Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Ngày 26-9-1945, báo “Cứu Quốc” số 51 đăng bài “Muốn thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích” của Bác với bút danh Chiến Thắng. Đây là thời điểm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vừa giành thắng lợi, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã xuất hiện tư tưởng tự cao, tự đại. Trong bài, Bác viết: “Có nhiều đồng chí hoặc tự cho mình có trình độ nhận thức cao, có kinh nghiệm đầy đủ về công tác - hoặc vì không có tinh thần tiến thủ, chỉ biết tới đâu hay tới đó, nên không chịu học tập, không biết tự chỉ trích để sửa đổi những lầm lỗi và bồi bổ những thiếu sót.” Bác phân tích: “Phải biết rằng tình hình khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không hợp thời, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp tình thế, ta sẽ bị bỏ rơi, bị các bạn tỉnh táo nhanh nhẹn hơn vượt đi trước.” Người khẳng định rằng: “Muốn được thích hợp với tình thế, muốn cùng tiến hay vượt các bạn khác ta cần phải nhận thức và tự giáo dục không ngừng, cần phải có sự thành thực tự vạch ra những khuyết điểm sai lầm để bồi bổ và sửa đổi. Sau khi làm xong một công tác gì, hay sau mỗi ngày làm việc, cần phải tự mình kiểm điểm xem có chỗ nào nhầm lẫn, chỗ nào chưa đầy đủ, có được ưu điểm gì nên nhớ, được kinh nghiệm gì quý đáng ghi. Phải bỏ hẳn thái độ “xong việc thì thôi”. Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được.” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011)

Ngày này năm xưa: 26-9-1945: Bác Hồ khẳng định “không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được”
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: hochiminh.vn 

Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời luôn quan tâm đặc biệt tới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để giữ cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh. Quán triệt sâu sắc lời dạy của Người, tự phê bình và phê bình là nguyên tắc sinh hoạt của Đảng, là quy luật phát triển của Đảng, làm cho Đảng vững mạnh, cán bộ, đảng viên tiến bộ không ngừng. Đây cũng là một trong những phương pháp để thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, xây dựng Đảng thành công, đồng thời giữ vững và củng cố uy tín của Đảng. Chỉ khi nào Đảng dám nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, nghiêm túc tự phê bình và phê bình thì khi đó Đảng mới có thể nhận thức đúng quy luật khách quan và có quyết sách đúng đắn để tạo chuyển biến, đưa cách mạng tiến lên. Thông qua tự phê bình và phê bình, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ tăng cường tự học tập, rèn luyện, phấn đấu để vươn lên không ngừng về đạo đức, tư cách, tác phong và năng lực trong công việc; gắn bó với tổ chức, đơn vị của mình hơn. Nếu chúng ta thực hành tự phê bình và phê bình đúng đắn, sẽ giúp cho mỗi người trong một tập thể, trong tổ chức dễ nhận ra những điều tốt đẹp để noi theo, phấn đấu, dễ nhận ra những khuyết điểm để sửa chữa, để tiến bộ. Tuy nhiên, đây là công việc khó, đòi hỏi phải có dũng khí, có phương pháp, phải thấu tình đạt lý mới có thể có được hiệu quả thiết thực.

Quán triệt và thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình trong xây dựng, chỉnh đốn tổ chức đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và năng lực cầm quyền của Đảng nói chung, Đảng bộ Quân đội nói riêng. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Đảng bộ Quân đội và toàn quân luôn gương mẫu triển khai thực hiện việc tự phê bình và phê bình. Nhiều tổ chức đảng tại đơn vị cơ sở quân đội thường xuyên giáo dục cho đảng viên thấy rõ sự cần thiết phải tăng cường tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt để các đảng viên thống nhất tư tưởng và hành động, khắc phục những biểu hiện buông lỏng sinh hoạt Đảng, tăng cường công tác kiểm điểm, đánh giá xếp loại chất lượng hằng năm để các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và từng cá nhân tự soi, tự sửa lại mình, từ đó đề ra chủ trương, giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ. Qua công tác tự phê bình và phê bình, các đảng viên thấy được những điểm mạnh để phát huy, những điểm hạn chế để sửa chữa, khắc phục.

Các cấp, các ngành, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, quần chúng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong quân đội. Đồng thời thực hiện tốt việc “nói phải đi đôi với làm”, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải có tinh thần tự giác cao, có tình thương yêu đồng chí thật sự và phải có dũng khí đấu tranh thẳng thắn, chân tình. Mạnh dạn phê bình để giúp đồng chí, đồng đội tiến bộ, chứ không lợi dụng phê bình để công kích người khác, gây mất đoàn kết nội bộ.

Theo dấu chân Người

Ngày 26-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 37, về việc ấn định thẩm quyền theo địa hạt của các Tòa án Quân sự được thành lập theo Sắc lệnh số 33C, ngày 13-9-1945 và Sắc lệnh số 39, về việc lập Ủy ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử gồm chín vị: Trần Huy Liệu, Vũ Đình Hòe, Cù Huy Cận, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Hữu Đang (đại biểu Văn hóa Cứu quốc), Nguyễn Văn Chúc (đại biểu Công nhân Cứu quốc), Nguyễn Hữu Tiêu (đại biểu Nông dân Cứu quốc), cô Tâm Kính (đại biểu Phụ nữ Cứu quốc) và Lê Văn Giạng (đại biểu của Thanh niên).

(Sách Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, tập 3, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật)

Ngày 26-9-1945, qua Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam (nay là Đài tiếng nói Việt Nam), Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam bộ nhân vụ thực dân gây hấn. Thư có đoạn: “Hỡi đồng bào Nam bộ! Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đó gặp nạn ngoại xâm... Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp: “Thà chết tự do hơn sống nô lệ”... Phải làm cho thế giới, trước hết là làm cho dân Pháp biết rằng: chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do, chứ chúng ta không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước. Nước Nam độc lập muôn năm. Đồng bào Nam bộ muôn năm.

Ngày này năm xưa: 26-9-1945: Bác Hồ khẳng định “không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được”

Người thăm lớp học vỡ lòng ở phố Hàng Than, khu Trúc Bạch, Hà Nội (31-12-1958). Ảnh: hochiminh.vn 

Ngày 26-9-1947, báo “Cứu Quốc” đăng lá thư Bác Hồ gửi đồng bào xã N.L, huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình khen ngợi từ tháng 5, dân cả xã đó biết chữ. Thư viết: “Có kết quả tốt đẹp đó, là nhờ các cụ phụ lão hăng hái hô hào, các vị thân sĩ hăng hái giúp đỡ, các anh em bình dân học vụ hăng hái dạy dỗ và toàn thể đồng bào hăng hái học tập.

Ngày 26-9-1953, Bác đến dự và nói chuyện tại Lễ bế mạc Lớp chỉnh huấn cán bộ trí thức. Bác nói: “Phấn đấu trong một thời đại vẻ vang, làm cán bộ của một dân tộc anh hùng, đó là một vinh dự của người trí thức, đồng thời cũng là một nhiệm vụ nặng nề... Chúng ta phải nhớ câu “Chính tâm tu thân” để “trị quốc bình thiên hạ”. Chính tâm tu thân tức là cải tạo. Cải tạo cũng phải trường kỳ gian khổ, vì đó là một cuộc cách mạng trong bản thân của mỗi người...”

Ngày 26-9-1964, dự họp của Bộ Chính trị bàn về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sau sự kiện Vịnh Bắc bộ và Mỹ ném bom miền Bắc ngày 5-8-1964, Bác nhắc nhở phải chuẩn bị sẵn sàng đối phó với tình hình xấu nhất, âm mưu của Mỹ đánh phá miền Bắc là chiến lược chứ không phải là sách lược.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 26-9-1969 đăng trang trọng 5 điều Bác Hồ dạy các cháu thiếu niên nhi đồng:

- Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào

- Học tập tốt, lao động tốt

- Ðoàn kết tốt, kỷ luật tốt

- Giữ gìn vệ sinh thật tốt

- Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.

Ngày 14-5-1961, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Ðội thiếu niên tiền phong, Bác đã gửi thư căn dặn các cháu thực hiện 5 điều trên. Trong thư, Người nhắn nhủ: “Mai sau, các cháu sẽ là người chủ của nước nhà. Cho nên ngay từ rày, các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011)

Ngoài ra, trang nhất còn đăng trang trọng bức ảnh Bác Hồ cùng các cháu thiếu nhi với chú thích “Chúng cháu đời đời biết ơn Bác Hồ vĩ đại đã hết lòng chăm sóc dạy dỗ chúng cháu.” (Lời thề của đội viên thiếu niên tiền phong và Nhi đồng tháng 8)

Ngày này năm xưa: 26-9-1945: Bác Hồ khẳng định “không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được”

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 26-9-1969 và số ra ngày 26-9-1970. 

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 26-9-1970 đăng trang trọng Lời của Hồ Chủ tịch: “Nhân dân miền Bắc rất anh hùng! Nhân dân miền Nam ta rất anh hùng! Mọi âm mưu độc ác và xảo quyệt của giặc Mỹ cướp nước và bù nhìn bán nước nhất định sẽ bị lực lượng “chống Mỹ, cứu nước” của đồng bào ta và sức mạnh đoàn kết của toàn dân ta đánh tan, bị ngọn lửa cách mạng của nhân dân ta thiêu cháy.”