Biển, đảo Việt Nam là bộ phận lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời của Tổ quốc, cấu thành chủ quyền quốc gia, cửa ngõ giao lưu quốc tế, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Đây cũng là địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh, là tuyến phòng thủ phía Đông của đất nước, tạo khoảng không gian quan trọng để kiểm soát việc tiếp cận lãnh thổ trên đất liền. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 vùng biển Việt Nam có diện tích trên 1 triệu km2, chiếm khoảng 30% diện tích của Biển Đông và rộng gấp 03 lần diện tích đất liền. Biển Việt Nam tiếp giáp với vùng biển của 07 nước: Trung Quốc, Philipines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Campuchia và Thái Lan. Hiện nay, Việt Nam đã đàm phán phân định ranh giới biển với các quốc gia xung quanh Biển Đông. Nước ta hiện có 28 tỉnh, thành phố giáp biển, chiều dài bờ biển khoảng trên 3.260 km, từ Móng Cái đến Hà Tiên, hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhiều cảng biển quan trọng, nhiều danh lam thắng cảnh và khu du lịch nổi tiếng.
Biển Đông có vị trí, vai trò hết sức quan trọng
trên nhiều lĩnh vực nhưng cũng tồn tại nhiều phức tạp, tạo sự quan tâm đối với
các quốc gia trong khu vực và thế giới, trong đó có hệ thống hàng hải quốc tế
cùng những “vấn đề” về chủ quyền, lãnh thổ, nên nơi đây đã, đang là tâm điểm
cạnh tranh và gây ảnh hưởng của các quốc gia trong và ngoài khu vực, nhất là
các nước lớn. Cũng chính vì lẽ đó, nhiều thập niên gần đây, vùng biển này luôn
là “vấn đề nóng” trên bàn cờ chính trị của khu vực.
Trong khi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn nỗ lực
đấu tranh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc thì các thế lực
thù địch, phản động lại lợi dụng internet và mạng xã hội để tung ra những luận
điệu sai trái, xuyên tạc về tình hình Biển Đông và chủ quyền biển, đảo của Việt
Nam, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện âm
mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam. Luận điệu mà họ thường rêu
rao là Đảng, Nhà nước Việt Nam “nhu nhược”, “làm ngơ” trong bảo vệ chủ quyền
quốc gia trên biển; rằng, “chỉ có liên minh quân sự với các cường quốc quân sự
thì Việt Nam mới giữ được chủ quyền biển, đảo, bảo vệ được lợi ích quốc gia -
dân tộc”; sức mạnh của Hải quân Việt Nam hiện nay là “quá yếu”, “lạc hậu”, v.v.
Do đó, Việt Nam cần liên minh quân sự với các nước lớn có tiềm lực quân sự,
quốc phòng mạnh, mới bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo quốc gia. Một số
đối tượng còn cho rằng, Đảng, Nhà nước và Quân đội ta vì “đường lối ngoại giao
cây tre” nên không dám “dùng lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển để giải quyết
tranh chấp, bất đồng, sự khác biệt trên biển”, “lúc nào cũng chỉ muốn đối
thoại, đàm phán hòa bình” nên để nước ngoài “… lấn tới, ngang ngược, làm mưa
làm gió trên Biển Đông”, “liên tục gây rối, quấy phá quần đảo Trường Sa”,
“chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa” nhưng “Đảng, Nhà nước Việt Nam im
lặng, không dám nói gì”; “thật lãng phí tiền thuế của dân khi chi hàng tỷ đô la
mua tàu ngầm ki-lô, nuôi quân đội…”, v.v..
Đó thực sự là những luận điệu xuyên tạc, kích động
công cuộc, nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc mà toàn Đảng,
toàn quân, toàn dân ta đang tiến hành một cách đồng bộ, bài bản. Ngay sau khi
đất nước thống nhất, nắm bắt việc Liên hợp quốc đang trong quá trình thảo luận,
xây dựng Công ước về Luật Biển và nội dung liên quan, ngày 12/5/1977, Việt Nam
đã ra Tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và
thềm lục địa của mình. Tiếp đó, ngày 12/11/1982, Chính phủ ra tuyên bố về đường
cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Đây là những cơ sở pháp lý hết
sức quan trọng để Việt Nam tiến hành đàm phán giải quyết vấn đề phân định vùng
biển chồng lấn với các quốc gia có liên quan trong giai đoạn sau này. Cụ thể:
Việt Nam đã ký Hiệp định về phân định ranh giới biển với Thái Lan vào ngày
09/8/1997 và hiệp định này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 26/02/1998. Đây là
hiệp định phân định biển đầu tiên mà Việt Nam ký kết với các quốc gia láng
giềng và cũng là hiệp định phân định biển đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á sau khi
Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 chính thức có hiệu
lực vào ngày 16/11/1994. Cùng với hiệp định này, Việt Nam và Thái Lan cũng đã
có thỏa thuận về việc tuần tra chung giữa hải quân hai nước vào năm 1998, góp
phần quan trọng vào việc duy trì an ninh, trật tự, ổn định vùng biển giáp ranh
giữa hai nước. Đối với Vịnh Bắc Bộ, ngày 25/12/2000, Việt Nam và Trung Quốc đã
ký kết Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ; theo đó, về diện tích tổng thể: Việt
Nam đạt 53,23% diện tích Vịnh, Trung Quốc đạt 46,77% diện tích Vịnh. Ngày
26/6/2003, sau 25 năm đàm phán, Việt Nam và Inđônêxia đã ký Hiệp định phân định
thềm lục địa chồng lấn giữa hai nước và hiệp định chính thức có hiệu lực từ
ngày 29/5/2007. Những hiệp định trên mang ý nghĩa quan trọng, góp phần khẳng
định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; đồng
thời, tạo thuận lợi cho việc quản lý, khai thác các vùng biển và thúc đẩy hợp
tác với các nước láng giềng. Đây là một minh chứng cho thấy, Đảng, Chính phủ,
Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, chủ động, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển,
đảo thiêng liêng của Tổ quốc trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Đảng, Nhà nước ta từ trước đến nay đều thể hiện rõ
quan điểm biển, đảo là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; lợi ích
quốc gia trên biển là vấn đề trọng yếu, thường xuyên và lâu dài của Việt Nam.
Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo và tất cả
các lợi ích hợp pháp, chính đáng trên biển Việt Nam đã được luật pháp quốc tế
và Hiến pháp, pháp luật Việt Nam quy định. Đảng, Nhà nước, Quân đội ta đã phát
ngôn công khai, khẳng định rõ lập trường, quan điểm nhiều lần như vậy rõ ràng
thì không có chuyện chúng ta “nhu nhược, hèn nhát”, “không kiên quyết bảo vệ
chủ quyền biển, đảo và lợi ích quốc gia trên biển” như các đối tượng chống đối
xuyên tạc, vu cáo. Hơn nữa, trong những năm qua, đặc biệt là những năm gần đây,
chưa bao giờ Đảng, Nhà nước và Quân đội ta lơ là, sao nhãng nhiệm vụ xây dựng,
phát triển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước, chúng ta luôn thấm nhuần
quan điểm “giữ nước từ sớm, từ xa, giữ nước từ lúc nước chưa nguy”. Đảng, Nhà
nước luôn ưu tiên dành mọi nguồn lực tốt nhất cho nhiệm vụ giữ vững chủ quyền
biển đảo, mặc dù đất nước khó khăn đến mấy, vẫn khai thác, mở rộng, củng cố và
xây dựng hạ tầng các biển đảo của Việt Nam đang kiểm soát. Cùng với đó, Đảng
phát triển chiến lược “chiến tranh nhân dân” trên biển, tạo điều kiện thuận lợi
để ngư dân an tâm bám biển, phát triển kinh tế biển; làm giàu từ biển.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp
tục có những diễn biến phức tạp, Đảng, Nhà nước ta chủ trương thực hiện triết
lý “ngoại giao cây tre” mà thực chất là mềm mại, khôn khéo nhưng rất kiên
cường, quyết liệt. Mục tiêu lớn nhất là tránh được xung đột, không để xảy ra
chiến tranh; giữ gìn, bảo vệ được lợi ích quốc gia - dân tộc, chúng ta phải
biết nhu - cương; biết thời - thế và biết thực lực; biết mình - biết người;
biết tiến - biết lui đúng lúc, hợp thời là rất cần thiết. Đó cũng là triết lý
nhân sinh “lấy bất biến ứng vạn biến”, “lạt mềm, buộc chặt” mà ông cha ta đã
đúc rút từ bài học đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Thử hỏi bọn chúng đã làm được gì cho đất nước hay
chỉ toàn “đâm bị thóc, chọc bị gạo” với mưu đồ đen tối và âm mưu kích động, phá
hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ mối quan hệ Việt Nam với các
nước trên thế giới. Hơn lúc nào hết, mỗi người con đất Việt cần tỉnh táo trong
tiếp nhận thông tin, nêu cao tinh thần cảnh giác, nhận diện rõ và lật tẩy các
luận điệu xuyên tạc, kích động chống phá của các thế lực thù địch, phản động,
các phần tử chống đối trong và ngoài nước góp phần làm cho cộng đồng quốc tế
hiểu rõ, đúng về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên khu vực Biển Đông và
quan điểm thống nhất, xuyên suốt của Việt Nam là bảo vệ vững chắc chủ quyền
quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích hợp pháp trên Biển Đông, đồng thời
giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước, củng
cố quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc, các nước ASEAN và các nước khác:
“Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền và các lợi ích hợp pháp, chính
đáng của quốc gia trên biển, đồng thời chủ động, tích cực giải quyết, xử lý các
tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật
pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; giữ gìn môi
trường hòa bình, ổn định và hợp tác để phát triển”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét