Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2024

PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CỦA KIM VĂN CHÍNH

     Vừa qua, trên trang “Baotiengdan”, Kim Văn Chính đăng bài viết: “Kiềng ba chân: Lý thuyết và thực tế ở Việt Nam”, cho rằng, mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam với ba cơ quan: lập pháp, hành pháp, tư pháp, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đang rối như canh hẹ, vừa chồng chéo chức năng, vừa làm sai quyền lực, dẫn đến rối loạn Nhà nước; kêu gọi xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Nhà nước và xã hội; thực hiện mô hình Nhà nước tam quyền phân lập. Thực tế, Kim Văn Chính đang cố tình và ra sức xuyên tạc mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, cổ suý cho mô hình Nhà nước tư sản.

    Một là, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Trong đó, Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Hiến pháp năm 2013, ghi rõ: Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội, là đảng cầm quyền, có nghĩa là đảng lãnh đạo chính quyền thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng thông qua Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Xét về bản chất, mối quan hệ giữa giữa Đảng cầm quyền và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là mối quan hệ giữa hai chủ thể trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, vừa mang tính độc lập, vừa mang tính phụ thuộc. Điều đó được thể hiện: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chịu sự lãnh đạo và kiểm soát của Đảng cầm quyền; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chế ước tổ chức và hoạt động của Đảng cầm quyền bằng pháp luật. Do đó, mô hình tổ chức nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam không phải và không thể là mô hình Nhà nước “tam quyền phân lập”.

    Hai là, Học thuyết “tam quyền phân lập” được áp dụng trong tổ chức bộ máy của nhà nước tư sản mặc dù có mang lại một số mặt tích cực, cần được nghiên cứu, tham khảo, nhưng, không nên vì thế mà cường điệu hóa, lý tưởng hóa và xem nó như là chìa khóa vạn năng của “dân chủ - pháp quyền”, của kiểm soát quyền lực nhà nước và ngăn ngừa tham nhũng với những lý do sau đây:

    Thứ nhất, về phương diện lý luận, “tam quyền phân lập” là một học thuyết phức tạp, đa chiều, là sản phẩm của nền dân chủ phương Tây, gắn liền với cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản chống lại sự độc đoán, chuyên quyền của kiểu tổ chức quyền lực nhà nước phong kiến, với quan niệm quyền lực nhà nước không được tập trung vào một người hay một cơ quan mà được cấu thành từ ba quyền cơ bản lập pháp, hành pháp và tư pháp. Ba quyền được giao cho các cơ quan khác nhau, có nhiệm vụ, quyền hạn độc lập tương đối với nhau. Giữa ba quyền này có sự kiểm soát, đối trọng lẫn nhau. Với quan niệm đó, học thuyết phân quyền là sự phủ định biện chứng đối với các nhà nước chuyên chế tập quyền.

    Thứ hai, về phương diện thực tiễn, do những hạn chế của học thuyết “tam quyền phân lập” mà mức độ, tính chất và đặc điểm của sự thể hiện và áp dụng nó trong thực tế có sự khác nhau ở mỗi kiểu nhà nước, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như trình độ dân chủ, truyền thống dân tộc, cũng như tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của mỗi nước. Sự áp dụng học thuyết này trong nhà nước theo chính thể cộng hòa tổng thống khác với chính thể cộng hòa đại nghị hoặc chính thể cộng hòa hỗn hợp; trong hình thức cấu trúc nhà nước liên bang khác với hình thức cấu trúc nhà nước đơn nhất.

    Thứ ba, về bản chất và nguồn gốc của quyền lực nhà nước, quyền lực nhà nước là thống nhất; mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ thể tối cao và duy nhất của quyền lực nhà nước. Do đó, quyền lực nhà nước là không thể phân chia; các cơ quan nhà nước khi thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là thực hiện các quyền của nhân dân giao phó, ủy quyền. Như vậy, tư tưởng tam quyền phân lập đối lập với bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, đó là tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Vì thế, Việt Nam chỉ tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của các mô hình Nhà nước tiến bộ trên thế giới và vận dụng phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam, trong đó có mô hình Nhà nước tam quyền phân lập, chứ không sao chép nguyên bản bất cứ mô hình Nhà nước nào.

    Như vậy, Kim Văn Chính kêu gọi xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Nhà nước; thực hiện mô hình Nhà nước tam quyền phân lập, là đi ngược lại chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân ta. Chúng ta, cần kiên quyết đấu tranh, vạch rõ bộ mặt xảo trá của chúng để nhân dân hiểu rõ và cảnh giác./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét