Thứ Tư, 5 tháng 6, 2024

NGÀY 6-6-1969: THÀNH LẬP CHÍNH PHỦ CÁCH MẠNG LÂM THỜI CỘNG HÒA MIỀN NAM VIỆT NAM

 Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã lãnh đạo quân và dân miền Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, lần lượt làm thất bại các lượt “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, làm nên cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán Hiệp định Paris.

Cách mạng miền Nam sau Tết Mậu Thân 1968, vấn đề thành lập chính quyền cách mạng Trung ương trở thành yêu cầu cấp bách cả về đối nội và đối ngoại. Trên thực tế, những điều kiện cần thiết để thành lập chính quyền đó là vùng giải phóng rộng lớn, có lực lượng vũ trang lớn mạnh, có lực lượng chính trị hùng hậu thống nhất trong mặt trận đoàn kết dân tộc rộng rãi.

Đáp ứng yêu cầu đó, Đại hội đại biểu quốc dân từ ngày 6 đến ngày 8-6-1969 được triệu tập tại khu rừng Tà Nốt - Tà Đạt (Tân Biên, Tây Ninh). Thành phần tham dự Đại hội gồm đại diện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; Liên minh các lực lượng vũ trang dân tộc, dân chủ, hòa bình Việt Nam cùng đại biểu các lực lượng yêu nước khác ở miền Nam Việt Nam.

Ngày 6 tháng 6 năm 1969, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra đời do Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch là Bác sĩ Phùng Văn Cung (kiêm Bộ trưởng Bộ Nội Vụ), Giáo sư Nguyễn Văn Kiết (kiêm Bộ trưởng Giáo dục và Thanh niên), cụ Nguyễn Đóa cùng 7 Bộ trưởng. Bên cạnh đó còn có Hội đồng cố vấn do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch; Luật sư Trịnh Đình Thảo làm Phó Chủ tịch và 11 ủy viên.

Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời là cơ quan quyền lực cao nhất đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân miền Nam, có nhiệm vụ điều hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi cuối cùng. Ngay khi tuyên bố thành lập, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã được sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của các nước anh em và bạn bè trên thế giới; đã có 23 nước công nhận Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, trong đó có 21 nước đặt quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ.

Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã công bố chương trình hành động 12 điểm nhằm động viên toàn quân, toàn dân miền Nam đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Đại hội cũng ra lời kêu gọi toàn quân, toàn dân, không phân biệt chính đảng tôn giáo, dân tộc, đoàn thể, công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, học sinh, sinh viên, các tổ chức công thương yêu nước, kiều bào ở nước ngoài và những cá nhân yêu nước trong guồng máy ngụy quân, ngụy quyền… tất cả cùng tăng cường đoàn kết, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, tích cực ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời làm tròn sứ mệnh lịch sử.

Ngày 10-6-1969, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam họp phiên đầu tiên. Dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát, Chính phủ đã bàn biện pháp thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu quốc dân và thông qua chương trình hành động của Chính phủ. Chương trình gồm các chính sách lớn, như chính sách đẩy mạnh cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước, chính sách hòa hợp dân tộc, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, bảo đảm các quyền tự do dân chủ, trong đó chính sách về ruộng đất, khẩu hiệu “người cày có ruộng” được đặc biệt quan tâm. Đại bộ phận nông dân ở miền Nam đã có ruộng để cày cấy. Sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp phát triển. Sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế cũng đạt được những kết quả quan trọng.

Ngày 7-11-1969, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ra Tuyên bố về chính sách chiến tranh xâm lược ngoan cố của chính quyền Níchxơn đối với miền Nam Việt Nam. Bản Tuyên bố nêu rõ: “Miền Nam Việt Nam phải được độc lập, tự do... Nhân dân Việt Nam, nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới đòi Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân Mỹ và quân các nước chư hầu - đồng minh của Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam mà không được đòi điều kiện gì, phải từ bỏ chính quyền tay sai Thiệu - Kỳ - Khiêm độc tài, hiếu chiến và thối nát để nhân dân Việt Nam giải quyết công việc nội bộ của mình”.

Trải qua 4 năm, 9 tháng với 202 phiên họp công khai và 24 cuộc họp riêng, ngày 27-1-1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được chính thức ký kết tại Trung tâm các hội nghị quốc tế ở Paris giữa 4 bên tham gia hội nghị. Thay mặt Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Bình đã ký chính thức vào văn bản của Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và ba Nghị định thư kèm theo. Hiệp định ghi nhận quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, coi đó là “quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm và phải được tất cả các nước tôn trọng”; “Nhân dân miền Nam tự quyết định tương lai chính trị của miền Nam Việt Nam”. Quyền tự quyết ấy của nhân dân miền Nam đã được thực hiện trong Hội nghị hiệp thương, diễn ra trong hai ngày 5 và 6-11-1975, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn chính phủ cùng đại diện các nhân sĩ, trí thức yêu nước, dân chủ đã mở hội nghị mở rộng và quyết định cần sớm đi đến thống nhất đất nước mà trước hết là về mặt nhà nước.

Từ ngày 15 đến ngày 21-11-1975, Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất được tiến hành, chấm dứt sứ mệnh lịch sử của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Tuy chỉ tồn tại trong 6 năm, từ tháng 6-1969 đến tháng 7-1975, nhưng sự hiện diện của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là một bài học về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời đánh dấu thắng lợi mới có ý nghĩa lịch sử của cách mạng miền Nam, một thắng lợi trong quá trình hoàn chỉnh hệ thống chính quyền cách mạng ở miền Nam Việt Nam, một chính quyền thực sự dân tộc và dân chủ. Chính phủ Cách mạng Lâm thời ra đời còn là một đòn giáng mạnh vào chính quyền tay sai của đế quốc Mỹ. Việc thành lập Chính phủ là một cuộc vận động trung lập, mở rộng hàng ngũ của Mặt trận cách mạng, là đòn tiến công chính trị mạnh mẽ phối hợp với cuộc tiến công quân sự và giải pháp 10 điểm về ngoại giao của ta, nâng cao uy tín của cách mạng miền Nam Việt Nam trên thế giới./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét