Mỹ đáp trả vụ Trung Quốc áp luật yêu cầu tàu nước ngoài vào Biển Đông phải khai báo
Lầu Năm Góc phản đối việc Trung Quốc yêu cầu tất cả tàu nước ngoài vào Biển Đông phải khai báo với cơ quan hàng hải nước này, gọi đây là "mối đe dọa nghiêm trọng" đối với tự do hàng hải và thương mại.
Ngày 2-9, Lầu Năm Góc bác bỏ quy định mới của Bắc Kinh, trong đó yêu cầu tất cả các tàu nước ngoài đi vào Biển Đông phải khai báo với cơ quan hàng hải Trung Quốc. Đồng thời, Washington gọi đây là "mối đe dọa nghiêm trọng" đối với tự do hàng hải và thương mại, tờ South China Morning Post đưa tin.
Mỹ giữ vững lập trường về tự do hàng hải
Khi được hỏi về quy định mới của Trung Quốc trong tuần này, ông John Supple - phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết: "Mỹ vẫn giữ vững lập trường rằng bất kỳ luật hoặc quy định nào của một quốc gia ven biển đều không được vi phạm các quyền hàng hải và hàng không mà tất cả các nước cùng được hưởng theo luật pháp quốc tế". "Các tuyên bố chủ quyền trên biển bất hợp pháp và sâu rộng, bao gồm cả ở Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng đến quyền tự do trên biển, gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, thương mại tự do và thương mại hợp pháp, các quyền và lợi ích của Biển Đông đối với các quốc gia ven biển khác" - ông nói.
Các bình luận được đưa ra hai ngày sau khi Bắc Kinh thông báo rằng những tàu nước ngoài đi vào "lãnh hải" của Trung Quốc - một khái niệm mơ hồ mà nước này tự ý đặt ra - sẽ phải báo cáo thông tin về tàu và hàng hóa của họ cho cơ quan hàng hải Trung Quốc. Quy tắc này được cho là sẽ áp dụng cho Biển Đông, biển Hoa Đông và các đảo và đá ngầm khác nhau thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Theo thông báo của Bắc Kinh, quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1-9, song Trung Quốc vẫn chưa làm rõ nó sẽ được thực thi như thế nào.
Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan. Nhật và Hàn Quốc có tranh chấp riêng với Bắc Kinh ở biển Hoa Đông.
Và sẽ tiếp tục phản đối Trung Quốc
Những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với các tuyến đường thủy trên Biển Đông - một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất trên thế giới, là nguyên nhân gây ra căng thẳng ngày càng tăng giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng, và với Washington trong nhiều năm.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price từ chối cho biết liệu chính phủ Trung Quốc có trao đổi trực tiếp với Mỹ về sắc lệnh hay không. Tuy nhiên, ông cho biết Mỹ đã nói rõ quan điểm của mình với Bắc Kinh rằng họ coi các yêu sách lãnh thổ mở rộng là bất hợp pháp. Ông Price nói: "Chúng tôi không ngại phản đối và trong nhiều trường hợp sẽ cùng với các đối tác và đồng minh của mình để chống lại các yêu sách hàng hải bất hợp pháp và quá mức" của Trung Quốc. "Chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó" - ông nhấn mạnh.
Trung Quốc "thử" cộng đồng quốc tế
Các nhà quan sát đã đặt câu hỏi liệu Bắc Kinh có đủ năng lực để thực thi một quy tắc mới sâu rộng đến mức mà các quốc gia khác bao gồm Mỹ coi là bất hợp pháp và bất hợp pháp hay không.
Ông Raul Pedrozo - GS luật xung đột vũ trang và GS luật quốc tế tại ĐH Chiến tranh Hải quân Mỹ cảnh báo rằng các động thái của Trung Quốc sẽ tiếp tục gây mất ổn định ở khu vực.
Ông cho biết Bắc Kinh đã "tấn công" trật tự luật pháp quốc tế. Đây là một phần trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm "ép buộc các nước láng giềng, thúc đẩy an ninh quốc gia và các mục tiêu bành trướng, đồng thời củng cố quyền kiểm soát đối với các vùng biển tranh chấp và lãnh thổ". "Trung Quốc đang 'thử' cộng đồng quốc tế để đánh giá xem họ sẽ phản ứng như thế nào với luật mới" - ông nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét