Trung Quốc thêm chiêu trò ngoài Biển Đông: Điều lo ngại hơn
Trong bối cảnh dịch bệnh đang phức tạp, những hành động làm phức tạp trên Biển Đông vừa trái luật vừa không nhân văn, cần phải lên án mạnh mẽ.
Thông tin từ tờ Hoàn Cầu thời báo, từ ngày 1/9, Trung Quốc sẽ áp dụng quy định yêu cầu những người điều khiển một số loại tàu thuyền phải khai báo thông tin chi tiết về hải trình khi đi vào vùng lãnh hải mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Việc khai báo bao gồm cả thông tin của cảng dự kiến sắp đến và thời gian dự kiến đến, tên và chủng loại hàng hóa chở theo… Sau khi vào lãnh hải, nếu hệ thống nhận diện tự động của tàu không hoạt động tốt thì phải khai báo mỗi 2 giờ cho đến khi rời khỏi lãnh hải.
Nhận định về động thái trên, ông Lê Việt Trường- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho rằng, yêu cầu áp dụng quy định về khai báo đối với một số loại tàu thuyền đi vào vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền có thể xem là chiêu trò mới của Bắc Kinh nhằm tiến thêm một bước kiểm soát mới trên Biển Đông.
Động thái này không nằm ngoài âm mưu từng bước hiện thực hóa "đường chín đoạn", muốn từng bước độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Theo ông Trường, những động thái hoạt động trên thực địa của Trung Quốc vừa mang tính thăm dò, vừa áp đặt được tính toán kỹ. Theo đó, các bước kiểm soát được đưa ra không phải áp dụng ngay với các tàu thuyền thương mại, tàu quân sự mà muốn áp đặt trước các quy định với một số loại tàu có thể lặn, tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, tàu chở hóa chất, khí hóa lỏng để giảm sự chú ý của dư luận quốc tế.
Họ lấy lý do đây là các loại tàu có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải để hợp thức hóa việc áp đặt sự kiểm soát cả điểm đi và điểm đến với những loại tàu này khi đi vào vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền
"Không có gì bất ngờ với những sách lược "gặm nhấm" mà Trung Quốc đưa ra. Mục đích sâu xa vẫn là hướng đến tham vọng muốn thâu tóm, độc chiếm quyền kiểm soát trên Biển Đông", ông Trường nói.
Ông Trường cho biết thêm, động thái mới của Trung Quốc trên Biển Đông có thể là một cách đáp trả trước những tuyên bố mạnh mẽ của quốc tế về Biển Đông mới đây. Cụ thể tại Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 28, diễn ra hồi tháng 8/2021, các quốc gia đều đã lên tiếng kêu gọi duy trì an ninh và tự do hàng hải tại Biển Đông, thúc đẩy đàm phán nhằm sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Và mới đây nhất là những tuyên bố rất cứng rắn của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris khi cho rằng các hành động của Bắc Kinh tiếp tục là mối đe dọa tại Biển Đông, đồng thời khẳng định Mỹ cam kết củng cố phát triển bền vững tại Đông Nam Á nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương nói chung.
"Có thể việc này đã động chạm tới quan điểm của Trung Quốc, vì thế, động thái mới của Trung Quốc là nhằm tới mục đích thăm dò thái độ của các nước cũng như các cam kết trên Biển Đông của các quốc gia này sẽ thực hiện tới đâu.
Động thái này không nằm ngoài những tính toán trong chiến lược toàn cầu hóa của các nước lớn", ông Trường nói.
Về phía Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, ông Trường cho rằng, Việt Nam vẫn luôn kiên trì, duy trì các biện pháp bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên Biển Đông.
Một mặt giám sát chặt chẽ các động thái, diễn biến mới của phía Trung Quốc nhưng cũng đồng thời đẩy mạnh đấu tranh trên mặt trận ngoại giao.
Ông Trường đặc biệt lưu ý, đây có thể là bước chuyển chiến lược từ hung hăng, thô bạo sang chiến lược "gặm nhấm" mà lâu nay Trung Quốc vẫn áp dụng, cần phải theo dõi chặt chẽ để có phản ứng cho phù hợp.
"Trong khi việc sử dụng các lực lượng vũ trang gây hấn, tấn công thô bạo trên Biển Đông gây nhiều tai tiếng, phản cảm, không được thế giới chấp nhận có thể Trung Quốc muốn chuyển sang "gặm nhấm" dần, từng bước hiện thực hóa mục tiêu, chiến lược của nước này. Động thái này rất nguy hiểm, Việt Nam cũng như các nước trong khu vực cần phải lên tiếng mạnh mẽ.
Cần phải đặt giả thiết, có thể việc đòi áp quy định kiểm soát với một số tàu thuyền chỉ là bước khởi đầu để nước này tiến tới các bước tiếp theo là công bố vùng nhận diện phòng không một cách chính thức.
Vì thế, cùng với việc theo dõi sát các động thái của Trung Quốc, Việt Nam cần đẩy mạnh công tác đấu tranh trên mặt trận ngoại giao dựa trên cá quy định tại Công ước Luật biển quốc tế", ông Trường nhấn mạnh.
Ông Trường cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh đang phức tạp hiện nay, các quốc gia trên thế giới phải đồng lòng, đồng sức, chung tay đẩy lùi dịch bệnh, những hành động làm phức tạp thêm Biển Đông vừa trái luật quốc tế vừa không nhân văn, cần phải lên án mạnh mẽ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét