là nhiệm vụ hết sức khó khăn, nặng nề và có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mang. Bởi vì, theo lý luận chủ nghĩa lý luận chủ nghĩa Mác- Lênin:

“Chính quyền nhà nước là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng”. Lênin chỉ rõ “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó hơn”. Phát triển tư tưởng của Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra: “Giành chính quyền càng dễ bao nhiêu thì giữ chính quyền càng khó bấy nhiêu”. Thực tế cách mạng thế giới và Việt Nam đã chứng minh: Chính quyền còn là còn tất cả, mất chính quyền là mất tất cả!

Vì vậy, chỉ đạo xây dựng, củng cố chính quyền nhà nước, Chính phủ ban hành Sắc lệnh Tổng tuyển cử trong cả nước để bầu Quốc dân Đại hội và ấn định Hiến pháp của nước Việt Nam mới. Trong hoàn cảnh vô cùng phức tạp, bọn đế quốc, phản động ra sức quấy phá, Chính phủ kiên quyết lãnh đạo, tổ chức cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam mới. Nhân dân cả nước nô nức đi bầu cử. Những đại biểu do Mặt trận Việt Minh giới thiệu đều đạt được sự tín nhiệm tuyệt đối. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất 98,4%. Nhân dân cả nước đã bầu 333 đại biểu vào Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới. Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội nhất trí tuyên bố “Chủ tịch Hồ Chí Minh xứng đáng với Tổ quốc” và trao cho Người quyền thành lập Chính phủ mới. Chính phủ mới - Chính phủ Liên hiệp kháng chiến được Quốc hội thông qua, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Từ đây, quyền làm chủ nước nhà, quyền và nghĩa vụ của công dân, hệ thống chính quyền nhà nước các cấp được thể chế trong Hiến pháp.

Cùng với đó, Đảng và Nhà nước ta phát động chiến dịch tăng gia sản xuất và cứu đói. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dân và Người đã gương mẫu thực hiện “nhường cơm sẻ áo” bằng cách “cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa”, đem gạo đó để cứu dân nghèo. Nhà nước còn tiến hành tịch thu ruộng đất của đế quốc, Việt gian chia cho nông dân nghèo, chia lại ruộng đất công một cách công bằng, hợp lý và ra Thông tư giảm tô 25% cho nông dân; mở lại các nhà máy do Nhật bỏ lại, tiến hành khai thác mỏ, khuyến khích kinh doanh... Nhà nước xây dựng “Quỹ độc lập”, tổ chức “Tuần lễ vàng”, kết quả đồng bào cả nước đã góp được 370 kg vàng, 60 triệu đồng... tạo ra niềm tin của Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Đặc biệt, để có thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến mà dân tộc ta không tránh khỏi, Đảng, Nhà nước ta đành phải nhân nhượng, tránh đối đầu cùng lúc với các lực lượng quân đội đang có mặt trên đất nước ta, qua đó, lợi dùng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù và sự nhân nhượng có nguyên tắc để từng bước đánh bại chúng.

Hoà với Tưởng để đánh Pháp ở Nam Bộ, Đảng ta cung cấp lương thực cho quân Tưởng (mặc dù dân tộc ta đang ra cứu cứu đói), cho bọn tay sai của Tưởng 70 ghế trong Quốc hội không qua bầu cử, Đảng ta tự giải thể, chỉ để lại bộ phận nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin (Đảng ta đi vào hoạt động bí mật, cương quyết không chia sẻ quyền lãnh đạo... ). Từ nhân nhượng ấy, ta không chỉ từng bước phá được âm mưu thủ đoạn của Tưởng và tay sai mà còn có thời gian đánh Pháp ở Nam bộ.

Còn hòa với Pháp là hòa với kẻ thù chính để loại Tưởng - bớt một kẻ thù trực tiếp nguy hiểm và tranh thủ trạng thái không có chiến tranh để xây dựng đất nước, chuẩn bị lực lượng đối phó với một cuộc chiến tranh lớn nếu kẻ thù cố tình gây ra. Đó là một điều khá đặc biệt được đặt ra và giải quyết trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt! Vì vậy, sự hoà hoãn giữa ta và Pháp được ký kết bằng Hiệp định Sơ bộ 6/3 và Tạm ước ngày 14/9. Đây không chỉ được xem là giải pháp tình thế, những phương thuốc hồi sinh cho Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ, mà còn là thời gian vàng để chúng ta chuẩn bị mọi mắt, sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Vì vậy, sau khi Hiệp định Sơ bộ 6/3, theo quy định, Việt Nam đồng ý cho 15.000 quân Pháp ra thay Tưởng ở miền, sau 5 năm phải rút hết quân. Hai bên đình chiến ở Nam bộ để đi đến đàm phán chính thức, tìm kiếm một giả pháp hòa bình... Thế nhưng, lời dụng nội dung này, các lực lượng phản động lên tiếng xuyên tạc tinh thần, nội dung của Hiệp định, vu cáo Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh bán nước, rước quân xâm lược vào miền Bắc. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng không nắm rõ tình hình, cũng cho là Đảng hữu khuynh, nhân nhượng Pháp quá nhiều…

Song, sự thật không phải như vậy! Phát biểu ngay sau khi ký Hiệp định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ: “Chúng tôi không thoả mãn vì chúng tôi chưa giành được hoàn toàn độc lập, nhưng rồi chúng tôi sẽ giành được độc lập hoàn toàn” . Ngày 7/3/1946, phát biểu với nhân dân Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích rõ thêm về Hiệp định; nêu bật ý nghĩa, lợi ích của việc ký Hiệp định, yêu cầu đồng bào bình tĩnh, đoàn kết, đề cao cảnh giác để tránh mắc mưu kẻ thù.

Như vậy, trong điều kiện vô cùng khó khăn và trong thời gian rất ngắn, Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ trương sáng suốt, vừa vững vàng về nguyên tắc, vừa mềm dẻo về sách lược, đã tăng cường được thực lực cách mạng, xây dựng, củng cố và giữ vững chính quyền cách mạng, bảo vệ thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh hiểm trở trong những năm 1945-1946, chuẩn bị điều kiện và lực lượng bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. “Những biện pháp cực kỳ sáng suốt đó đã được ghi vào lịch sử cách mạng nước ta như một mẫu mực tuyệt vời của sách lược Lêninnít” , để rồi 9 năm sau, dân tộc Việt Nam đã làm nên một Điện Biên Phủ "nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng", lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Hiện nay, cách mạng nước ta đã bước sang giai đoạn mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để nâng cao hiệu, hiệu lực quản lý của chính quyền từ Trung ương đến địa phương, bên cạnh tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp cần thực hiện tốt phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", phát huy triệt để quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời, không ngừng đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao Nhà nước trên cơ sở "ngoại giao cây tre Việt Nam" - "Dĩ bất biến, ứng vạn biến", góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Đảng, Nhà nước đề ra.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét