Thứ Tư, 17 tháng 8, 2022

Thực hiện quan điểm Hồ Chí Minh về bảo đảm an ninh nông thôn

 Bài viết trình bày những quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về an ninh nông thôn và mục tiêu, giải pháp bảo đảm an ninh nông thôn; từ đó, rút ra định hướng vận dụng vào thực tiễn công tác bảo đảm an ninh nông thôn của các lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia, nòng cốt là lực lượng Công an nhân dân.

Thực hiện quan điểm Hồ Chí Minh về bảo đảm an ninh nông thôn

Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên 

1. Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo mọi mặt đời sống cho nhân dân, đặc biệt là giai cấp nông dân, chủ trương và chỉ đạo thực hiện các biện pháp đồng bộ để bảo đảm cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, cũng có nghĩa là một cuộc sống an ninh, an toàn, thịnh vượng của nhân dân ở các vùng nông thôn. Quan điểm của Người về bảo đảm an ninh nông thôn tuy chưa được nghiên cứu, tìm hiểu một cách chuyên biệt, rộng rãi, song có thể khái quát thành những luận điểm cơ bản, có ý nghĩa định hướng đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia nói chung, với công tác bảo đảm an ninh nông thôn nói riêng.

Quan điểm của Hồ Chí Minh về “an ninh nông thôn” thường được biểu đạt bằng các cụm từ “nông thôn mới”, “nông thôn kiểu mẫu”, “trật tự trị an ở nông thôn”, “bảo vệ sản xuất”, “bảo vệ nông thôn”...

Theo Người, an ninh nông thôn có nghĩa chung nhất là sự phát triển ổn định và bền vững về mọi mặt đời sống của người nông dân, ở các vùng nông thôn của đất nước. Về kinh tế, đó là việc người nông dân có cuộc sống đủ ăn, đủ mặc, được đáp ứng nhu cầu cơ bản về nhà ở, ruộng đất canh tác. Đau lòng trước “Tình cảnh nông dân An Nam”, năm 1924, Người vạch trần tội ác của chế độ thực dân: “Người An Nam nói chung, phải è cổ ra mà chịu những công ơn bảo hộ của nước Pháp. Người nông dân An Nam nói riêng, lại càng phải è cổ ra mà chịu sự bảo hộ ấy một cách thảm hại hơn: Là người An Nam, họ bị áp bức; là người nông dân, họ bị người ta ăn cắp, cướp bóc, tước đoạt, làm phá sản”(1). Đồng thời, Nguyễn Ái Quốc phân tích các thủ đoạn cướp đoạt ruộng đất tinh vi của các quan cai trị người Pháp, bọn phong kiến và nhà thờ. Trong bài viết Tình cảnh nông dân Trung Quốc, Người cho thấy đó là đặc điểm chung của chủ nghĩa thực dân ở các nước thuộc địa, cũng là số phận chung của người nông dân cùng khổ. Theo đó, muốn đem lại cuộc sống tốt đẹp, no ấm hơn cho người nông dân, “phải tiến hành mạnh mẽ một cuộc vận động khẩn trương để giáo dục quần chúng, làm cho quần chúng thấy thật rõ sức mạnh của mình, quyền lợi của mình, và có đủ khả năng thực hiện được khẩu hiệu “Tất cả ruộng đất về tay nông dân!”(2). Quan điểm này đã trở thành mục tiêu chiến lược của cách mạng Việt Nam, được Đảng ta khẳng định trong Chính cương, Sách lược vắn tắt của Đảng: “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(3).

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Người khẳng định phải tiếp tục phát huy thành quả cách mạng bằng việc chăm lo cái ăn, cái mặc cho người dân, bởi lẽ nếu nước được tự do, độc lập mà dân cứ đói, rét thì tự do, độc lập cũng không có ý nghĩa gì. Dân chỉ thực sự biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được “ăn no, mặc đủ”. Trong các bài “Thêm vài ý kiến về tết trồng cây” (năm 1960) và “Năm mới hãy nhiệt liệt tổ chức tết trồng cây” (năm 1965), với bút danh Trần Lực, Người chủ trương xây dựng “nông thôn mới” với việc giải quyết một trong những nhu cầu cơ bản, thiết yếu cho người nông dân là nhà ở, thông qua phong trào “tết trồng cây”.

Nông thôn an ninh, an toàn theo Hồ Chí Minh còn có nghĩa là nhu cầu văn hóa tinh thần của người nông dân cơ bản được đáp ứng, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, người dân biết vận dụng kiến thức khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Người từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, muốn cho dân mạnh, nước giàu, mỗi người dân phải biết rõ trách nhiệm, bổn phận, quyền lợi của mình đối với nước nhà, và trước hết, phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Vì vậy, phong trào Bình dân học vụ đã được Người chỉ đạo phát triển rộng khắp, nhanh chóng ngay khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vừa ra đời, xóa được nạn mù chữ trong nhân dân, chủ yếu là nông dân - một hệ lụy trực tiếp của xã hội thực dân - phong kiến. Cùng với đó, phong trào xây dựng “Đời sống mới” mang nội dung cải cách toàn diện đời sống, sinh hoạt văn hóa, phong cách, lề thói làm việc được phát động và tiến hành.

Trong sản xuất, Người kêu gọi nông dân đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật ở các khâu thủy lợi, phân bón, giống và nông cụ. Người đặt vấn đề: “các cô, các chú có muốn tiến bộ không? Muốn tiến bộ phải làm gì? Phải học. Ngày nay không phải học để có bằng cấp, để thoát ly sản xuất. Phải học chính trị, học văn hóa, học kỹ thuật để nâng cao hiểu biết. Bởi vì công, nông nghiệp của ta ngày càng tiến bộ thì người công nhân, người nông dân, người lao động trí óc phải ngày càng tiến bộ mới làm được tốt”(4).

Về chính trị, an ninh nông thôn được hiểu là quyền làm chủ của người nông dân trong các vấn đề liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của họ. Nông dân phải được tham gia bàn bạc, thảo luận để đi đến thống nhất về việc ban hành các chủ trương, chính sách của Đảng, của Chính phủ; trực tiếp góp ý xây dựng chính quyền ở địa phương, cơ sở và thực hiện quyền dân chủ trong xây dựng Nhà nước; trực tiếp tham gia bầu cử, ứng cử. Trong bài “Phát động quần chúng” (năm 1953, bút danh C.B), Hồ Chí Minh khẳng định: Phải “đưa quyền lợi kinh tế và chính trị lại cho nông dân, làm cho nông dân được giảm tô, giảm tức, có ruộng cày, được thật thà nắm chính quyền”(5). Bần nông và cố nông là vô sản trong nông thôn, là quần chúng chủ lực của cách mạng, là đồng minh chắc chắn nhất của giai cấp công nhân, vì vậy, phải thực hiện đường lối quần chúng, tổ chức chặt chẽ và rộng khắp lực lượng to lớn của quần chúng nông dân, nâng cao địa vị của họ ở nông thôn...

Về quốc phòng - an ninh, cách diễn đạt của Hồ Chí Minh về nông thôn an ninh, an toàn, đồng thời thể hiện quan điểm của Người về an ninh nông thôn theo nghĩa hẹp, tức là an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở nông thôn, cho cuộc sống của người nông dân. Đó là nơi mà mọi người dân tích cực tham gia vào việc chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, chủ động phòng chống gián điệp, biệt kích xâm nhập, ngăn ngừa các hành vi trộm cắp, bạo loạn, phá hoại sản xuất và đời sống của nhân dân. Quan điểm này phản ánh quy luật tất yếu đã được ông cha ta đúc kết từ ngàn đời: Dựng nước phải đi đôi với giữ nước. Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở: “Để giữ lấy quyền lợi của mình, nông dân phải tổ chức thi đua tăng gia sản xuất. Phải tổ chức dân quân du kích hẳn hoi, để đề phòng giặc Pháp và Việt gian phá hoại. Phải hăng hái tham gia công việc kháng chiến, để giữ nhà, giữ làng, giữ nước”(6); “phải củng cố chính quyền nhân dân, củng cố các tổ chức của nhân dân, trong đó phải đặc biệt chú ý tổ chức công an và dân quân du kích, vì công an, dân quân du kích có nhiệm vụ giữ gìn trật tự an ninh ở địa phương. Có giữ gìn trật tự trị an, nhân dân mới an cư lạc nghiệp, tăng gia sản xuất”(7).

Trong bảo đảm an ninh trật tự, việc giải quyết mối quan hệ giữa lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp, giữa độc lập dân tộc và đấu tranh giai cấp là một vấn đề phức tạp, khó khăn mà không phải Đảng Cộng sản nào, lãnh tụ và phong trào cách mạng nào cũng có thể xử lý thành công. Với Hồ Chí Minh, Người đã khéo léo gắn kết giữa lợi ích giai cấp với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, lấy điểm tương đồng là lợi ích chung của đất nước làm điểm quy tụ các lực lượng, giai tầng, người thuộc tôn giáo, đảng phái khác nhau trong suốt quá trình kháng chiến. Khi giám mục Lê Hữu Từ của Giáo xứ Bùi Chu - Phát Diệm được thụ phong (tháng 8-1945), Người đã gửi thư chúc mừng và mời ông làm cố vấn cao cấp của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Người rất tinh tế gắn kết giáo lý đạo Kitô, tấm gương cuộc đời của đức Giêsu với lý tưởng và đạo đức của người cộng sản. Người nói với Giám mục Lê Hữu Từ: Nếu đức Chúa Giêsu sinh ra vào thời đại của chúng ta và đặt mình trước những nỗi đau khổ của nhân loại, chắc chắn Người sẽ là một người XHCN đi tìm con đường cứu khổ cho chúng sinh... Khi giáo dân theo lời kêu gọi của Giám mục tụ tập đông người kéo đến trụ sở chính quyền, có nguy cơ bùng phát thành bạo loạn; dù đường xa, đêm muộn, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn gấp rút đi ngay. 

Trước đồng bào, Người nắm tay Giám mục và nhận ông là người bạn thân của mình. Người gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và thuyết phục được bà con giải tán... Tư duy, phong cách ứng xử của Hồ Chí Minh trong những trường hợp như vậy rất cần được suy ngẫm, học hỏi, vận dụng khi giải quyết các “điểm nóng” về chính trị - xã hội ở nông thôn hiện nay.

 Hồ Chí Minh khẳng định, mục tiêu bảo đảm an ninh nông thôn chính là đem lại cuộc sống ngày càng được nâng cao và bền vững về mọi mặt: kinh tế, văn hóa, chính trị, quốc phòng - an ninh cho người nông dân, ở các vùng nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới, con người mới và xã hội mới - xã hội XHCN

2. Từ quan điểm cơ bản về an ninh nông thôn, Hồ Chí Minh đã chỉ ra hệ thống mục tiêu, phương hướng và giải pháp để bảo đảm an ninh nông thôn, với những luận điểm cụ thể như sau:

Về mục tiêu của bảo đảm an ninh nông thôn: Nhất quán với mục tiêu của cả cuộc đời Người, đó là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(8), với mục tiêu của CNXH mà Người thường biểu đạt một cách mộc mạc, giản dị là “không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”; Hồ Chí Minh khẳng định, mục tiêu bảo đảm an ninh nông thôn chính là đem lại cuộc sống ngày càng được nâng cao và bền vững về mọi mặt: kinh tế, văn hóa, chính trị, quốc phòng - an ninh cho người nông dân, ở các vùng nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới, con người mới và xã hội mới - xã hội XHCN.

Định hướng, giải pháp nhằm đạt được mục tiêu:

Thứ nhất, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng thông qua hệ thống chính trị. Trong bài Phát động quần chúng (năm 1953), Hồ Chí Minh thể hiện quan điểm: Việc huy động sức mạnh của nông dân phải do Đảng và Chính phủ thực hiện, “phải theo thật đúng chính sách của Đảng, của Mặt trận và Chính phủ”. Công tác giữ gìn trật tự trị an lại càng phải quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo của Đảng: “Trong thời kỳ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, các đồng chí bộ đội, công an võ trang và dân quân đã giữ gìn tốt trật tự trị an. Đồng bào được an cư lạc nghiệp. Như vậy là tốt. Nhưng chớ chủ quan khinh địch... Cần đoàn kết nhân dân, luôn luôn dựa vào lực lượng của nhân dân; phải có quyết tâm vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và Chính phủ giao cho”(9). Bên cạnh đó, “nhiệm vụ của chúng ta là phải ra sức củng cố chính quyền nhân dân và củng cố những tổ chức của nhân dân ở các địa phương. Bởi vì nếu chính quyền nhân dân và tổ chức nhân dân ở các địa phương lỏng lẻo thì những chính sách của Đảng và của Chính phủ đưa ra thi hành không đến nơi đến chốn”(10).

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội thuộc hệ thống chính trị như Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ... phải trở thành “cánh tay đắc lực của Đảng”. Cần chú trọng phát huy vai trò của Hội Nông dân. Theo Hồ Chí Minh, Hội Nông dân trong “Các hợp tác xã nông nghiệp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phải trở thành những đội quân vững mạnh của mười mấy triệu nông dân lao động trong công cuộc phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, giáo dục tư tưởng và xây dựng nông thôn phồn thịnh của nước ta”(11).

Thứ hai, khơi dậy, động viên tính tích cực, tự giác của mỗi người trong phong trào bảo vệ trật tự, trị an nói riêng, xây dựng nông thôn mới nói chung. Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, ngay từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh đã chủ trương dựa vào sức mạnh to lớn của nhân dân, trước hết là nông dân, lực lượng đông đảo nhất trong xã hội. Người khẳng định: “Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng đánh trúc bọn đại địa chủ và phong kiến”, “hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông”(12). Trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự, Người càng đặc biệt nhấn mạnh vai trò to lớn của nhân dân: “Nhiệm vụ của Công an là: Bảo vệ nhân dân, giữ gìn trật tự trị an, tẩy trừ những kẻ gian tế. Muốn làm tròn những nhiệm vụ nặng nề mà vẻ vang ấy, Công an cần phải đoàn kết nhân dân, tổ chức và giáo dục nhân dân, dựa vào lực lượng rộng lớn của nhân dân”(13).

Ở những nơi tập trung đông quần chúng tín đồ các tôn giáo, công tác vận động quần chúng càng phải được quan tâm, có hình thức, phương pháp vận động phù hợp, tránh thái độ thành kiến, kỳ thị: “Nói phát động quần chúng, phải nói đến đồng bào công giáo. Thường cán bộ có thành kiến rằng đồng bào công giáo là lạc hậu, là khó vận động. Nói vậy là sai”(14). Hồ Chí Minh cũng yêu cầu mỗi người dân cũng phải tự ý thức được trách nhiệm của mình là tham gia vào cuộc đấu tranh này dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự hướng dẫn, huy động của lực lượng công an: “Mọi người công dân, bất kỳ già trẻ gái trai, bất kỳ làm việc gì, đều có nhiệm vụ giúp chính quyền, giữ gìn trật tự an ninh vì trật tự an ninh trực tiếp quan hệ đến lợi ích của bản thân mỗi người”(15). Hồ Chí Minh đúc kết trong lời dạy khi đến thăm Trường Công an trung cấp khóa II, năm 1951: Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn...

Thứ ba, bảo đảm an ninh nông thôn theo cách hiểu chung nhất là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Bảo đảm an ninh nông thôn theo nghĩa hẹp lại đặc biệt đòi hỏi lực lượng chuyên trách là Công an nhân dân phải phát huy vai trò nòng cốt, xung kích của mình, thông qua nhiều biện pháp khác nhau, trong đó cần chú trọng tuyên truyền, vận động quần chúng, tạo thế trận an ninh nhân dân ở các vùng nông thôn. Hồ Chí Minh khẳng định: “Giữ gìn trật tự an ninh trước hết là công việc của công an, bộ đội, cảnh sát”(16); và chỉ dẫn: “Chống tình báo địch bằng cách nào? Cũng như muôn việc khác, việc chống tình báo địch, việc giữ bí mật, phải dựa vào sức quần chúng. Cán bộ và chiến sĩ không những phải làm gương mẫu trong việc giữ bí mật mà còn phải tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân giữ bí mật”(17). Người nêu ví dụ: Ở khu giải phóng Việt Bắc, bà con nông dân gái trai già trẻ ai cũng biết giữ bí mật, theo khẩu hiệu “ba không” nhờ được tuyên truyền, giải thích rõ... Hồ Chí Minh khẳng định: “Giữ gìn trật tự an ninh trước hết là công việc của công an, bộ đội, cảnh sát(16); và chỉ dẫn: “Chống tình báo địch bằng cách nào? Cũng như muôn việc khác, việc chống tình báo địch, việc giữ bí mật, phải dựa vào sức quần chúng. Cán bộ và chiến sĩ không những phải làm gương mẫu trong việc giữ bí mật mà còn phải tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân giữ bí mật”(17). Người nêu ví dụ: Ở khu giải phóng Việt Bắc, bà con nông dân gái trai già trẻ ai cũng biết giữ bí mật, theo khẩu hiệu “ba không” nhờ được tuyên truyền, giải thích rõ...

3. Vận dụng những luận điểm của Hồ Chí Minh về an ninh nông thôn, trong bảo đảm an ninh nông thôn hiện nay, các lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia mà nòng cốt là lực lượng Công an nhân dân cần chú ý thực hiện một số vấn đề sau đây:

Một là, nhận thức đúng đắn, toàn diện về an ninh nông thôn và vai trò, ý nghĩa của việc bảo đảm an ninh nông thôn theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Gắn kết chặt chẽ giữa an ninh, an toàn vùng nông thôn về chính trị với các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội. Coi việc bảo đảm an ninh nông thôn theo nghĩa rộng - nâng cao dân trí, đáp ứng đầy đủ nhu cầu văn hóa tinh thần lành mạnh, chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng cho bà con nông dân; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, gần dân, được nhân dân tin yêu, giúp đỡ; chăm lo đời sống vật chất, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và bền vững, xây dựng thành công nông thôn mới... là nền tảng, động lực để phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn hiệu quả với các nguy cơ gây bất ổn về chính trị, trật tự an toàn xã hội, tức là bảo đảm an ninh nông thôn theo nghĩa hẹp. Thực hiện an ninh nông thôn để đóng góp trực tiếp, quyết định vào thành công của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo quan điểm chỉ đạo của Đảng từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (năm 1996), đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 7 khóa X (năm 2008).

Hai là, các cấp ủy, chính quyền địa phương ở các vùng nông thôn ban hành, bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển phù hợp với đặc điểm thực tiễn địa bàn, địa phương, nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân, với mục tiêu cao nhất, nói như Hồ Chí Minh, là “không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân” về mọi phương diện; đặc biệt là các chính sách về đất đai, nhà ở, điều kiện sản xuất và các vấn đề an sinh xã hội khác (chính sách với người có công với cách mạng, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ thiên tai...). Bên cạnh đó, trong giai đoạn hiện nay, cấp ủy, chính quyền địa phương nhận thức được tầm quan trọng và quan tâm chỉ đạo giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề an ninh “phi truyền thống” như môi trường, lương thực, nguồn nước, văn hóa - tư tưởng...; tính toán tích hợp các định hướng, giải pháp cho các vấn đề nêu trên vào chính sách, quy hoạch chung. Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, quán triệt và thực hiện hiệu quả quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Đại hội XIII trong mọi hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”(18); có phương án phòng ngừa và diễn tập xử lý tình huống phát sinh “điểm nóng” về an ninh, trật tự, xảy ra bạo loạn, biểu tình. 

Ba là, để góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các vùng nông thôn, lực lượng công an cần tích cực, chủ động vận dụng kết hợp các biện pháp đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, trong đó chú trọng biện pháp vận động quần chúng, xây dựng và phát triển phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Phối hợp và thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, trước hết là Hội Nông dân để tuyên truyền, vận động quần chúng. Ở những vùng nông thôn có thêm yếu tố dân tộc, tôn giáo hoặc thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo..., với những nét đặc thù, công tác “dân vận” phải kết hợp khoa học, hài hòa các phương châm, hình thức, biện pháp, lực lượng... nhằm phản ánh, giải quyết được các vấn đề đặc thù đó. Xây dựng và sử dụng mạng lưới cộng tác viên, tạo cơ sở chính trị vững chắc trong quần chúng nhân dân để được nhân dân giúp đỡ giữ gìn bí mật công tác, phát hiện và đấu tranh kịp thời với các loại tội phạm và hành vi phạm tội.  

Bốn là, bảo vệ an ninh quốc gia nói chung, an ninh nông thôn nói riêng là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, trong đó Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt. Vì vậy, cần tiếp tục xây dựng lực lượng Công an nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”(19); đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động “Công an nhân dân vì nước quên thân, vì nhân dân phục vụ”, “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, để góp phần tăng cường đội ngũ và sức mạnh của lực lượng công an xã, bảo đảm đây là lực lượng được đào tạo chính quy, gần dân, hiểu dân, gắn bó với dân, “hòa mình với quần chúng thành một khối” và được quần chúng nhân dân tin yêu, giúp đỡ; công tác đào tạo trong Công an nhân dân cần được tích cực đổi mới với định hướng chú trọng trang bị kiến thức thực tiễn, năng lực tư duy, phương pháp và kỹ năng công tác (đặc biệt là kỹ năng dân vận) cho cán bộ, chiến sĩ.

__________________

(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.247, 252.

(3), (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, sđd, tr.1, 3.

(4), (7), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, sđd, tr.612-613, 612, 612.

(5), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, sđd, tr.133, 134.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, sđd, tr.187.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, sđd, tr.82-83

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, sđd, tr.420.

(13), (14), (15), (16), (17) Viện Chiến lược và khoa học Công an: Hồ Chí Minh về an ninh trật tự, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.127, 125, 126, 126, 123.

 

(18), (19) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.27, 158.


Vị tướng tài năng, đức độ, trung hiếu, vẹn toàn

 

Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam năm nay vừa tròn 100 tuổi. Đại tướng Nguyễn Quyết đã dành trọn cuộc đời mình cho Đảng, Nhà nước và quân đội.

Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - vấn đề quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

         Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ tuyệt đối của nhân dân, chúng ta tin tưởng rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tạo sinh khí mới, quyết tâm cao, hành động mạnh mẽ để đánh thắng “giặc nội xâm” và Đảng ngày càng vững vàng, bản lĩnh.

Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đại diện cho lợi ích của toàn thể nhân dân lao động và dân tộc, lấy phục vụ nhân dân là mục tiêu cao nhất của mọi hành động cách mạng. Vì thế, “mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”. Tuy nhiên, bất cứ một đảng cầm quyền nào, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, nếu không có cơ chế, biện pháp kiểm soát, quản lý chặt chẽ đều có thể dẫn đến tham nhũng, quan liêu, suy thoái, biến chất .... làm mất vai trò lãnh đạo, cầm quyền. Do vậy, để giữ vững vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, để Đảng thực sự là “của dân”, “vì dân”, Đảng “phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái hóa... trong nội bộ Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị”. Đây là vấn đề rất quan trọng, then chốt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Hiện nay, ở nước ta, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng phát động, lãnh đạo thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; đồng thời bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động, chống đối. Để chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng hiệu quả, mới đây, trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 (tại Hà Nội ngày 30/6/2022), đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá toàn diện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, đồng thời đưa ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

Nhìn lại chặng đường 10 năm kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã “đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố, nâng cao ý chí, niềm tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cho đất nước ta ngày càng giàu mạnh, ngày càng phát triển, có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế”.

Chúng ta đều rõ, tham nhũng được coi là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Ở thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng tồn tại tham nhũng, song không thể xóa bỏ nhanh chóng trong một thời gian ngắn mà cần phải đấu tranh kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, thường xuyên. Gần đây, lợi dụng việc Đảng ta đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng, xử lý hình sự một số cán bộ cấp cao của Đảng, có quan điểm cho rằng, nếu “quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm "nhụt chí," "chùn bước" những người dám nghĩ, dám làm, làm "chậm" sự phát triển đất nước”. Đây là biểu hiện của sự nhận thức nông cạn, thiếu suy nghĩ chín chắn. Bởi tham nhũng thực sự là một nguy cơ, vấn nạn, nếu không được ngăn chặn, loại bỏ kịp thời sẽ làm thiệt hại cho nền kinh tế, phá vỡ chiến lược và kế hoạch phát triển, gây thiệt hại vật chất rất lớn cho Nhà nước và người dân; làm suy thoái đạo đức, lối sống trong hàng ngũ lãnh đạo, gây ra sự bất bình, bức xúc trong dư luận xã hội và nghiêm trọng hơn là làm xói mòn, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ, gián tiếp tiếp tay cho những thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ. Có thể nói, tham nhũng như một loại dịch bệnh nguy hiểm có thể phá vỡ bất kỳ thể chế chính trị nào. Một đảng cầm quyền còn để xảy ra tham nhũng thì nguy cơ đánh mất quyền lực là hiện hữu. Đây là bài học xương máu đã được lịch sử đúc rút, kể cả những nước đã từng là thành trì của chủ nghĩa xã hội. Thậm chí, nếu để tham nhũng tràn lan thì những cán bộ, đảng viên trong sáng, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc sẽ không còn động lực để phấn đấu, cống hiến, hy sinh vì lợi ích chung. Bởi vậy, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một tất yếu, là vấn đề sinh tử, sống còn, cấp bách của bất kỳ một đảng cầm quyền nào nếu không muốn từ bỏ vị trí lãnh đạo của mình. Với tinh thần ấy, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực càng không phải là “đấu tranh phe cánh” hay “đấu đá nội bộ” như một số người xuyên tạc, mà nhằm: “góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối…”.

Như vậy, mục đích chống tham nhũng, tiêu cực, thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên là rất rõ ràng. Bởi tham nhũng thường diễn ra ở những người có chức, có quyền, do tha hóa quyền lực mà gây tổn hại nhiều mặt đến đời sống xã hội, thậm chí vi phạm quyền con người. Vì vậy, thái độ trong chống tham nhũng là phải “thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả”.

Trong thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta do Đảng Cộng sản Việt Nam mà trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo, chỉ đạo đã đạt được những kết quả tích cực: “công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, và thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược", được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận”. Kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây cho thấy: “tuyệt đại đa số ý kiến của người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; khiến cho mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực xấu, thù địch đều trở nên trơ trẽn, nực cười”.

Bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, thì công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn những hạn chế, tồn tại như: “Một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh…. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những "kẻ thù hung ác", nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”. Nguy hại hơn, tham nhũng không chỉ diễn ra trong lĩnh vực kinh tế, tài chính… mà còn diễn ra ngay cả ở những lĩnh vực lẽ ra không thể tham nhũng, đó là y tế, giáo dục, khoa học, nhất là trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải gồng mình chống đại dịch COVID-19. Đây thật sự là điều rất đáng lo ngại. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực là một vấn nạn, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, gây bất bình trong nhân dân. Tuy vậy, chúng ta cũng không chủ quan nóng vội; song cũng không được né tránh, cầm chừng; mà phải “rất kiên trì, không "ngừng," không "nghỉ"; vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng, vừa phải kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa, răn đe, không để xảy ra tham nhũng; đồng thời “cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh phòng, chống tham nhũng để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta”[10]. Đây là một nhiệm vụ nhưng góp phần giải quyết mục tiêu kép, do đó đòi hỏi phải được thực hiện thận trọng, tỉnh táo, bài bản, không gây hoang mang, dao động, song càng không thể thỏa hiệp, xuôi chiều.

Để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng triệt để, hiệu quả, trong thời gian tới, trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở truyền thống văn hóa của dân tộc và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần phải thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp.

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, sâu rộng các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về sự nguy hại của tham nhũng, tiêu cực. Thúc đẩy sự tự giác, thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nêu cao tinh thần gương mẫu của người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; kiên trì, thường xuyên giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết; trung thực. Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Tư tưởng này cần phải được quán triệt, phổ biến rộng rãi đến mọi cấp, mọi ngành và toàn thể nhân dân, tạo bước chuyển biến tích cực, căn bản về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, là cơ sở cho sự thống nhất trong hành động.

Hai là, gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến," "tự chuyển hoá" trong nội bộ; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh; phải trung thực, liêm chính, "chí công vô tư," thực sự là "thanh bảo kiếm" sắc bén, là những cán bộ "rường cột" của Đảng và Nhà nước, những "Bao Công" của thời đại ngày nay. Cán bộ phòng, chống tham nhũng cần “nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân và đất nước, gương mẫu, đi đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Đồng thời, việc kiểm soát quyền lực và thực hành liêm chính, trước hết phải được tiến hành có hiệu quả trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng. Phải chống tham nhũng trước hết trong cơ quan chống tham nhũng. Bên cạnh đó, cần có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nỗ lực phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc.

Bốn là, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc xử lý tham nhũng, tiêu cực; nghiêm túc thực hiện phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” và sử dụng đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự. Chỉ có tiến hành triệt để, kiên quyết, đồng bộ với nhiều giải pháp thì công tác phòng, chống tham nhũng mới đạt kết quả cuối cùng và đảm bảo tính răn đe trong thực tế.

Năm là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống," "kẽ hở" để "không thể tham nhũng, tiêu cực". Đây là giải pháp rất căn cơ nhằm hình thành những cơ chế, thể chế để cán bộ không thể tham nhũng, như đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ rõ: “phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng"”; “một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng"; và một cơ chế bảo đảm để "không cần tham nhũng". Đây là nhiệm vụ bức thiết, cần sớm được đầu tư, hoàn thiện để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sớm đi vào chiều sâu, hiệu quả.

Sáu là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kiểm tra, giám sát và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Mặt khác, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử một cách hiệu quả, đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạc. Phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng góp phần khắc phục, hạn chế hậu quả của tham nhũng, đồng thời thể hiện tính răn đe của pháp luật. Xử lý kịp thời và thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện xách nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, tạo sự tin tưởng tuyệt đối của nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bảy là, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Cùng với việc hoàn thiện cơ chế, thể chế, đảm bảo công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình là điều kiện đầu tiên để kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn, không bị "tha hoá", lạm dụng. Mặt khác, cần có các biện pháp để công dân thực hiện đầy đủ quyền tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật để có ý kiến phản hồi chính xác, kịp thời. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát việc thực thi quyền lực thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; thanh tra, kiểm toán của Nhà nước; giám sát của cơ quan dân cử và đại biểu dân cử, của cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, nhân dân và xã hội.

Tám là, cần xây dựng cơ chế bảo vệ, khen thưởng, động viên kịp thời những người làm báo tích cực, dũng cảm phát giác, đấu tranh chống tham nhũng; đồng thời kiên quyết vạch trần, phê phán, bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Xử lý nghiêm việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt, gây hậu quả xấu. Tăng cường phối hợp, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng; đồng thời chú trọng thông tin, tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt; khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thông tin không chính xác, mang tính kích động, gây hoang mang.

Có thể nói, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ tuyệt đối của nhân dân, chúng ta tin tưởng rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần "Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây" như Bác Hồ đã từng chỉ dạy, sẽ không những không làm ảnh hưởng mà còn tạo sinh khí mới, quyết tâm cao, hành động mạnh mẽ để đánh thắng “giặc nội xâm” và Đảng ngày càng vững vàng, bản lĩnh, tiếp tục lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân ta giành thắng lợi trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp phần củng cố niềm tin yêu của nhân dân đối với Đảng, với chế độ./.

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2022

CÁCH MẠNG THÁNG 8/1945 - NIỀM TỰ HÀO CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM

 Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã viết lên những trang sử vẻ vang với bao chiến công hiển hách chống xâm lược và ách thống trị của ngoại bang. Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những mốc son chói lọi nhất, là thành quả 15 năm đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, lập nên Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Tháng 8/1945, nhận định thời cơ ngàn năm có một đã đến, mọi sự chuẩn bị đều đã sẵn sàng, sức mạnh đoàn kết hiệp đồng của toàn dân đã lên cao đến đỉnh điểm, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào cả nước, triệu người như một, nhất tề đứng lên giành chính quyền trên cả nước với tinh thần "Dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập".

Với sự chuẩn bị chu đáo về đường lối, lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang và thời cơ ngàn năm có một, chỉ trong vòng hai tuần lễ 64 tỉnh thành trên cả nước đã giành được chính quyền.

Tại Hà Nội, không khí sục sôi bắt đầu từ chiều 17/8, Tổng hội viên chức (một tổ chức của chính quyền và lực lượng thân Nhật thành lập ra) tổ chức mít tinh tại Nhà hát lớn để ủng hộ chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim, Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội đã biến cuộc mít tinh đó thành cuộc mít tinh ủng hộ Việt Minh. Cờ quẻ ly (lá cờ có nền màu vàng, giữa là sọc quẻ ly màu đỏ) của chính phủ Trần Trọng Kim bị hạ xuống, nhanh chóng được thay bằng một lá cờ đỏ sao vàng rộng lớn rủ từ trên tầng Nhà hát lớn xuống. Các đội viên tuyên truyền Việt Minh được bố trí bí mật xông lên giành lấy diễn đàn, thông báo tin Nhật đầu hàng và kêu gọi nhân dân ủng hộ Việt Minh khởi nghĩa. Sau đó, quần chúng tự động xếp thành hàng, do các đội tự vệ chiến đấu dẫn đầu đi từ Nhà hát lớn qua các phố trung tâm, hô vang khẩu hiệu "Ủng hộ Việt Minh", "Đả đảo bù nhìn", "Việt Nam độc lập". Chính quyền bù nhìn không dám chống cự, quân Nhật không dám can thiệp.

Sự kiện ngày 17/8 cho thấy sự yếu thế của chính quyền thân Nhật và sự chia rẽ sâu sắc giữa các nhóm phái, họ không có khả năng tập hợp quần chúng. Quần chúng nhân dân Hà Nội đã tin và hướng về ngọn cờ cứu nước của Mặt trận Việt Minh, giúp cho Ủy ban khởi nghĩa ở Hà Nội càng vững tin vào lực lượng quần chúng và thấy rõ tình hình của địch. Thời cơ giành chính quyền cho cách mạng đã chín muồi và quyết định đã phát động nhân dân Hà Nội nổi dậy giành chính quyền vào ngày 19/8/1945.

Theo kế hoạch của Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội, ngày 18 ở hầu hết các xã ngoại thành đều biểu tình tuần hành và chính quyền cách mạng được thành lập. Các đồn lính nhỏ lẻ ở ngoại thành đều bị quần chúng cách mạng chiếm giữ, nhân dân nô nức sắm cờ, vũ khí chuẩn bị tiến vào thành phố tham gia giành chính quyền. Điều đó tạo thuận lợi cho khởi nghĩa ở nội thành vào ngày hôm sau.

Ngay từ sáng sớm ngày 19/8, Hà Nội đỏ rực màu cờ cách mạng. Hàng vạn nông dân, dân nghèo, với các vũ khí thô sơ từ Láng, Mọc kéo ra chiếm đại lý Hoàn Long tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng khu vực Ngã Tư Sở, mở đầu cho cuộc khởi nghĩa ở nội thành.

Hàng vạn quần chúng nhân dân ngoại thành, từ các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Hoài Đức, Đan Phượng (Hà Đông), Gia Lâm (Bắc Ninh) mang theo cờ Việt Minh, gậy gộc, mã tấu, dao phát bờ...tiến vào nội thành với sức mạnh như thác đổ. Tất cả đều tập hợp trước Nhà hát lớn. Cả Thành phố Hà Nội như rung chuyển trong tiếng hô khẩu hiệu: "Ủng hộ Việt Minh", "Chính quyền nhân dân cách mạng", "Cách mạng thành công muôn năm", "Việt Nam hoàn toàn độc lập"...

Đúng 11 giờ, trước hơn 20 vạn người tập trung trước Nhà hát lớn, Uỷ ban Khởi nghĩa đọc lời kêu gọi khởi nghĩa, nêu rõ chủ trương của Mặt trận và kêu gọi nhân dân đứng lên giải phóng dân tộc:

Sau đó cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình vũ trang giành chính quyền. Quần chúng cách mạng có các đơn vị vũ trang tự vệ dẫn đầu chia thành hai khối lớn đi chiếm các vị trí trọng yếu: Phủ Khâm sai, Sở Bưu điện, Sở Cảnh sát...

Phủ Khâm sai - cơ quan đầu não của chính phủ bù nhìn, quân dân Hà Nội đã tước vũ khí lính bảo an và phân phát cho tự vệ, nhanh chóng làm chủ toàn bộ khu vực này. Lính bảo vệ Phủ đã hạ vũ khí mà không có bất kỳ hành động kháng cự nào trước sức mạnh của nhân dân Hà Nội.

Trước sức mạnh áp đảo của quần chúng và lực lượng tự vệ kiên cường, hầu hết các công sở chính quyền địch đều nhanh chóng về tay nhân dân trừ Đài phát thanh Bạch Mai và ngân hàng Đông Dương.

Đến tối ngày 19/8 khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn. Điểm nổi bật của khởi nghĩa ở Hà Nội là do chính sự tự lực của nhân dân Hà Nội tập hợp nhau lại, cùng tiến hành theo chính cương của Việt Minh, hầu như không vấp phải sự chống đối từ chính phủ bù nhìn hay quân Nhật, cũng chưa hề có lực lượng vũ trang và cũng không có sự hỗ trợ của đội quân giải phóng từ các chiến khu hay Trung ương.

Sáng 20/8/1945, tại Vườn hoa Con cóc (còn gọi là Vườn hoa Diên Hồng), Ủy ban nhân dân cách mạng Bắc bộ ra mắt nhân dân trong niềm hân hoan vui sướng của nhân dân Hà Nội.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội có ý nghĩa rất lớn bởi suốt hơn nửa thế kỷ, Hà Nội là thủ phủ của Đông Dương thuộc Pháp. Sự thất bại của chính quyền tại đây tượng trưng cho sự sụp đổ của chế độ thực dân trên đất nước ta, việc giành chính quyền nhanh gọn, không đổ máu đã tiếp thêm sức mạnh cho nhân dân cả nước tiến lên giành chính quyền.

Thắng lợi ở Hà Nội đã tạo điều kiện để Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển về Hà Nội chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa trong cả nước đi đến thắng lợi hoàn toàn, chuẩn bị các điều kiện đón tiếp quân Đồng minh.

Giành chính quyền tại Huế 23/8/1945

Ngày 20/8 tại Thừa Thiên Huế, Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh được thành lập. Ủy ban quyết định lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền vào 23/8. Ngày hôm đó, hàng chục vạn nông dân từ các huyện đổ về thành phố Huế, biểu tình thị uy và chiếm các công sở.

Chiều 30/8 lễ thoái vị của Bảo Ðại - vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến cuối cùng đã được tổ chức tại lầu Ngọ Môn trong kinh thành Huế.

Ðúng 13 giờ, vua Bảo Ðại mặc triều phục Hoàng đế bào cùng một số bộ trưởng trong chính phủ Trần Trọng Kim và đại diện hoàng gia đứng ra phía trái lầu Ngọ Môn. Ðoàn đại biểu của chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng bên phải gồmTrần Huy Liệu - trưởng đoàn và Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận – vừa từ miền Bắc vào. Vua Bảo Ðại đọc chiếu tự nguyện thoái vị và trao lại cho đại diện chính phủ Quốc ấn bằng vàng và một thanh gươm bằng vàng nạm ngọc tượng trưng cho quyền lực của chế độ phong kiến. Vua Bảo Đại tuyên bố "Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ".

Sự kiệnVua Bảo Đại tuyên bố thoái vị có một ý nghĩa quan trọng, chính thức đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền phong kiến lỗi thời; nhân dân ta đã thực hiện được một bước quan trọng đường lối cách mạng dân chủ mà Đảng ta đề ra từ năm 1930. Việc Bảo Đại tuyên bố thoái vị cũng đã triệt tiêu một đầu mối mà các thế lực đế quốc, phản động muốn duy trì, sử dụng để mưu toan chống phá chính quyền cách mạng, đặt lại ách thống trị lên đất nước ta.

Giành chính quyền tại Sài Gòn, 25/8/1945

Chấp hành Mệnh lệnh khởi nghĩa của Ủy ban Kháng chiến toàn quốc và kế hoạch của Xứ ủy Nam Kỳ, ngay từ đêm 24/8/1945, quần chúng cách mạng ở Sài Gòn-Chợ Lớn và các tỉnh lân cận mang theo giáo mác, tầm vông… bằng mọi phương tiện, rầm rập kéo về nội thành tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Lực lượng đoàn viên công đoàn và thanh niên tiền phong có mặt ở khắp mọi nơi sẵn sàng chiếm lĩnh những mục tiêu được phân công.

Từ 19 giờ ngày 24/8, lực lượng khởi nghĩa chiếm sở công an, cảnh sát, nhà ga, bưu điện, nhà đèn, các quận, bót… Đến 22 giờ, đoàn Lê Lai thuộc Thanh niên Tiền phong chiếm được dinh Khâm sai. Cờ quẻ ly bị hạ xuống, cờ đỏ sao vàng được kéo lên giữa rừng người hừng hực khí thế cách mạng. Cuộc tiến chiếm “Soái phủ Nam kỳ" không vấp phải sự kháng cự nào vì hầu hết những viên chức cao cấp đã tham gia Thanh niên Tiền phong.

Sáng sớm hôm sau (25/8), hơn một triệu quần chúng Sài Gòn – Chợ Lớn và các tỉnh lân cận ào ạt kéo vào nội thành với khí thế sục sôi cách mạng. Đoàn người hô vang như sấm dậy khẩu hiệu: “Việt Nam hoàn toàn độc lập!”, “Tất cả chính quyền về tay Việt Minh!”, “Mặt trận Việt Minh muôn năm!”, “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”, “Độc lập hay là chết!”. Cờ đỏ sao vàng tràn ngập đường phố, phấp phới bay trên các công sở.

Sáng 25/8, lực lượng cách mạng làm chủ hoàn toàn thành phố. Khởi nghĩa kết thúc bằng cuộc biểu tình của hàng triệu quần chúng chào mừng Lễ ra mắt của Ủy ban Hành chính Lâm thời Nam Bộ do đồng chí Trần Văn Giàu làm Chủ tịch.

Đồng thời với khởi nghĩa ở Sài Gòn, nhân dân các tỉnh Nam Bộ: Chợ Lớn, Gia Định, Sóc Trăng, Long Xuyên, Vĩnh Long, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Trà Vinh, Tây Ninh, Bến Tre, Sa Đéc đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Ngày 26/8/1945, nhân dân Sơn La, Hòn Gai, Cần Thơ, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Ngày 27/8/1945, tỉnh Rạch Giá giành được chính quyền. Ngày 28/8/1945, tỉnh cuối cùng Hà Tiên giành chính quyền.

Như vậy, chỉ trong vòng 2 tuần lễ, cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám đã giành thắng lợi trong phạm vi cả nước, để có được kết quả này, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải chuẩn bị trong rất nhiều năm về chủ trương, đường lối, lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang cách mạng, cùng sức đoàn kết đồng lòng của toàn thể nhân dân đã làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt toàn thể quốc dân đồng bào trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, ngày nay là nước CHXHCN Việt Nam.

Trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam, tinh thần của cách mạng Tháng Tám và ngày Quốc khánh 2/9 sẽ đời đời bất diệt. Khát vọng hòa bình và tinh thần ấy của Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 mãi mãi khắc sâu vào trái tim và khối óc của mỗi con người Việt Nam và đây là nguồn động viên lớn để khơi dậy lòng nhiệt huyết của thế hệ hôm nay quyết giữ vững nền độc lập tự do./.


“THI ĐUA PHẢI ĐOÀN KẾT, ĐOÀN KẾT ĐỂ THI ĐUA”

 Lời dạy của Bác Hồ trong “Bài nói với cán bộ và đồng bào tỉnh Nam Định”, ngày 13-8-1958. Đây là thời điểm miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, lật đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, nhằm giải phóng quê hương, thống nhất đất nước; phong trào thi đua yêu nước sau 10 năm thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng, động viên, khích lệ đồng bào và chiến sĩ cả nước đoàn kết một lòng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, ra sức thi đua, đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc; trong đó tỉnh Nam Định là một điểm sáng của cả nước, được Bác về thăm và nói chuyện; trong đó, Người căn dặn: “Thi đua phải đoàn kết, đoàn kết để thi đua”.

Đoàn kết đã trở thành một truyền thống quý báu của dân tộc ta, trở thành sức mạnh vô địch, đưa dân tộc Việt Nam vượt lên mọi khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này, đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích vẻ vang. Chính vì vậy, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua các phong trào thi đua đã trở thành một trong những bài học kinh nghiệm lớn, là phương thức, là điều kiện bảo đảm thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đoàn kết chặt chẽ thì sức mạnh thi đua càng mạnh, phong trào thi đua càng có sức lan tỏa sâu rộng, kết quả đạt được càng toàn diện và vững chắc.

Học tập và làm theo lời Bác dạy, Phong trào Thi đua Quyết thắng trong quân đội được cấp ủy, chỉ huy, hội đồng thi đua - khen thưởng, cơ quan chính trị các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, xác định đúng trọng tâm, trọng điểm với nhiều phong trào đã gắn với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, tiêu biểu như: “Giết giặc lập công”, “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, “Bám thắt lưng địch mà đánh”, “Một tấc không đi, một ly không dời”, “Yêu xe như con, quý xăng như máu”… đã phát triển sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ, đã động viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ vượt qua mọi hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh, chiến đấu, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Trước yêu cầu xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Phong trào Thi đua Quyết thắng tiếp tục có bước phát triển mới, đồng hành, gắn chặt với từng lĩnh vực công tác, luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, đặc điểm, tình hình hoạt động của mỗi loại hình cơ quan, đơn vị trong toàn quân được cán bộ, chiến sĩ tích cực hưởng ứng thực hiện và đạt được kết quả tích cực, tạo động lực tinh thần to lớn cho toàn quân hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám năm 1945

 Đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp ở Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra bước ngoặt vĩ đại của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Đánh giá về ý nghĩa lớn lao này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”. Tiếp tục nhấn mạnh giá trị đó, trong Bài phát biểu tại khóa họp Xô viết Tối cao Liên Xô nhân kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng Mười, ngày 6-11-1957 đăng trên báo Nhân dân, số 1341, ngày 10-11-1957, Người lại khẳng định: “Năm 1945, nhân dân Việt Nam đã làm Cách mạng Tháng Tám, đánh đuổi bọn thực dân ra khỏi đất nước và xây dựng chính quyền nhân dân. Đó là một bước ngoặt trong lịch sử của dân tộc chúng tôi”. Thắng lợi này đã chính thức chấm dứt ách đô hộ hơn 80 năm của thực dân Pháp đối với nước ta, mở kỷ nguyên độc lập, lần đầu tiên tên nước Việt Nam có tên bản đồ thế giới; đồng thời đã mở ra mối quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới với tư cách và vị thế của một quốc gia - dân tộc có độc lập, có chủ quyền: “Lịch sử dân tộc ta đã có nhiều thời kỳ rất vẻ vang. Nhưng trước ngày Cách mạng Tháng Tám, dân tộc ta đã phải trải qua gần một thế kỷ vô cùng tủi nhục. Trên địa đồ thế giới, tên nước ta đã bị xóa nhòa dưới bốn chữ “Đông Dương thuộc Pháp”. Thực dân Pháp gọi đồng bào ta là lũ Annamít dơ bẩn. Thiên hạ gọi chúng ta là vong quốc nô. Cụ Phan Bội Châu đã phải thốt lên rằng:

Đã lắm lúc bầm gan tím ruột, 

Vạch trời cao mà tuốt gươm ra, 

Cũng xương, cũng thịt, cũng da, 

Cũng hòn máu đỏ, con nhà Lạc Long, 

Thế mà chịu trong vòng trói buộc, 

Mấy mươi năm nhơ nhuốc lầm than!...

Cách mạng Tháng Tám thành công. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Nhân dân ta tự làm chủ vận mạng của mình. Tên tuổi của nước ta lại lẫy lừng khắp năm châu, bốn biển”.

Ngày 19/8/1945, sau cuộc mít tinh tại Quảng trường Nhà hát lớn, quần chúng nhân dân Thủ đô đã đánh chiếm Bắc Bộ phủ, cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc Bộ. Cách mạng tháng Tám mở ra một thời đại mới ở Việt Nam - thời đại nhân dân Việt Nam làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của chính mình. 

Đối với tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, một mặt, đã góp phần đánh bại tàn dư của chế độ phong kiến và chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phát xít ở Việt Nam. Về vấn đề này, trong Thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, ngày 19 tháng 8 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cách mạng Tháng Tám đã giải phóng đồng bào ta ra khỏi chế độ quân chủ chuyên chế và xiềng xích thực dân”. Mặt khác, đối với công cuộc xây dựng một chế độ xã hội mới, khác hẳn về chất so với chế độ cũ (phong kiến, thực dân và đế quốc): “Cách mạng Tháng Tám đã xây dựng cho nhân dân ta cái nền tảng Dân chủ Cộng hoà và thống nhất độc lập”.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của ý chí độc lập tự chủ, tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam và là thắng lợi vĩ đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Từ thắng lợi to lớn đó, đã cổ vũ nhân dân ta kiên cường đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 lịch sử. Đất nước hoàn toàn độc lập, người dân được hoàn toàn tự do, hạnh phúc.



NGUYỄN VĂN TUẤN MANG DANH TRÍ THỨC LỘNG NGÔN XUYÊN TẠC!

         Vụ án ở Tịnh thất Bồng lai hay còn gọi là Thiền am bên bờ vũ trụ đã được Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đưa ra xét xử sơ thẩm trong 2 ngày 20 và 21/7/2022. Tòa đã tuyên phạt bị cáo Lê Tùng Vân mức án 5 năm tù. Các bị cáo Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Tùng Dương và Lê Thanh Hòa Nguyên cùng mức án 4 năm tù; bị cáo Lê Thanh Nhị Nguyên 3 năm 6 tháng và bị cáo Cao Thị Cúc 3 năm tù. Các bị cáo này bị tuyên án trong vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” xảy ra tại Tịnh thất Bồng lai xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An. Hội đồng xét xử xác định, hành vi của các bị cáo được thực hiện nhiều lần, vi phạm nghiêm trọng đến an ninh trật tự địa phương. Cáo trạng truy tố là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các bị cáo có tổ chức, bàn bạc, thống nhất, phân công vai rõ ràng. Sau khi tòa sơ thẩm khép lại, các bị cáo đã làm đơn kháng cáo và một ngày gần đây phiên tòa phúc thẩm vụ án này sẽ được mở ra. Cần chú ý, sự việc xảy ra ở Tịnh thất Bồng lai đã gây bức xúc trong dư luận trong suốt thời gian qua, nhưng việc xem xét các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) cần được phân định tại tòa án. Điều đáng nói ở đây là một số tổ chức, cá nhân khoác áo “dân chủ, nhân quyền” nhảy vào bình luận, tung tin sai lệch với mục đích chống phá chính quyền, bôi nhọ chế độ nhà nước Việt Nam.

Tôi muốn đề cập đến ông “Giáo sư” Nguyễn Văn Tuấn và bài viết vừa đăng tải trên mạng xã hội của ông ta với cái tiêu đề “Những khuyết tật qua một phiên tòa dị kỳ” nhân phiên xét xử sơ thẩm vụ án ở Tịnh thất Bồng lai.

Thứ nhất, ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng phiên tòa có tới 8 “khuyết tật”. Đọc kỹ 8 cái gọi là “khuyết tật” mà ông Tuấn nêu ra như: thiếu sự độc lập giữa lập pháp, tư pháp và hành pháp; hình sự hóa một câu thành ngữ; chứng cớ... thì thiết nghĩ đây không phải là tư duy và khẩu khí của một kẻ tự cho mình là “giáo sư”. Chẳng hạn, ông Tuấn cho rằng “khuyết tật về chứng cớ” vì “Các luật sư đại diện Thiền Am phát hiện một video được dùng để cáo buộc họ lại xuất phát từ một kênh Youtube giả mạo những người trong Thiền Am. Kênh Youtube này, theo cộng đồng mạng phát hiện, chỉ được lập ra để nói xấu Thiền Am và chỉ đăng được 3 cái video! Ấy vậy mà một video như thế được dùng làm bằng chứng để cáo buộc mấy người trong Thiền Am!”.

Thưa ông Tuấn, cáo trạng vụ án đã nêu rõ: “Từ năm 2019 đến năm 2022, các bị can gồm Lê Tùng Vân, Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Nhị Nguyên, Lê Thanh Tùng Dương, Cao Thị Cúc và Lê Thu Vân đã đăng tải 5 video clip và 1 bài viết trên các trang mạng xã hội, trong đó có hai kênh Youtube “5 chú tiểu -Thiền am bên bờ vũ trụ” và “Nhất Nguyên- Hoàn Nguyên Oficial”. Các clip và bài viết này có chứa nội dung sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc nhằm tuyên truyền, kích động, xúc phạm đến uy tín của Công an huyện Đức Hòa, xúc phạm Phật giáo, xúc phạm danh dự và nhân phẩm ông Trần Ngọc Thảo (pháp danh Thích Nhật Từ) và đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ở địa phương. Rõ ràng đến như vậy thì không thể gọi là “khuyết tật về chứng cứ” ông Tuấn nhé! 
Điều đáng vạch mặt “giáo sư” Nguyễn Văn Tuấn trong bài viết này khi ông cho rằng: “Người ta không ngạc nhiên với bản án là vì hầu như tất cả các bản án ở Việt Nam được xử theo điều luật 331 đều đã được định trước. Tất cả 6 người trong Thiền Am bị kết tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.” Đó là một tội danh mà các cơ quan nhân quyền quốc tế nhận xét là ‘rất mơ hồ,’ hiểu theo nghĩa muốn kết tội ai cũng được” .
Xin thưa, không “rất mơ hồ” và “muốn kết tội ai cũng được” như luận điệu của ông Tuấn, bởi lẽ: Về phương diện luật pháp quốc tế, Khoản 2 Điều 29, Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế năm 1948 khẳng định: “Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra, bảo đảm những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn”. Hàng loạt các quốc gia cũng đã đặt ra những điều khoản cụ thể để ngăn chặn việc lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm các mối quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. Ví dụ: Hiến pháp nước Đức quy định “Ai lợi dụng tự do ngôn luận, đặc biệt là tự do báo chí, tự do tuyên truyền… làm công cụ chống lại trật tự của xã hội tự do dân chủ sẽ bị tước bỏ quyền công dân”. Cũng xin được nói thêm, việc kêu gào bỏ Điều 331 này của Bộ luật Hình sự đã được nhiều kẻ cơ hội chính trị trước ông Tuấn đặt ra, chẳng lẽ ông lại “đạo văn” một lần nữa như nhiều người từ lâu đã tố cáo ông chăng?
Thứ hai, đôi lời về “giáo sư” Nguyễn Văn Tuấn: Cách đây gần 6 năm, ngày 7/12/2016, báo Nhân dân đã đăng bài viết: “Trí thức đích thực sẽ không hành xử như vậy” của Việt Quang -Hoài Ân vạch mặt vị “giáo sư” này. Theo chính ông Tuấn trong bài trả lời phỏng vấn mang tên “Con đường khoa học có nhiều thú vị” thì ông ta là: Nhà nghiên cứu loãng xương nổi tiếng thế giới; có hơn 250 công trình nghiên cứu khoa học đã đăng trên các tạp chí y khoa, khoa học quốc tế; giáo sư y khoa của nhiều trường đại học danh tiếng; king nghiệm làm nghiên cứu tại nhiều nước trên thế giới; hợp tác với hơn 30 viện, bệnh viện, nhiều trường đại học trên thế giới… Lý lịch có vẻ “tầm cỡ” và lại luôn xuất hiện trên internet như thế, việc bỗng dưng Nguyễn Văn Tuấn khóa tài khoản trên facebook, đóng blog cá nhân khiến một số người bất ngờ nhưng lại không bất ngờ với những người thường phản biện, trao đổi, phê phán Nguyễn Văn Tuấn. Vì họ biết sự việc này là không ngẫu nhiên. Nhiều người, nhiều bài báo gần đây đã đưa ra những chứng lý cụ thể để nói ông này “đạo văn”, thậm chí đạo văn cũng không xong và lý lịch chuyên môn của ông ta được thổi phồng một cách quá đáng. Không biết ông ta đã có đóng góp gì về khoa học Việt Nam không, nhưng chỉ qua ý kiến bàn luận ngoài chuyên môn của Nguyễn Văn Tuấn đã thấy, ở ông này có nhiều điều không bình thường. Về Việt Nam làm việc, được một số tờ báo giới thiệu, phỏng vấn ông ta đã viết rất bậy bạ rằng: “Tôi thấy bi quan cho cái viễn cảnh hòa giải- hòa hợp dân tộc. Sẽ không có hòa giải dân tộc khi cái ý thức hệ đó còn ngự trị trên đất nước ta. Sẽ không có hòa hợp dân tộc khi còn có những con người đánh đồng cái ý thức hệ đó như là một giá trị dân tộc”. Không biết căn cứ vào đâu mà ông Tuấn cho rằng “Chính quyền Việt Nam phân biệt có 4 loại Việt kiều”. Thử hỏi nếu đúng như vậy thì một kẻ có nhiều phát ngôn tùy tiện, bậy bạ như Nguyễn Văn Tuấn có thể về nước làm việc được không? Ông ta ca ngợi Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Thị Minh Hằng…thể hiện tình cảm với “cờ vàng” và “Việt Nam Cộng hòa” với một số văn nghệ sỹ hải ngoại nổi tiếng chống Cộng. Rất tiếc một số tờ báo, trang tin ở Việt Nam còn cả tin, thiếu kiểm chứng nên đã quảng bá cho Nguyễn Văn Tuấn như một người tài năng, tâm huyết với đất nước. Vì vậy ông ta càng huyênh hoang, khoác lác đến mức không còn biết mình là ai.

Đất nước và người dân Việt Nam cần những bài viết mang hàm lượng tri thức và khả dụng cao từ các vị trí thức chứ không phải “món gỏi xã hội chấm mù tạt” như những phát ngôn và hành vi của Nguyễn Văn Tuấn. Hãy ngậm miệng nói bừa, nói ẩu lại để thành người tử tế ông Nguyễn Văn Tuấn nhé!
Ảnh: Dẫn bị cáo Lê Tùng Vân vào tòa sáng 20/7.
Tác giả: Lê Thành Nguyên!
Yêu nước ST.

MỆNH LỆNH TỔNG KHỞI NGHĨA TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NGÀY 13/8/1945

 

Ngay sau khi nghe tin Nhật đầu hàng quân đồng minh, vô điều kiện, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh đã thành lập Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc gồm 5 đồng chí: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Lê Thanh Nghị, Chu Văn Tấn, do Tổng bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách.
23 giờ ngày 13/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa đã ban bố Quân lệnh số 1, hạ lệnh tổng khởi nghĩa. Nội dung chính của Văn kiện lịch sử này kêu gọi: "Hỡi quân dân toàn quốc! Giờ Tổng khởi nghĩa đã đến, cơ hội có một của Nhân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập cho nước nhà!". Văn kiện thông báo việc thành lập Uỷ ban khởi nghĩa và kêu gọi toàn thể Nhân dân và các lực lượng vũ trang cách mạng hãy hành động theo mệnh lệnh của Uỷ ban khởi nghĩa, và thúc giục: "Chúng ta phải hành động nhanh với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng! Tổ quốc đang đòi hỏi những hi sinh lớn lao của các bạn! Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta!".
Mặc dù Lệnh Tổng khởi nghĩa chưa kịp phát ra nhưng các cấp bộ địa phương đã tự đứng lên cướp vũ khí của Nhật để đánh Nhật. Không khí cách mạng sục sôi trong cả nước. Quảng Ngãi là tỉnh đầu tiên chớp thời cơ đứng lên giành chính quyền đầu tiên vào ngày 14/8/1945. Tiếp đó, ngày 18/5, tỉnh Quảng Nam cũng giành được chính quyền về tay nhân dân.
Cuộc Cách mạng tháng Tám diễn ra trong vòng 2 tuần lễ và kết thúc thắng lợi. Đây là cuộc cách mạng được đánh giá thành công nhất nhưng ít đổ máu nhất! Nó chứng minh rằng, một Đảng mới 15 tuổi, Quân đội chưa tròn 1 tuổi đã cùng với toàn dân tiến hành cuộc Cách mạng thành công rực rỡ, khẳng định về mặt chính trị, quân sự và đặc biệt hơn đó là về địa lý. Hình ảnh chữ S được chính thức có tên Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Mệnh lệnh Tổng khởi nghĩa và lời hiệu triệu cứu nước là tiếng gọi của non sông thức tỉnh con tim mỗi người Việt Nam yêu nước hãy nhất tề đứng dậy tranh đấu giành quyền độc lập, tự do./.
vubao20-st
Có thể là hình ảnh về văn bản
1
Thích
Bình luận
Chia sẻ