Bệnh nhân ngộ độc rượu điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC. 

Nhiều vụ ngộ độc rượu xảy ra trong năm 2024 khiến nhiều người nhập viện, thậm chí tử vong. Có thể đơn cử như vào tháng 7 vừa qua, khi 5 người có biểu hiện ngộ độc cồn methanol, trong đó một trường hợp tử vong ngoại viện sau khi uống rượu tại đám cưới ở huyện Thường Tín, Hà Nội. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau đầu, nhìn mờ, nhiễm toan chuyển hóa rất nặng, nồng độ methanol trong máu rất cao. Kết quả xét nghiệm mẫu rượu cho thấy nồng độ cồn công nghiệp methanol là 34%.

Gần đây là 4 người ở Vũng Tàu phải cấp cứu, nghi do ngộ độc rượu. Nhóm người đến một quán ăn trên địa bàn để ăn bánh canh cá lóc và mang theo rượu, sau đó uống hết 4 chai (loại 500 ml/chai) rượu không màu. Sau khi lấy mẫu rượu còn lại để kiểm tra, cơ quan chức năng đã công bố kết quả loại rượu này dương tính với methanol.

Những vụ ngộ độc rượu có chứa methanol trên không phải mới xuất hiện mà đã có nhiều vụ việc tương tự xảy ra tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước trong những năm qua. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu như trước đây các vụ ngộ độc rượu methanol xảy ra tần suất nhiều ở các tỉnh thành phía Bắc, thì thời gian gần đây, có hàng loạt vụ ngộ độc được ghi nhận tại các tỉnh, thành phía Nam.

Đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân xảy ra các vụ ngộ độc rượu, có thể là do sử dụng phải rượu không có nguồn gốc hoặc do một số cơ sở mua cồn công nghiệp pha chế thành rượu. Xét nghiệm của các cơ quan chức năng cho thấy, hàm lượng độc tố Methanol có trong các mẫu rượu này.

Rượu có thành phần chính là ethanol, với công thức hóa học C2H5OH, trong khi rượu methanol có công thức hóa học CH3OH. Hai loại rượu này đều được lên men và chưng cất. Tuy nhiên, rượu ethanol lên men từ tinh bột hoặc đường thì rượu methanol lại lên men từ nguyên liệu có chứa cellulose (gỗ). Methanol có trong rượu là một chất cực độc. Methanol thường được sử dụng trong đời sống để làm dung môi trong chất tẩy rửa sơn, nước rửa kính, mực in máy photo,…

Dùng methanol để pha chế rượu hay chế biến rượu từ cồn ethylic kém chất lượng có nguy cơ gây ngộ độc rượu methanol.  

Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá nhiều rượu ethanol trong thời gian ngắn hoặc do uống quá nhiều rượu có độc chất methanol, dẫn đến lượng cồn trong máu quá nhiều. Lúc này gan không kịp đào thải ra ngoài và sẽ gây tổn thương tế bào gan, các bộ phận ở não ngừng hoạt động, kèm các biến chứng nguy hiểm như nghẹt thở, động kinh, hạ thân nhiệt, nhịp tim không đều, thậm chí tử vong.

Đặc biệt, theo các chuyên gia, các trường hợp ngộ độc methanol sẽ để lại di chứng rất nặng nề. Trường hợp ngộ độc methanol nhẹ có biểu hiện cảm giác say say, chóng mặt; buồn nôn, nôn ói; nhức đầu. Trường hợp nặng sẽ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, nôn ra máu, rối loạn thần kinh (co giật, hôn mê, co cứng toàn thân); rối loạn hô hấp (thở nhanh, phù phổi cấp); rối loạn tuần hoàn (mạch nhanh, huyết áp giảm); đồng tử giãn, xuất tiết võng mạc và tử vong.

Trên thực tế, người tiêu dùng khó có thể phân biệt được giữa rượu chứa methanol và rượu bình thường bằng vị giác và khứu giác. Cách phân biệt được chỉ qua xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Với giá thành rẻ, methanol được trộn pha thành rượu để thu lợi bất chính.

Rượu thuộc nhóm hàng hóa nhà nước hạn chế kinh doanh. Do đó, để làm tốt công tác phòng, chống ngộ độc rượu, các chuyên gia cho rằng, công tác truyền thông cần được đẩy mạnh hơn nữa để người dân hiểu sâu sắc về những tác hại của việc lạm dụng rượu cũng như việc sử dụng rượu không đảm bảo an toàn.  Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu phải có giấy phép và tuân thủ các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu. Không sản xuất, kinh doanh rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm như: rượu pha chế từ cồn công nghiệp chứa methanol, rượu pha chế từ nguyên liệu không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và nhãn mác.

Đối với người tiêu dùng, cần thận trọng trong việc sử dụng rượu, tuyệt đối không sử dụng các loại rượu không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol >0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong;  không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.  Khi có bất cứ triệu chứng bất thường nào xảy ra khi sử dụng rượu, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở ý tế gần nhất để xử lý kịp thời.

Bên cạnh các biện pháp tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp thì việc áp dụng các chế tài đủ mạnh để xử lý đối với các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực này cũng cần được các cơ quan chức năng tăng cường. Hiện tại chúng ta cũng đã có những quy phạm pháp luật rất cụ thể và rõ ràng như những quy định trong đó có Bộ luật Hình sự, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia… Trường hợp vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Những ngày cuối năm- thời điểm mà sẽ có rất nhiều bữa tiệc được tổ chức. Mong sao những niềm vui ấy sẽ trọn vẹn khi mọi người đều nâng cao ý thức trong việc sử dụng đồ uống nhất là rượu, để sẽ không xảy ra thêm một vụ việc đáng tiếc nào nữa, không ai phải trả giá đắt bằng chính mạng sống của mình chỉ vì sự chủ quan khi sử dụng rượu hay bởi lòng tham của những người vô trách nhiệm với sức khỏe của cộng đồng./.