Thứ Ba, 25 tháng 6, 2024

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN VAI TRÒ CỦA QUỐC HỘI

Đã thành thông lệ, cứ mỗi lần Quốc hội Việt Nam họp là các thế lực thù địch và cơ hội chính trị lại tung ra những chiêu trò xuyên tạc. Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV chưa khai mạc mà chúng đã đưa ra khá nhiều các “dự báo”, “nhận định” nhằm phủ nhận vai trò của Quốc hội. Thế nhưng thực tế, sau hai tuần họp chính thức, mưu đồ của chúng đã thất bại.

Sáng 20-5-2024, tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc. Đây là kỳ họp chính thức theo quy định của Hiến pháp 2013 “Quốc hội họp mỗi năm hai kỳ” vậy mà trước đó trên một số trang mạng xã hội đã loan tin “Quốc hội lại họp bất thường”.

Trong những ngày đầu tiên của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã hoàn thành công tác nhân sự bầu Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an giữ chức Chủ tịch nước; bầu đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội giữ chức Chủ tịch Quốc hội. Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã gửi điện chúc mừng, khác với những “nhận định”, “đánh giá” của một số đối tượng thù địch trước đó trên mạng xã hội.

Trước ngày khai mạc kỳ họp, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị còn tung ra nhiều luận điệu, chiêu trò để chống phá, phủ nhận vị trí, vai trò, chức năng của Quốc hội nước ta; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, chia rẽ mối quan hệ căn cốt, máu thịt giữa Đảng với Quốc hội và giữa Quốc hội với nhân dân. Chúng cho rằng, Quốc hội Việt Nam không phải là đại diện cho quyền lực, ý chí, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam; chỉ là cơ quan hợp thức hóa ý chí, quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo họ, trên thực tế quyền lực của nhân dân không được thực hiện, Quốc hội Việt Nam chỉ giữ vai trò biểu quyết thông qua các quyết định của Đảng Cộng sản Việt Nam theo một chiều chấp thuận, vì phần lớn các đại biểu Quốc hội là đảng viên nên không thể làm trái với Đảng. Và “bầu cử Quốc hội ở Việt Nam là hình thức”, “bầu cử chỉ là “màn kịch dân chủ” do Đảng đạo diễn, chỉ là hội nghị của Đảng mở rộng”… Cuối cùng họ kết luận: “Quốc hội Việt Nam chỉ là công cụ của Đảng Cộng sản”! Từ đó, đòi mở rộng dân chủ trong công tác bầu cử và hoạt động của Quốc hội; đòi Quốc hội phải độc lập với Đảng, phải thoát ly sự lãnh đạo của Đảng. Bởi, theo họ, Đảng lãnh đạo Quốc hội là Đảng đứng ngoài, đứng trên Hiến pháp và pháp luật, là biểu hiện mất dân chủ, chiếm quyền của dân, “độc đoán”, “đảng trị”, “độc đoán thực hiện sự chuyên chính của một đảng”... Đáng chú ý là, một số cán bộ, đảng viên do lập trường chính trị không vững vàng, mơ hồ “vào hùa” với luận điệu xuyên tạc đó.

Tại Kỳ họp lần này, Quốc hội đã, đang và sẽ xem xét nhiều nội dung quan trọng, trong đó có 24 nội dung thuộc công tác lập pháp; 15 nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Theo quy định của Hiến pháp, đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và nhân dân cả nước; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm trước cử tri và Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn đại biểu của mình; bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội. Mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri là mối quan hệ gắn bó mật thiết, cùng chung ý chí, thể hiện trọng trách của đại biểu với cử tri.

Tại kỳ họp lần này, thể theo nguyện vọng của cử tri cả nước, Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.

Quốc hội cũng xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; cho ý kiến về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Những thành tựu của Việt Nam trong thời gian qua đã khẳng định, Quốc hội luôn gắn bó chặt chẽ với nhân dân, nhận sự ủy thác từ nhân dân, thực sự là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là sự thực, chân lý và là bằng chứng đanh thép bác bỏ mọi luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động./.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét