Thứ Tư, 5 tháng 6, 2024

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH - NGƯỜI ĐẶT NỀN MÓNG CHO HỘI NHẬP CỦA VIỆT NAM VỚI THẾ GIỚI

 Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đặt nền móng cho Việt Nam từng bước hội nhập vào xu thế phát triển chung của thế giới. Thông qua con đường cách mạng mà Người đã lựa chọn khi kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, cách mạng Việt Nam đã giành được thắng lợi lịch sử. Hệ thống quan điểm của Người về hợp tác quốc tế đã đặt nền móng cho hội nhập của Việt Nam với thế giới ngày nay.

Từ nửa sau thế kỷ XIX, dưới ách thống trị của thực dân Pháp, nhiều cuộc khởi nghĩa, phong trào yêu nước của các văn thân, sĩ phu yêu nước ở Việt Nam liên tiếp nổ ra. Những phương cách và con đường cứu nước ấy tuy xuất phát từ giá trị lớn như lòng yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm, mang khát vọng giải phóng dân tộc, nhưng cuối cùng đều không thành công. Một trong những nguyên nhân đưa tới thất bại của các phong trào yêu nước chính là thiếu một hệ tư tưởng tiến bộ, hay có thể nói là chưa có được lý luận khoa học và cách mạng soi sáng. Thủ lĩnh của các phong trào ấy chưa nhận thức được sự biến đổi to lớn có ý nghĩa đảo lộn trật tự thế giới bắt đầu từ Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Nhà nước Xô viết ra đời, mở ra thời đại mới với đặc điểm quan trọng là từ đây các phong trào giải phóng dân tộc cần phải gắn chặt với cách mạng thế giới; phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại thì sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa mới thành công.
Đi ra thế giới để tìm hiểu, khám phá
Lớn lên trong thời kỳ đất nước chìm đắm trong vòng nô lệ, chứng kiến nhiều phong trào yêu nước bị dập tắt, đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nuôi chí lớn đánh đuổi thực dân Pháp và giải phóng dân tộc bằng cách “muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”.
Người rất khâm phục tinh thần yêu nước của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu,… nhưng lại không hoàn toàn tán thành con đường cứu nước của các bậc tiền bối. Người thấy con đường cần phải đi, đó là chủ động sang Pháp và các nước phương Tây để khám phá và tìm hiểu nền văn minh của họ. Người nói: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy. Nhưng trong những trường học cho người bản xứ, bọn Pháp dạy người như dạy con vẹt. Chúng giấu không cho người nước tôi xem sách báo. Không phải chỉ sách của các nhà văn mới, mà cả Rútxô và Môngtexkiơ cũng bị cấm. Vậy thì phải làm thế nào bây giờ? Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài”.
Người hiểu rằng, muốn thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp thì phải tự mình cứu lấy mình bằng cách khám phá thế giới. Khám phá thế giới không phải để lệ thuộc, phụ thuộc, bắt chước mà chính là để tự mình làm chủ suy nghĩ và hành động của mình. Trả lời một nhà văn Mỹ, nhớ lại thời gian trước khi ra đi tìm đường cứu nước, Người nói: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”.
Người ra nước ngoài từ năm 1911 để làm quen với thế giới tư bản, để xem “mẫu quốc” ra sao. Điều này thể hiện trí tuệ, tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, nhạy bén, tầm nhìn của Người và chứng tỏ bản lĩnh của người thanh niên giàu lòng yêu nước, có hoài bão lớn cứu nước, cứu dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ chủ động mà còn tích cực tìm hiểu và khám phá thế giới. Người không chỉ đi đến Pháp, Mỹ, Anh, đặt chân qua hầu hết các nước thuộc địa, mà còn tới cả miền Bắc và miền Trung châu Phi và cả Liên Xô. Trước khi đến với chủ nghĩa Lê-nin, Người ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga, vì “về cảm tính tôi thấy mình có mối tình đoàn kết với cuộc cách mạng Nga và người lãnh đạo cuộc cách mạng ấy”. Người tham gia Đảng Xã hội Pháp vì những người trong đảng luôn đồng tình với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức. Trăn trở lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc bấy giờ là vấn đề đoàn kết với các thuộc địa, cộng đồng quốc tế nào sẽ bênh vực các nước thuộc địa? Vì vậy, tại các cuộc họp chi bộ trong Đảng Xã hội Pháp, Người không chỉ tranh luận mà còn nêu câu hỏi: “Nếu các đồng chí không lên án chủ nghĩa thực dân, nếu các đồng chí không đoàn kết với các dân tộc thuộc địa, thì các đồng chí làm thứ cách mạng gì?”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn toàn tin theo Lê-nin, tin theo Quốc tế thứ ba sau khi đọc Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Người đã mở ra một trang mới cho cách mạng Việt Nam trong quan hệ với thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng cho hội nhập của Việt Nam với thế giới
Trong quá trình chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và sau khi cách mạng thành công năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định luôn đứng về phe đồng minh chống phát xít và “sẵn sàng hợp tác với người Mỹ khi nào người Mỹ thấy thích hợp”. Trước khi tuyên bố nền độc lập của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thông điệp cho Chính phủ Pháp, các nước Đồng minh và Liên hợp quốc với tinh thần cơ bản là khẳng định nền độc lập của Việt Nam, sẵn sàng hợp tác với các nước trong việc kiến thiết quốc gia Việt Nam và xây dựng một thế giới tốt đẹp. Người khẳng định: “Bất kỳ nước nào (gồm cả nước Pháp) thật thà muốn đưa tư bản đến kinh doanh ở Việt Nam, với mục đích làm lợi cho cả hai bên, thì Việt Nam sẽ rất hoan nghênh”. Tóm lại, “Chúng ta sẽ mời những nhà chuyên môn Pháp, cũng như Mỹ, Nga hay Tàu, đến đây giúp việc cho chúng ta trong cuộc kiến thiết quốc gia”.
Ngay sau khi công bố nền độc lập của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định mong muốn hợp tác với các nước lớn, các tổ chức quốc tế. Người hoàn toàn ủng hộ việc thành lập Ủy ban tư vấn Viễn Đông và khẳng định Việt Nam có đủ điều kiện cử đại diện vào Ủy ban này. Người tin chắc rằng tại Ủy ban này, Việt Nam có thể mang lại sự đóng góp có hiệu quả cho việc giải quyết các vấn đề còn tồn tại ở Viễn Đông.
Điều đặc biệt là, trong khi kết tội quân xâm lược hiếu chiến ở nhiều quốc gia vi phạm Hiến chương Đại Tây Dương và Hiến chương Xan Phran-xít-cô, trên cơ sở khẳng định nền độc lập vững chắc, mong muốn hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tuyên bố với thế giới về quan điểm thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì hòa bình và thịnh vượng chung.
Ngày 14-1-1946, Người đã có điện văn gửi Chủ tịch Hội đồng Liên hợp quốc và đại diện một số nước tại Hội đồng Liên hợp quốc khẳng định nhân dân Việt Nam đã giành được độc lập và giữ vững nền độc lập, “thiết tha yêu cầu các ngài công nhận nền độc lập ấy và nhận chúng tôi vào Hội đồng Liên hợp quốc”. Đáng lưu ý là khi yêu cầu tham gia Hội đồng Liên hợp quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ trách nhiệm và sự đóng góp quan trọng, có ích của Việt Nam trong việc “giải quyết một cách nhanh chóng và hoà bình cho các vấn đề ở Đông Nam Á châu hiện nay”. Xác định trách nhiệm đóng góp của Việt Nam khi tham gia các tổ chức thế giới, đặc biệt là Hội đồng Liên hợp quốc chính là một ứng xử văn hóa chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quan hệ quốc tế. Quan điểm này được Người duy trì thể hiện một cách nhất quán, xuyên suốt đến tận cuối đời. Trong các thông điệp, thư, điện, công hàm gửi chính phủ các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, Liên Xô, Anh và Hội đồng Liên hợp quốc, trước sau như một, Người đều khẳng định đạt được phồn vinh và hạnh phúc trong nước chính là góp phần nhỏ vào việc xây dựng lại và làm lợi cho toàn thế giới. Cái “phần nhỏ” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tới lại vô cùng lớn. Bởi vì, khi gửi công hàm tới các cường quốc để tham gia vào tổ chức quốc tế, điều đó đồng nghĩa với việc đất nước và người dân Việt Nam đã bắt đầu đồng hành cùng với các nước lớn và “nó sẽ cho phép chúng tôi hợp tác với các quốc gia khác trong việc xây dựng nên một thế giới tốt đẹp hơn và một nền hòa bình bền vững”.
Hội nhập và hợp tác với thế giới, “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai” không chỉ là khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và mong muốn của dân tộc Việt Nam, mà đó còn là chính sách đối ngoại của Việt Nam với những nguyên tắc cơ bản:
1- Đối với Lào và Miên, nước Việt Nam tôn trọng nền độc lập của hai nước đó và bày tỏ lòng mong muốn hợp tác trên cơ sở bình đẳng tuyệt đối giữa các nước có chủ quyền.
2- Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực:
a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình.
b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế.
c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc.
d) Nước Việt Nam sẵn sàng ký kết với các lực lượng hải quân, lục quân trong khuôn khổ của Liên hợp quốc những hiệp định an ninh đặc biệt...
Những nguyên tắc đối ngoại đó là bất di bất dịch kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời cho đến khi cả dân tộc phải đứng lên chiến đấu để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc trước sự xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Trong tư tưởng đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi thế giới chia thành hai phe đế quốc chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, một vấn đề lớn đặt ra là phải xác định rõ ai là bạn, ai là kẻ thù. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bạn ta là giai cấp công nhân, nhân dân lao động, các dân tộc bị áp bức, bóc lột, những lực lượng cách mạng, yêu chuộng hòa bình, công lý, đấu tranh cho độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Tức là những người thiện, việc thiện khắp bốn phương vô sản, khắp bốn biển năm châu. Còn kẻ thù của ta là đế quốc xâm lược, áp bức, bóc lột cùng bè lũ tay sai bán nước.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lệch lạc trong nhận diện bạn - thù sẽ đem lại những tổn thất không lường được cho cách mạng Việt Nam. Vì vậy, Người thường xuyên giáo dục nhân dân ta phải phân biệt rõ nhân dân lao động yêu chuộng tự do, hòa bình, công lý ở các nước đi xâm lược là bạn; chỉ có quân thực dân hiếu chiến, quân xâm lược, đế quốc là thù.
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, trong khi khẳng định “hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời cũng tuyên bố với thế giới rằng: “Tôi kính trọng nhân dân Mỹ. Nhân dân Mỹ là những người thông minh, là những người yêu hòa bình và dân chủ. Lính Mỹ hiện nay đang bị đẩy sang đây để giết người và bị giết.
Nhưng nếu họ đến đây giúp đỡ chúng tôi như những nhà kỹ thuật thì chúng tôi rất hoan nghênh họ như những người anh em… Chúng tôi nói với nhân dân chúng tôi rằng họ phải sẵn sàng hoan nghênh nhân dân Mỹ không phải khi họ đến như hiện nay với những người lính mang vũ khí - nhưng khi họ đến một lần nữa trong tương lai để giúp đỡ xây dựng đất nước chúng tôi… Tôi sẽ rất sung sướng được đón tiếp Tổng thống Mỹ đến đây một cách hòa bình. Chúng tôi chìa bàn tay hữu nghị với bất kỳ quốc gia nào thừa nhận Việt Nam là một nước tự do và độc lập”.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hội nhập quốc tế ngày nay
Lúc sinh thời, với tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức được rằng, muốn giải phóng dân tộc thì phải đi ra thế giới để tìm hiểu, khám phá; đặt cách mạng Việt Nam trong quỹ đạo của cách mạng thế giới; làm bạn với tất cả các nước, không gây thù oán với một ai.
Trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, đồng chí Lê Duẩn, Bí thứ thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta khẳng định “Hồ Chủ tịch là người Việt Nam đầu tiên đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào hoàn cảnh nước ta, vạch đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam từng bước tiến lên, từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Thay mặt Đảng ta, đồng chí Lê Duẩn đọc lời thề: “Luôn luôn phát huy tình cảm quốc tế trong sáng của Hồ Chủ tịch, hết lòng góp sức vào việc khôi phục và tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong phe xã hội chủ nghĩa và giữa các Đảng anh em trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản; thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc Đông Dương; ra sức ủng hộ phong trào cách mạng của nhân dân các nước, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”.
Gần bốn mươi năm sau, ngày 7-11-2006, Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), đánh dấu một mốc lớn trong tiến trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”.
Trên thực tế, cùng với sự phát triển của đất nước, Đảng ta đã không ngừng triển khai đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để phát triển đất nước. Việt Nam hội nhập với thế giới trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện trên những phương diện cơ bản sau.
Thứ nhất, nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại.
Trên cơ sở của phép biện chứng duy vật, đường lối đối ngoại của Đảng đã thể hiện tầm nhìn về những vấn đề có tính quy luật, xu thế khách quan của lịch sử. Đảng ta đúc kết tiến trình toàn cầu hóa, khẳng định tính tất yếu và đặc điểm toàn cầu hóa của mỗi giai đoạn lịch sử để từng bước hoàn thiện đường lối đối ngoại phù hợp với những biến động to lớn, diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường của thế giới.
Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nhất quán về đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Đảng thể hiện: Một là, giải quyết đúng đắn, thỏa đáng vấn đề lợi ích quốc gia, dân tộc, chủ quyền quốc gia với những nguyên tắc quốc tế. Đảng ta khẳng định “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi”. Điều này đã được thực tiễn chứng minh hoàn toàn đúng đắn. Chúng ta kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo đảm được lợi ích quốc gia - dân tộc, đồng thời góp phần to lớn khẳng định, duy trì các nguyên tắc cơ bản của Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; hai là, vừa chủ động, vừa tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Hội nhập toàn diện là hội nhập trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch và các lĩnh vực khác. Hội nhập sâu là chú trọng chất lượng, hiệu quả trong quá trình hội nhập, để đạt được mục tiêu của chính sách đối ngoại là tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới chống các thế lực hiếu chiến, xâm lược, áp bức bóc lột, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Hội nhập rộng là hợp tác với tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị - xã hội khác nhau trên cơ sở những nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình. Trước sau như một, Đảng ta ủng hộ các đảng cộng sản và công nhân, các phong trào tiến bộ xã hội. Mở rộng quan hệ với các đảng cánh tả, đảng cầm quyền và các đảng khác. Tăng cường tình hữu nghị, mở rộng quan hệ và đẩy mạnh hợp tác với các lực lượng chính trị, xã hội và nhân dân các nước trên thế giới. Phát triển quan hệ với các nước Đông Nam Á, tích cực phấn đấu xây dựng khu vực này thành khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; ba là, trong hội nhập quốc tế, chúng ta luôn tỏ rõ thái độ thân thiện là bạn, đối tác tin cậy và xác định rõ, thực hiện tốt, có hiệu quả là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Một điểm đáng ghi nhận là khi Việt Nam khẳng định trên thực tế là một thành viên có trách nhiệm với việc thực hiện đầy đủ các cam kết khu vực và quốc tế, đóng góp hiệu quả trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế, đã góp phần tạo điều kiện giúp Việt Nam từng bước hoàn thiện các chiến lược, chính sách, kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra.
Thứ hai, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng thích ứng linh hoạt, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế, bảo đảm chủ quyền quốc gia.
Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại bài học quý giá trên con đường hoạt động cách mạng, chính là phải chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở tinh thần, ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường. Chú trọng xây dựng thực lực với nhận thức “chiêng to thì tiếng lớn”, “muốn người ta giúp cho, thì trước hết mình phải tự giúp mình”; đồng thời phải luôn luôn xác định “cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. Ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam cả”, để có một tư duy văn hóa chính trị nhạy bén “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ”. Người chỉ ra rằng, độc lập nhưng không biệt lập, hội nhập nhưng không đánh mất mình. Biết cách xử sự, xử thế linh hoạt theo phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, đặt lợi ích của quốc gia và dân tộc lên trên hết trong khuôn khổ của những nguyên tắc quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, cùng có lợi.
Những bài học đó thấm sâu vào đường lối đối ngoại của Đảng ta trong 35 năm đổi mới. Trên cơ sở chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo tình hình, không để bị động bất ngờ, Đảng ta đã luôn chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Học tập và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh để xử trí khôn khéo, linh hoạt mối quan hệ với các cường quốc trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn của đất nước, trong công cuộc đổi mới, Đảng ta giải quyết đúng đắn, linh hoạt, hiệu quả mối quan hệ giữa giữ vững độc lập, tự chủ với hội nhập; giữa tự lực, tự cường với tranh thủ sự giúp đỡ của các nước; giữa nước ta với các nước có chế độ chính trị khác, với các nước lớn và các nước láng giềng.
Kết hợp mục tiêu của dân tộc với mục tiêu của thời đại; sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế trong hội nhập là những giá trị lớn trong kho tàng di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng ta vận dụng, phát triển và sáng tạo trong tình hình mới, vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh với sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội trên thế giới. Chúng ta huy động tiềm năng của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, phát huy mọi nguồn lực, nhất là giá trị văn hóa và con người Việt Nam tạo nên một sức mạnh tổng hợp của đất nước kết hợp với sức mạnh của thời đại. Đảng ta đã thành công trong việc kết hợp nhuần nhuyễn, khôn khéo, linh hoạt chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng với không ngừng xây đắp nội lực; khai thác thành quả của hội nhập để nâng cao sức mạnh dân tộc, thông qua nguồn lực nội sinh để tăng cường và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế. Tính biện chứng trong nhận thức của Đảng ta ở đây là chính nguồn lực nội sinh tỏ rõ năng lực tự chủ, sức cạnh tranh và khả năng thích ứng của đất nước trong hội nhập và tạo điều kiện, khả năng hội nhập cao trong một thế giới toàn cầu, nhiều biến động khôn lường.
Chính sách đối ngoại, hợp tác quốc tế là một nội dung lớn trong đường lối cách mạng, trực tiếp qua hơn 35 năm đổi mới được Đảng ta nhấn mạnh và khẳng định tiếp tục thực hiện trong thời gian tới bằng việc triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Trên cơ sở bài học kinh nghiệm từ thực tiễn công cuộc đổi mới, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra rằng: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”. Đó là một tư duy đối ngoại “mở”, tư duy đối ngoại phát triển thể hiện trí tuệ, tầm nhìn và bản lĩnh văn hóa chính trị của Đảng dưới ánh sáng tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh. Bởi vì, theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ có hợp tác và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, kết hợp chặt chẽ mục tiêu của dân tộc với mục tiêu của thời đại trên tinh thần “Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết”, tích cực, chủ động, độc lập, tự chủ, sáng tạo; “dĩ bất biến ứng vạn biến” linh hoạt, thích ứng, làm bạn với tất cả các nước, không gây thù oán với một ai, thì đất nước mới phát triển và đi tới bến bờ phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường, theo kịp các nước trên thế giới, bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu./.
St

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét