Trong
giai đoạn hiện nay, khi mà toàn Đảng đang bước vào giai đoạn tiến hành Đại hội
Đảng các cấp để tiến tới Đại hội Dảng toàn quốc lần thứ XIII, Các thế lực thù địch,
phản động, cơ hội chính trị triệt để lợi dụng không gian mạng để chống phá
Đảng, Nhà nước ta bằng nhiều thủ đoạn tinh vi và xảo quyệt, đưa tin thất thiệt,
thật giả lẫn lộn, dẫn đến tâm lý hoang mang, nghi ngờ, phân tâm trong xã hội. Những thông tin xấu độc trên không gian mạng luôn tạo ra
cơ hội cho các thế lực thù địch tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá, gây mất ổn
định chính trị, kinh tế-xã hội ở nhiều địa phương, không chỉ những đô thị lớn
mà nó còn len lỏi về tận những vùng nông thôn.
Những chiêu trò tuyên truyền, xuyên tạc, kích động chống
phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị diễn ra ở nhiều
nơi, nhiều thời gian và không gian khác nhau. Đặc biệt, trong những thời điểm
các tổ chức đảng đang tích cực chuẩn bị đại hội ở cấp mình, theo Chỉ thị số
35-CT/TƯ ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị “Về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, thì chúng tung tin giả,
xuyên tạc, kích động, xuyên tạc sự thật, cho rằng "các phe cánh trong Đảng
đang thanh trừng lẫn nhau", "trong Đảng không có dân chủ nên cần phải
đa đảng…". Họ lợi dụng tâm lý cực đoan, định kiến của một bộ phận dân
chúng để hằng ngày tán phát lên mạng nhiều thông tin sai sự thật; bình luận,
nhìn nhận vấn đề có thật một cách méo mó, theo hướng có lợi cho mục đích, mưu
đồ của họ. Thủ đoạn mà họ thông tin thường là lợi dụng những sơ hở, thiếu sót
trong quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội rồi thổi phồng, cắt ghép theo ý đồ có
sẵn; lấy hiện tượng quy kết thành bản chất, thật giả lẫn lộn, xuyên tạc sự thật
vào những sự kiện, những diễn biến, những động thái có thật, bằng những kỹ xảo
tinh vi của công nghệ, dựng chuyện bằng cách lắp ghép, trích dẫn, cắt xén các
lời phát ngôn, bài viết, hình ảnh… gây nhiễu loạn thông tin, làm cho người đọc,
xem thiếu kinh nghiệm dễ lầm tưởng, khó phân biệt, nhận diện thật-giả,
đúng-sai. Từ đó, đánh giá không đúng bản chất sự kiện, nhân vật. Hoạt động
chống phá của các thế lực thù địch suy cho cùng là nhằm chia rẽ Đảng với nhân
dân, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội.
Bên cạnh những kết quả đã
đạt được trong đấu tranh phòng, chống "diễn biến hòa bình", chống “tự
chuyển hóa”, “tự diễn biến” trên không gian mạng thì chúng ta còn bộc lộ những
hạn chế. Chẳng hạn, một số sự việc đã bị kẻ xấu lợi dụng, lan truyền, nhưng ta
chưa kịp thời có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn; hoặc chưa kịp thời cung cấp
thông tin chính thống để định hướng dư luận. Hình thức đấu tranh vẫn chủ yếu là
chia sẻ các bài viết trên mạng, tần suất các bài viết đấu tranh trực diện chưa
nhiều, thông tin chưa có chiều sâu, còn nặng về lý thuyết, giáo điều, tính
thuyết phục hạn chế, nên chưa tạo được sự chú ý rộng rãi và sức lan tỏa trong
cán bộ, đảng viên và nhân dân, trong cộng đồng xã hội.
Để tin xấu, độc không còn
đất sống, trước hết, cán bộ, đảng viên và nhân dân cần nhận diện rõ thông tin
xấu, độc, ngăn chặn sự tác động của nó vào đời sống chính trị, tinh thần của
cộng đồng xã hội. Cần cảnh giác cao độ với tính nguy hiểm mặt trái của mạng xã
hội. Tuy nhiên, sự suy thoái, tha hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên cũng là
sự tiếp sức cho sự chống phá của các thế lực thù địch. Bởi vậy, cần tiếp tục
đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với tinh thần “Không có vùng
cấm, không có ngoại lệ” ở tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Sự chống phá của
các thế lực thù địch sẽ không có đất sống nếu Đảng, Nhà nước và nhân dân ta có
sức đề kháng tốt. Người dân sẽ không tin khi biết rõ thông tin và hiểu được âm
mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Còn nếu chúng ta không
định hướng tốt, để tâm lý, tư tưởng trong cộng đồng xã hội bị lung lạc, thì sự
chống phá của các thế lực thù địch sẽ càng có thêm cơ hội.
Vì vậy, bên cạnh việc
nâng cao hiệu quả tuyên truyền, Đảng và Nhà nước cần chủ động công khai, minh
bạch thông tin những chủ trương chính sách trong giải quyết các vấn đề, nhất là
những vấn đề có tính nhạy cảm. Các phương tiện tuyên truyền của Đảng, Nhà nước
cần chủ động, kịp thời, phản ánh rõ các sự kiện, sự việc theo hướng tích cực,
đúng sự thật. Tuyệt đối không để công chúng hoài nghi về công tác truyền thông
và cũng không để những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc tự tung, tự tác mà
không bị phản bác. Thực tiễn cho thấy, để tạo thuận lợi cho việc chống tin giả,
cần củng cố, xây dựng một nền báo chí và truyền thông xã hội dân chủ, nhân văn,
chuyên nghiệp và hiện đại. Thông tin càng cởi mở, việc kết nối thông tin trong
xã hội tới mọi người dân luôn thông suốt, chúng ta càng có điều kiện để phòng,
chống tin giả, tin xấu độc, bảo đảm thông tin chính thống giữ vững vai trò làm
chủ, định hướng dư luận./.
V3.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét