Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2024

NHỮNG "HẠT GIỐNG ĐỎ" CỦA NAM BỘ THÀNH ĐỒNG TRÊN ĐẤT BẮC

Ngay trong những ngày tháng đầu tiên đất nước bị tạm chia cắt, lấy Vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị) làm giới tuyến, một mô hình giáo dục đặc biệt để nuôi dưỡng những thiếu niên, nhi đồng của miền Nam ruột thịt, ươm mầm cho lực lượng cán bộ của cách mạng sau này đã được Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ quyết định xây dựng.

70 năm đã trôi qua, mô hình giáo dục đặc biệt này vẫn còn để lại những bài học vô giá với ngành giáo dục, và cả chiến lược trồng người của đất nước ta.

Nhiệm vụ thiêng liêng, nặng nghĩa tình

Qua những tư liệu về mô hình giáo dục đặc biệt đưa học sinh miền Nam ra Bắc để học tập cách đây 70 năm về trước, đại diện Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương cho biết: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Miền Nam trong trái tim tôi”. Câu nói của Bác đã thể hiện rõ tình cảm sâu sắc của Người đối với đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đất nước ta tạm thời bị chia cắt, Người luôn hướng về miền Nam và dành sự quan tâm đặc biệt đối với CBCS và nhân dân miền Nam.

Tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (mở rộng), từ ngày 15 đến 17/7/1954, bàn về cách mạng Việt Nam, với tầm nhìn chiến lược, phân tích tình hình khoa học và sáng tạo, Trung ương Đảng và Bác Hồ nhận định rằng, cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước còn lâu dài, khó khăn và gian khổ. Để chuẩn bị lực lượng cho sự nghiệp cách mạng sau này, một mặt, phải tổ chức, bố trí lại lực lượng cán bộ cách mạng ở miền Nam; mặt khác, phải khẩn trương đưa một số con em CBCS và đồng bào miền Nam ra Bắc học tập để đào tạo đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp giải phóng miền Nam và xây dựng đất nước sau ngày thống nhất.

Thực hiện chỉ đạo của Bác Hồ và Trung ương Đảng, những con tàu vận tải của Liên Xô (trước đây), Ba Lan, Na Uy, xuất phát từ các bến cảng: Ông Đốc (Cà Mau), Cao Lãnh (Đồng Tháp), Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu), Thị Nại (Bình Định) đưa những “hạt giống đỏ” miền Nam, phần lớn là học sinh trong độ tuổi từ 7 đến 15, rời tổ ấm gia đình ra miền Bắc học tập.

Ngày 15/10/1954, con tàu đầu tiên đưa đồng bào, chiến sĩ, học sinh miền Nam cập bến cảng Lạch Hới, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, trong tiếng hò reo vang dội, cờ hoa, khẩu hiệu rợp trời. Trước đó, quân và dân địa phương đã đóng góp hàng chục nghìn cây luồng, vận chuyển đất, đá làm đường ra bến cảng. Các chú bộ đội, thầy, cô giáo cõng, bế từng em nhỏ lên bờ. Có tàu lớn không cập cảng được, phải đậu ngoài xa, bà con Sầm Sơn đã đưa tàu, thuyền nhỏ ra đón đồng bào và các em nhỏ học sinh.

“Ngày ấy, nhân dân miền Bắc mới được giải phóng, vừa tiến hành cải cách ruộng đất, vừa khôi phục kinh tế, đời sống muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Nông dân Quảng Xương, Thanh Hóa nơi tôi đặt chân đến còn đang đói khổ. Khoai lang vừa bói củ bằng ngón tay đã phải dỡ lên ăn. Người già ốm đau, trẻ con được bát cháo hoa là điều hiếm lắm. Vậy mà chúng tôi có tất cả để ăn học nên người”, nhà báo Đức Lượng, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, cựu học sinh miền Nam xúc động kể.

Ngày 18/1/1955, Ban Bí thư Trung ương Đảng họp bàn về công tác giáo dục và đưa ra chủ trương thành lập các trường nội trú dành riêng cho con em cán bộ, bộ đội miền Nam, gọi chung là Trường Học sinh miền Nam. Với tiêu chí như thuận tiện giao thông, các Trường Học sinh miền Nam lần lượt được thành lập ở các địa phương như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng, Hà Đông, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Hà, Vĩnh Phú, Quảng Ninh…, dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Giáo dục, sự phối hợp của nhiều bộ, ngành Trung ương, các địa phương và sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ.

Hệ thống Trường Học sinh miền Nam bao gồm ba cấp học: I, II, III, trong đó, có các trường dành riêng cho con em các dân tộc thiểu số. Ngành giáo dục đã tuyển chọn 5.000 thầy, cô giáo tâm huyết, giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm để thực hiện việc nuôi, dạy, đào tạo học sinh miền Nam. “Nhiệm vụ “trồng người” cho miền Nam ruột thịt là một nhiệm vụ thiêng liêng, vô cùng quan trọng, đòi hỏi chúng tôi phải nắm vững mục đích giáo dục, mục tiêu đào tạo, cũng như nguyên lý, phương châm giáo dục của Đảng. Các thầy, cô chủ nhiệm hằng ngày gặp gỡ, tìm hiểu dạy bảo, thuyết phục các em”, nhà giáo Phạm Văn Mạo, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Học sinh miền Nam số 6 (Hải Dương) chia sẻ.

Theo lời kể của Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm, ngày ấy, các cô bảo mẫu còn rất trẻ, có cô chưa có người yêu đã phải làm công việc của người mẹ chăm sóc đàn con thơ. Dịp Tết, có thầy giáo chủ nhiệm chưa từng biết cây mai vàng ở miền Nam, chỉ nghe tả lại mà thức trắng đêm cắt giấy mầu, làm thành cành hoa mai, để các em đỡ nhớ nhà. Với đồng lương ít ỏi, các thầy, cô đã dành dụm cả năm trời, tằn tiện chi tiêu để sáng mồng 1 Tết có tiền lì xì, mừng tuổi học sinh.

Và chiến lược “trồng người” cho tương lai

Sinh thời, Bác Hồ đã từng nhiều lần đến thăm các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc và gửi một bức thư đặc biệt đến học sinh và cán bộ các trường miền Nam. Bức thư được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào ngày Tết thiếu nhi, ngày mùng 1 tháng 6 năm 1955. Vào thời điểm đó, các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc được hình thành hơn nửa năm. Khi căn dặn các cháu học sinh miền Nam, lời đầu tiên Bác nói, đó là tinh thần phải đoàn kết, yêu lao động, giữ kỷ luật và nên tập tự lập cánh sinh, nên thi đua. Những lời dặn của Bác vẫn được học sinh miền Nam ngày ấy luôn nhớ mãi.

Trong thư, Bác cũng đã có vài lời gửi cán bộ các trường miền Nam, những thầy giáo, cô giáo – là người sát cánh trong quá trình học tập, rèn luyện học sinh miền Nam tại trường. Vì vậy, Bác đặc biệt nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm trong công việc chăm nom, bồi dưỡng cũng như tấm lòng yêu thương học sinh miền Nam của mỗi cán bộ thời điểm đó. Không phụ tấm lòng của Bác, các thầy cô giáo đã hoàn thành sứ mệnh của mình.

Sinh thời, Bác đã trực tiếp đến thăm trại Nhi đồng miền Nam, các trường học sinh miền Nam tại Hà Nội, Hải Phòng và một số trường học sinh miền Nam tại nước ngoài. Vào các dịp lễ, ngày Tết, Bác cũng thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt thân mật, dành tặng những phần quà động viên những học sinh miền Nam. Ký ức về những lần vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được học sinh miền Nam trân quý và những lời căn dặn của Bác cũng đã trở thành động lực để mỗi người phấn đấu học tập.

Trong 21 năm, từ năm 1954 đến năm 1975, hệ thống Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc đã nuôi dưỡng, đào tạo hơn 32 nghìn học sinh, trong đó có hơn 15 nghìn người được đào tạo qua bậc đại học và sau đại học ở các trường trong và ngoài nước, số còn lại đều tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp.

Từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam chuyển sang giai đoạn mới, quyết liệt hơn, hàng chục nghìn CBCS giáo viên, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đã tình nguyện trở về phục vụ sự nghiệp giải phóng quê hương, nhiều học sinh mới học xong cấp III, không chờ đợi lấy bằng tốt nghiệp, với tình yêu quê hương cháy bỏng đã sẵn sàng tiến vào cuộc chiến sinh tử. Theo thống kê, trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước có 107 cựu học sinh miền Nam đã anh dũng hy sinh. Tiêu biểu là các Anh hùng Lực lượng vũ trang: Nguyễn Văn Bảy, Lê Khương, Võ Văn Mẫn; nhà thơ Lê Anh Xuân; nhà văn Chu Cẩm Phong; nhà báo Lê Đình Phụng; Trung đoàn phó đặc công Hoàng Đông Hải…

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, các thế hệ học sinh miền Nam đã trở về quê hương, tham gia nhiều lĩnh vực công tác, gánh vác nhiều trọng trách. Trong đó, nhiều cựu học sinh miền Nam không ngừng phấn đấu, trưởng thành, giữ cương vị chủ chốt trong Đảng, Nhà nước, điển hình như: Cố Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, cố Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được; Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an; nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Mai Liêm Trực,…

Rất nhiều “hạt giống đỏ” miền Nam được ươm mầm trên đất Bắc đã khẳng định tài năng, cống hiến của mình trên mặt trận phát triển kinh tế, làm giàu cho đất nước như: Anh hùng Lao động Trần Ngọc Quế, một nhà quản lý kinh tế xuất sắc; Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm, người đi tiên phong trong lĩnh vực mới, kinh tế tư nhân; Anh hùng Lao động Nguyễn Xuân Hoàng, Anh hùng Lao động Huỳnh Văn Thòn,… Nhiều cựu học sinh miền Nam trở thành những nhà khoa học đầu ngành trong các lĩnh vực như: GS, TSKH Nguyễn Khoa Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Khoa học vũ trụ Việt Nam; NGND, GS, TS Nguyễn Thanh Tuyền; NGND, GS, TSKH Lê Du Phong… Trong sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật nước nhà, nhiều học sinh miền Nam đã trở thành những nghệ sĩ tên tuổi, như: NSND Tường Vi, NSND Trà Giang, NSND Lâm Tới, NSND Đinh Xuân La, NSND Đàm Liên, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền...

Cuộc dịch chuyển những mầm non đất nước quy mô lớn nhất lịch sử 70 năm trước đã tạo nguồn cán bộ, nhân tài cho đất nước, được đánh giá thành công trên cả ba phương diện: đào tạo con người, mô hình giáo dục và chiến lược đào tạo lâu dài. Thời gian đã lùi xa, nhưng đến nay, trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là một trong những mô hình giáo dục thành công nhất của nền giáo dục đào tạo cách mạng, đào tạo lớp người “vừa hồng, vừa chuyên” gắn bó với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét