Thứ Ba, 4 tháng 6, 2024

 Nguyên tắc “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” trong Hiến pháp năm 2013

Nguyên tắc này được ghi nhận ngay từ Điều 4 Hiến pháp năm 1980, sau đó là Hiến pháp 1992. Hiến pháp năm 2013 kế thừa quy định của hai Hiến pháp trước đó, đồng thời nêu rõ, không chỉ các tổ chức của Đảng (như Hiến pháp 1980, 1992) mà cả các đảng viên cũng phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Nguyên tắc này có cơ sở lý luận và thực tiễn sau:

Một là, xuất phát từ bản chất, mục đích của Đảng: Đảng Cộng sản Việt Nam được xây dựng và phát triển không có mục đích gì khác ngoài mục đích “vì Nhân dân”.

Trong thực tiễn 90 năm chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, trải qua rất nhiều khó khăn, thách thức, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định bản chất vì nhân dân. Song song với việc đó, từ khi trở thành Đảng cầm quyền, Đảng luôn điều chỉnh để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng là phù hợp với Hiến pháp và pháp luật. Mặc dù Điều lệ Đảng lần thứ I, II, III, IV, V chưa quy định cụ thể việc Đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật, song chính những hoạt động thực tiễn của Đảng đã minh chứng thấy rõ Đảng luôn thực hiện trong thực tế quy định này. Cụ thể, tại Đại hội III (1960), Đảng đã thẳng thắn chỉ ra tình trạng:“... có những cấp ủy đảng bao biện làm thay, can thiệp vụn vặt vào công việc của cơ quan nhà nước. Có những cấp ủy và cán bộ, đảng viên coi thường chính quyền nhà nước, không nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị, nghị quyết của cơ quan chính quyền cấp trên”(4). Điều lệ Đảng thông qua tại Đại hội III quy định: “Đối với đảng viên vi phạm pháp luật của Nhà nước cần phải truy tố trước tòa án thì tổ chức đảng có thẩm quyền sẽ thi hành kỷ luật đảng và tội trạng của họ sẽ do các cơ quan hành chính hoặc tư pháp xét xử về mặt chính quyền”(5). Đại hội lần thứ IV (1976) của Đảng đã quy định: “Đảng viên và tổ chức đảng phải là người gương mẫu nhất trong việc chấp hành mọi quyết định của Nhà nước”(6) và “bắt buộc các tổ chức đảng và đảng viên tôn trọng quyền hạn, trách nhiệm và các chế độ của cơ quan nhà nước, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và các quyết định của Nhà nước, coi đó là kỷ luật của Đảng”(7).

Từ Đại hội VII (1991) đến Đại hội IX (2001) trong Điều lệ Đảng thời kỳ này dù chưa khẳng định “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” là một nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, nhưng trong nhiều văn kiện khác, Đảng luôn nhất quán quan điểm Đảng lãnh đạo xã hội thông qua Nhà nước, các tổ chức đảng và đảng viên phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Ví dụ, tại Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội lần thứ VII (1991) thông qua đã khẳng định: “Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Đảng liên hệ mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”(8). Trong văn kiện Đại hội lần thứ VII, Đảng đã nêu rõ: “mọi cán bộ là đảng viên trong cơ quan nhà nước phải phục tùng sự lãnh đạo của Đảng và thực hiện sự sáng tạo nghị quyết của Đảng, gương mẫu chấp hành pháp luật của Nhà nước”. Đại hội lần thứ VIII của Đảng cũng khẳng định: “Đảng lãnh đạo phát huy mạnh mẽ vai trò và hiệu lực của Nhà nước chứ không làm thay Nhà nước. Đảng và mọi đảng viên đều hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật và chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình”(9).

Đến Đại hội X (2006), nhận thức về vấn đề Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật có bước phát triển mới, rõ ràng hơn và đã được đưa thành nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng trong Điều lệ Đảng.

Từ thực tiễn xây dựng Ðảng trong những năm đổi mới, Đảng rút ra bài học kinh nghiệm: “Phải xây dựng hệ thống các quy chế về sự lãnh đạo của Ðảng ở các ngành, các cấp. Ðảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, không làm thay công việc của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị”(10). Đặc biệt, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam do Đại hội X thông qua, lần đầu tiên xác định: “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật là một trong các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng”(11).

Quan điểm nêu trên là phù hợp cả về lý luận và thực tiễn. Khi trở thành đảng cầm quyền, Đảng là lực lượng lãnh đạo xã hội, bằng việc đề ra đường lối, chủ trương; thông qua Nhà nước, qua hệ thống đảng viên của Đảng được phân công thực hiện các công việc cụ thể trong hệ thống chính trị. Nhà nước thông qua chức năng quản lý của mình, thông qua hiến pháp và pháp luật để thể chế hóa, và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, đảm bảo đưa các đường lối, chủ trương đó trở thành hiện thực. Do đó, nguyên tắc “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” là cơ sở để xác định tổ chức đảng và đảng viên của Đảng phải luôn thực hiện đúng Hiến pháp và pháp luật, và thực hiện đúng Hiến pháp, pháp luật cũng chính là đã thực hiện sự lãnh đạo của Đảng.

Hai là, xuất phát từ vị trí, vai trò của Nhà nước và yêu cầu đổi mới xây dựng Nhà nước pháp quyền của Việt Nam

Nhà nước có vị trí không thể thay thế trong việc tổ chức thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, đưa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trở thành hiện thực trong đời sống xã hội.

Các Hiến pháp 1946 và 1959 chưa quy định nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật là do thực tiễn cách mạng lúc đó chưa cho phép như vậy. Cần thấy rằng cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc và giải phóng đất nước đã có những lúc đặt vị trí của Đảng Cộng sản Việt Nam ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thậm chí đã có lúc Đảng phải rút vào hoạt động bí mật để giữ vững vai trò lãnh đạo cách mạng. Chỉ đến khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội thì các điều kiện cho việc quy định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp mới hoàn toàn chín muồi. Kết quả là kể từ Hiến pháp năm 1980, vị trí, vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản đã được khẳng định trong Điều 4 của các Hiến pháp, đồng thời với nguyên tắc “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Hiến pháp năm 1992 sửa đổi năm 2001 đã xác định mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhà nước pháp quyền là nhà nước thượng tôn pháp luật, do đó đòi hỏi mọi chủ thể trong xã hội, bao gồm cả đảng cầm quyền, đều phải chấp hành Hiến pháp và pháp luật. Đảng là tổ chức cao nhất, là đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng thành Hiến pháp, pháp luật và tổ chức để nhân dân thực hiện. Đảng định ra các quan điểm, nguyên tắc xây dựng Hiến pháp và pháp luật, luật tổ chức các cơ quan nhà nước. Vì vậy, khi đã có Hiến pháp và pháp luật thì Đảng chịu sự điều chỉnh của Hiến pháp và pháp luật bình đẳng như mọi chủ thể chính trị, xã hội khác.  

Ba là, xuất phát từ yêu cầu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, thật sự xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.   

Việc nguyên tắc “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” được ghi trong Hiến pháp còn nhằm bảo đảm cho Đảng giữ vững bản chất, mục tiêu, lý tưởng của mình, phòng, chống mọi nguy cơ thoái hóa, biến chất có thể xảy ra trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền ở Việt Nam. 

Từ một góc độ rộng hơn, nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật xuất phát từ yêu cầu không ngừng đổi mới và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Việc thực hiện nguyên tắc Đảng này sẽ vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Đảng, vừa đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với Đảng, đồng thời sẽ giúp cho Đảng xây dựng về tổ chức, chính trị, tư tưởng và đạo đức ngày càng trong sạch, vững mạnh, để các tổ chức đảng và đảng viên soi chiếu vào trong từng hoạt động cụ thể để từ đó khắc phục các hiện tượng lệch lạc, tiêu cực trong hoạt động lãnh đạo của các tổ chức đảng, như: bao biện, làm thay, tùy tiện, chủ quan, giúp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng hoàn thành được nhiệm vụ của mình trước dân tộc, đảm bảo được uy tín của Đảng đối với nhân dân.

Nội dung cơ bản của nguyên tắc “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” được hiểu như sau:

Một là, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội là vấn đề của Hiến pháp, không thể tùy tiện thay đổi hay phủ nhận

Trong nhà nước pháp quyền thì việc thượng tôn pháp luật là yêu cầu tất yếu, mọi tổ chức và công dân đều phải sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, dù Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước song Đảng cũng không đứng trên hay đứng ngoài pháp luật, mà chính Hiến pháp và pháp luật đã quy định rõ vị trí, vai trò cầm quyền của Đảng. Hiến pháp và pháp luật cũng đồng thời bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội, bảo đảm các hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên đúng với chủ trương, quy định của Đảng và Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.

Hai là, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng được thể chế hóa thành Hiến pháp và pháp luật thông qua trình tự lập hiến, lập pháp, qua đó thực hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội

Là đảng cầm quyền, Đảng đề ra cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách, chủ trương lớn của đất nước. Nhà nước với chức năng quản lý của mình, sẽ xây dựng pháp luật để thể chế hóa, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, các đường lối, chủ trương của Đảng, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội được thực hiện.  

Trong thực tế sau các kỳ Đại hội Đảng, các chủ trương, đường lối của Đảng sẽ được Quốc hội, Chính phủ triển khai bằng việc cụ thể hóa thành các quy định, các chế định cụ thể trong Hiến pháp và trong hệ thống văn bản pháp luật, và đảm bảo triển khai thực hiện các văn bản đó trong xã hội.

Ba là, tổ chức, sinh hoạt của Đảng phù hợp với các thiết chế do Hiến pháp và pháp luật quy định

Điều lệ Đảng ghi rõ: “Tổ chức Đảng được thành lập tương ứng với hệ thống hành chính nhà nước”. Quy định này vừa giúp đảm bảo yêu cầu lãnh đạo của Đảng, vừa đáp ứng yêu cầu thực thi Hiến pháp và pháp luật, không làm cản trở hoạt động của Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Thêm vào đó, quy định này làm cho bộ máy cơ quan đảng và cơ quan nhà nước bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về tổ chức và hoạt động.

Bốn là, nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng phù hợp với các chế định của Hiến pháp và pháp luật

Đảng thực hiện sự lãnh đạo xã hội qua chủ trương, đường lối được luật hóa. Đảng xây dựng các quy định cụ thể để đề ra các nội dung, phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ giữa Ðảng với Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, song các quy định này không được trái với Hiến pháp và pháp luật.

Đảng lãnh đạo xã hội thông qua công tác cán bộ, thông qua các tổ chức của Đảng, Đảng lựa chọn, phân công đảng viên tham gia vào các vị trí lãnh đạo của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhằm định hướng cho tổ chức đó hoạt động theo đúng mục đích mà Đảng đã đề ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét