Thứ Ba, 4 tháng 6, 2024

 

VAI TRÒ HOẠT ĐỘNG KIỂM TRA, GIÁM SÁT, KIỂM SOÁT TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN NGUYÊN TẮC TẬP TRUNG DÂN CHỦ 

Quyền lực có khởi nguồn là từ Nhân dân, của cộng đồng. Khi quyền lực được trao cho người có nhân cách và tài năng thì sẽ được sử dụng đúng mục đích, bảo vệ và đem lại lợi ích cho cộng đồng. Ngược lại, khi trao cho người không đủ nhân cách, lại thiếu cơ chế và thiết chế kiểm soát, thì quyền lực đó dễ trở thành công cụ phục vụ cho lợi ích cá nhân; bị biến dạng, tha hóa, dẫn tới lạm quyền, đi ngược lại lợi ích của cộng đồng.

Nhận thức rõ tính hai mặt của quyền lực, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin đặc biệt quan tâm đến vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ nói chung đặc biệt trong quá trình thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, coi đó là nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo đảm giữ vững và nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, phòng, chống những nguy cơ độc đoán, chuyên quyền của Đảng cầm quyền và chế độ xã hội chủ nghĩa.

V.I.Lênin nêu rõ: “Những nhiệm vụ đã trở thành tự nhiên đối với những người xã hội chủ nghĩa sau khi đã giành được chính quyền”[1]. Theo đó, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng là quan trọng, cần thiết. Đây là công việc rất khó khăn, song nhất thiết phải thực hiện tốt. Việc xa rời nguyên tắc cơ bản này thường được ngụy biện dưới nhiều hình thức, “lý lẽ” tinh vi. Vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, phải được định danh, định tính, định lượng cụ thể.

Người kiểm tra, giám sát phải có chuyên môn sâu sắc, nắm vững bản chất nguyên tắc tập trung dân chủ, mẫu mực về phẩm chất, trình độ chuyên môn, trong sáng, chí công vô tư và có bản lĩnh chính trị vững vàng.

Cần hướng vào kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi dấu hiệu vi phạm nguyên tắc mới manh nha, để giáo dục, ngăn chặn, không để vụ việc bung ra mới kiểm tra, nhất là những nơi có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ. Muốn vậy, cần coi trọng việc xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh và kịp thời với những tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cố tình không chấp hành chỉ thị, nghị quyết, tham nhũng, vi phạm, xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ, gây chia rẽ, bè phái, làm suy yếu khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Mục đích kiểm tra không chỉ để phát hiện những vi phạm và sai lầm, mà quan trọng hơn là phòng ngừa, uốn nắn những lệch lạc, chấn chỉnh những biểu hiện sai trái, giúp thực hiện và phát huy tốt hơn tác dụng của nguyên tắc tập trung dân chủ./.

 [1] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 36, Nxb CTQG-ST, H.2006, tr.298..

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét