Thứ Ba, 4 tháng 6, 2024

Thực tế lịch sử chứng minh “lòng dân” là cội nguồn sức mạnh của đất nước nói chung và sức mạnh quốc phòng nói riêng.

 Đối với mỗi chế độ xã hội, “lòng dân” là khái niệm chỉ trạng thái tinh thần, niềm tin, sự đồng lòng của người dân với chế độ xã hội và giai cấp nắm quyền lãnh đạo xã hội. Đây là yếu tố rất quan trọng có tính quyết định đến sức mạnh, sự hưng thịnh hay suy vong của mỗi triều đại, quốc gia, dân tộc. Sức mạnh “lòng dân” chính là sức mạnh của dân tộc. Lòng dân yên ổn thì đất nước vững vàng, phát triển.

“Thế trận lòng dân” được hiểu là tinh thần yêu nước, tình đoàn kết gắn bó, khát vọng độc lập tự do, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của cả dân tộc được hội tụ, kết tinh, nhân lên tạo thành nền tảng chính trị vững chắc, sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, sẵn sàng huy động nhằm thực hiện các mục tiêu của cách mạng. “Thế trận lòng dân” là loại hình thế trận đặc biệt, không thể hiện ra bằng hình hài cụ thể như thế trận quân sự, quốc phòng mà được thể hiện bằng sức mạnh nội sinh của quốc gia, dân tộc theo từng cấp độ khác nhau. “Lòng dân” và “thế trận lòng dân” là hai mặt của một vấn đề có mối quan hệ biện chứng. “Lòng dân” luôn tồn tại khách quan nhưng “lòng dân” có được quy tụ trở thành sức mạnh tổng hợp hay không còn tùy thuộc vào nỗ lực chủ quan của con người. Điều này đòi hỏi giai cấp nắm quyền lãnh đạo xã hội, trực tiếp là lực lượng chính trị đại diện phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp để định hướng, tập hợp, quy tụ “lòng dân” về một mối. Chỉ có như vậy “lòng dân” mới hội tụ trở thành sức mạnh tổng hợp của quốc gia, dân tộc. Thực chất đó chính là vai trò của lực lượng nắm quyền lãnh đạo xã hội trong việc chuyển hóa “lòng dân” thành “thế trận lòng dân”. Khi được xây dựng vững chắc “thế trận lòng dân” sẽ tác động trở lại làm cho “lòng dân” phát triển hài hòa, đúng định hướng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét