Thứ Ba, 25 tháng 6, 2024

MỘT ĐỜI THANH BẠCH CHẲNG VÀNG SON

 Trong bài thơ “Khóc Bác” tiễn Bác theo thế giới người hiền, nhà thơ Tố Hữu có viết:

“Một đời thanh bạch chẳng vàng son,

Mong manh áo vải hồn muôn trượng,

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn…”

Cuộc đời 79 mùa xuân của Bác chỉ biết lo cho dân nước. Bác hy sinh hạnh phúc riêng tư cho hạnh phúc dân tộc. Người “chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta độc lập, dân tộc ta được tự do, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Hai mốt tuổi, tại bến Nhà Rồng, Người lên tàu xuất dương tìm đường cứu nước. Có người hỏi: “ở nước ngoài, làm gì để sống?” Bác cười chỉ vào 2 bàn tay. Bác làm đủ việc : rửa bát, hầu bàn, chụp hình, viết báo… Cho đến khi làm Chủ tịch Nước, bữa cơm của Người cũng chỉ giản dị đĩa cá kho, bát canh rau và món mắm quê hương xứ Nghệ. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người được ăn cơm với Bác nhiều nhất bảo: “Ông cụ, bữa cơm, lúc nào cũng tóm vén, nhắc mọi người ăn cho hết. Ai để sót cơm, bị Bác phê bình là lãng phí sức lao động của người nông dân”.

Ngày Bác về thăm quê, Tỉnh ủy Nghệ An mời cơm. Thấy thức ăn nhiều, Bác sớt để riêng bảo: “để người khác khỏi ăn thừa!”

Ngày Cách mạng Tháng 8 thành công, Chính phủ bố trí Bác ở nhà Toàn quyền, Bác từ chối xin ra ở nhà sàn - Phủ Chủ tịch, sáng chiều tập thể dục, trồng cây, nuôi cá. Dừa, cam có trái, Bác hái chia quà. Rau, cá thu hoạch Bác đem cho nhà bếp, góp phần cải thiện bữa ăn cho cơ quan.

Một hợp tác xã Hà Nội có nghề đúc đồng truyền thống, xin được đúc tượng Bác, Bác bảo:

- Nước đang có chiến tranh, để dành đồng đúc súng đạn đánh Mỹ, nếu có đúc, nên đúc tượng anh hùng liệt sĩ, đúc tượng Bác làm gì?

Thấy áo Bác sờn rách, đồng chí phục vụ xin thay, Bác bảo:

- Rách có tí, vá cho Bác! Đồng chí phục vụ bảo:

- “ Chủ tịch nước, ai lại mặc áo vá.”

Bác cười bảo: “Có ông Chủ tích nước mặc áo vá là hạnh phúc cho dân lắm!”

Bác có một bộ vét bằng kaki vàng, dùng đi nước ngoài, ngoại giao, dự lễ, bị sờn. Anh em bàn nhau bí mật thay mới. Tìm vải tốt, nhưng làm màu hơi cũ đi như màu áo Bác để Bác không phát hiện. Ay thế mà ông cụ tinh, biết, phê bình.

Thường thì Bác mặc quần áo nâu, đi dép cao su (còn gọi là dép râu). Dùng lâu, một hôm dép đứt 1 chiếc quai. Đồng chí phục vụ báo cáo Bác thay đôi mới, Bác bảo: đứt quai thì thay quai, chứ sao lại mua mới, phí. Đồng chí phục vụ quay mặt đi, khóc, thương Bác quá.

Một chính khách Ấn Độ khi thấy người đi dép cao su đã nghẹn ngào bày tỏ: “Nghe tiếng đã lâu, hôm nay mới thấy tận mắt, đúng là Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị, thân thương quá!”. Vâng, ôi Bác của chúng ta, một con người chỉ.:

"Dép một đôi, áo quần vài bộ

Chỉ có trái tim bao la là tất cả gia tài

Người không một mảnh vườn riêng, một tổ ấm riêng

Một đứa con riêng, Người chẳng có …

Chỉ có vầng trăng chia đều cho cháu nhỏ

Và hát chung cùng nhân dân điệu kết đoàn …”

(Người chẳng có gì riêng-Chế Lan Viên).

Cuộc đời vĩ đại và thanh bạch của một con người mà:

“Đi làm cách mạng hai tay trắng

Mẩu bánh mỳ đen chiếc áo sờn

Về làm Chủ tịch chòm râu bạc

Vẫn áo kaki, dép lốp mòn”

(Đi làm cách mạng-Khương Hữu Dụng).

Vâng, Bác chúng ta là con người như vậy đó : “Một đời thanh bạch chẳng vàng son”, và chỉ biết “Nâng niu tất cả chỉ quên mình” thì “Ngẫm nghìn xưa có ai như vậy”. Vì thế mà, sự giản dị, thanh cao, cuộc đời luôn thanh bạch, sáng trong của Người sẽ mãi mãi là tấm gương ngời sáng cho các thế hệ đời sau suy ngẫm, noi theo!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét