Thứ Ba, 25 tháng 6, 2024

KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC NHỮNG THÀNH QUẢ CỦA VIỆT NAM TRONG BẢO ĐẢM QUYỀN TỰ DO BÁO CHÍ

Như thành thông lệ, hằng năm RSF (tổ chức phóng viên không biên giới) lại công bố cái gọi là báo cáo về “Chỉ số tự do báo chí”. Năm nay, tổ chức này xếp Việt Nam đứng thứ 174 trong số 180 quốc gia về tự do báo chí - thuộc “vùng trũng của tự do báo chí”. Đây không phải là lần đầu tiên RSF đưa ra bảng xếp hạng và  những nhận định phiến diện, thiếu khách quan, xuyên tạc những thành quả của Việt Nam trong bảo đảm quyền tự do báo chí, bất chấp thực tế đời sống báo chí ở Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, chuyên nghiệp và hiệu quả. 

Bảo đảm quyền tự do báo chí là mục tiêu nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Ngay tại Điều 10 trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1946) khẳng định: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Điều 25, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện hành (năm 2013) tiếp tục khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Hay tại Điều 13, Luật Báo chí 2016 quy định: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình”. Theo đó, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của mọi công dân là quyền được tự do có quan điểm và giữ vững quan điểm của mình, cũng như được tự do tìm kiếm và tiếp nhận, chia sẻ thông tin nhưng phải nằm trong giới hạn mà pháp luật quy định, phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. 

Trên cơ sở hành lang pháp lý được quy định rõ ràng, cụ thể, thực tiễn hoạt động của báo chí Việt Nam những năm qua rất sôi động với nhiều thành tựu nổi bật. Báo chí thực sự là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội; là diễn đàn của nhân dân. Đảng, Nhà nước ta luôn tạo điều kiện thuận lợi để quyền tự do báo chí của nhân dân được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

          Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, đến năm 2023, cả nước có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan Đài phát thanh, truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người, tăng gấp 6 lần so với năm 2000. 

Về khía cạnh quyền tự do internet, sử dụng mạng xã hội, theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 9/2022, ở Việt Nam, hạ tầng 3G/4G đã phủ sóng 99,8% dân cư và internet cáp quang đã tới 98% số phường, xã; số người dùng internet là 72,1 triệu người, chiếm khoảng 73,2% dân số cả nước. Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên thế giới và đứng thứ 6 trong 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á. Đây là những minh chứng rõ ràng, thuyết phục nhất cho vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam được bảo đảm.

Việt Nam cam kết thực hiện nghiêm túc quyền tự do báo chí theo Hiến chương Liên Hợp quốc và các nghị định, hiệp ước quốc tế, khu vực liên quan.

Có thể thấy, Việt Nam là một trong những nước đã tích cực, chủ động tham gia vào hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người. Đến nay, Việt Nam đã là thành viên của 7/9 công ước cơ bản của Liên Hợp quốc về quyền con người; 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Việt Nam luôn cam kết và nỗ lực thực hiện nghĩa vụ theo các công ước đã tham giao, coi đó là trách nhiệm chính trị, pháp lý của Nhà nước. Gần 40 hãng truyền thông quốc tế có mặt tại Việt Nam, trong đó có nhiều hãng lớn như: CNN, Reuters, AP, AFP, Kyodo, Hãng thông tấn Asia (Hàn Quốc), Nhật báo kinh tế Aju (Hàn Quốc) và Hãng thông tấn Rossiya Segodnya (Nga)... Các cơ quan truyền thông quốc tế như: CNN, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg và hầu hết kênh truyền thông lớn thế giới đều đến được với công chúng Việt Nam dễ dàng, thuận tiện mà không có bất kỳ rào cản công nghệ hay pháp lý nào. Các nhà báo quốc tế được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để tác nghiệp. 

Từ những minh chứng trên cho thấy, trong suốt tiến trình phát triển của đất nước, việc bảo đảm tự do báo chí, tự do ngôn luận là mục tiêu nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam, được khẳng định và bảo đảm thực hiện thông qua Hiến pháp và các quy định của pháp luật, phù hợp với các quy định của quốc tế, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Còn những nhận định, quy chụp của RSF là hoàn toàn phiến diện, thiếu khách quan và không phản ánh đúng về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam cần phải lên án và đấu tranh bác bỏ kịp thời./.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét