Thứ Ba, 25 tháng 6, 2024

CỦNG CỐ, TĂNG CƯỜNG NIỀM TIN CỦA NHÂN DÂN VỀ ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

Ngày 20/5/2024, tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Trong đó có nội dung: Cử tri và nhân dân đánh giá rất cao công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục đạt được kết quả quan trọng, toàn diện, “nói đi đôi với làm”, thật sự không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; các cơ quan chức năng không chỉ xử lý kịp thời, nghiêm minh người vi phạm mà còn thu hồi được nhiều tài sản cho Nhà nước(7).

Đại đa số cử tri và nhân dân đồng tình, đánh giá cao ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng (ngày 13/3/2024). Tổng Bí thư đã chỉ rõ tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cấp cao, đã được ngăn chặn nhưng vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi, hiện tượng cán bộ “Làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc cho cá nhân mình, gia đình mình trước nhất, quên cả thanh liêm, danh dự”. Tổng Bí thư chỉ rõ những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ là một nguyên nhân quan trọng làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Cử tri và nhân dân rất tin tưởng vào Đảng, Nhà nước “không ngừng, không nghỉ” trong cuộc đấu tranh cam go, phức tạp này.

Ở đây có hai mệnh đề: Đảng, Nhà nước ta đã “dũng cảm chỉ rõ những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ” và nhân dân thì “rất tin tưởng vào Đảng, Nhà nước”.

Rõ ràng là không hề có sự “khủng hoảng niềm tin” hay “khủng hoảng nhân sự lãnh đạo” ở Việt Nam như những giọng điệu suy diễn, xuyên tạc của các thành phần chống phá, bất mãn hoặc thiếu hiểu biết rêu rao trên không gian mạng. Việc một số cán bộ lãnh đạo vi phạm pháp luật, vi phạm Điều lệ Đảng bị xử lý là hoàn toàn bình thường thậm chí rất đáng hoan nghênh. Điều đó cho thấy hệ thống quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã ngày càng hoàn thiện, chặt chẽ, nghiêm minh. Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Việt Nam đang đi đúng hướng, vừa nhân văn, vừa nghiêm khắc, vừa chặt chẽ, vừa bao dung. Việc “mạnh tay” xử lý cán bộ kể cả cán bộ cấp chiến lược, thay đổi cán bộ tuyệt nhiên không ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị của đất nước.

Quốc hội Việt Nam đang họp tại Ba Đình Thủ đô Hà Nội sau khi những vị trí lãnh đạo cấp cao chủ chốt của Đảng, Nhà nước và Quốc hội đã được kiện toàn, bổ sung theo quy trình chặt chẽ. Không có sự xáo trộn chính trị nào như mong đợi của những kẻ mượn danh nghĩa “dân chủ” vẫn lu loa. Một thể chế chính trị khoẻ mạnh vẫn đang được vận hành theo đúng tinh thần của một Đảng cầm quyền, một Nhà nước của Dân, do Dân và vì Dân.

Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đi liền với việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm không chỉ khẳng định quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng; quyết tâm xử lý nghiêm những vi phạm với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, mà còn góp phần quan trọng nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng cầm quyền; không ngừng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng Cộng sản Việt Nam./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét