1. Chúng ta đang chứng kiến cuộc khủng hoảng an ninh ở châu Âu với cuộc chiến Nga - Ukraine, một cuộc khủng hoảng an ninh tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Nguyên nhân có rất nhiều, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng mà ít người đề cập đó là cuộc chiến xảy ra giữa lúc thế giới đang rơi vào cuộc khủng hoảng về khoa học chính trị, mà ở lĩnh vực hẹp hơn là chính trị quốc tế, trên phạm vi toàn cầu.
2. Khoảng trên hai chục năm về trước, khoa học chính trị ở phương Tây khá hấp dẫn, thu hút được nhiều người tài và cũng sản sinh ra nhiều thế hệ học giả, chiến lược gia tên tuổi như Samuel Huntington, George Kennan, Noam Chomsky, Zbignew Brezinski. Trong lĩnh vực nghiên cứu về Trung Quốc, các cuốn sách về lịch sử Trung Quốc và quan hệ Trung - Mỹ viết bởi các "cây cao bóng cả" như Ezra Vogel, Harry Harding đến nay vẫn là những cuốn sách "hút hồn" người đọc. Thế hệ vàng đó nay đã qua đi và để lại những khoảng trống gần như không thể lấp đầy. Những tác giả phương Tây xuất sắc, xuất hiện gần đây lác đác như lá mùa có thể kể đến Yuval Noah Harari (Israel), Niall Ferguson (người Mỹ, đến từ Anh)...
Hệ quả của việc thiếu vắng các tên tuổi lớn trong lĩnh vực chính trị học và quan hệ quốc tế này là gì? Đó là sự thiếu hụt tầm nhìn chiến lược, thiếu hụt các chiến lược gia có ảnh hưởng "khuynh loát" đến các chính khách, đến giới hoạch định chính sách an ninh, đối ngoại và công chúng. Kế đó là sự ảnh hưởng đến chất lượng chính sách và sự nuôi dưỡng đam mê đối với các thế hệ kế cận. Nhìn xa hơn, an ninh quốc gia, an ninh khu vực và toàn cầu bị ảnh hưởng đáng kể bởi các đề xuất chính sách kém chất lượng, thiếu tầm nhìn.
3. Nhìn vào đàm phán Nga - Ukraine hiện nay, nếu ai "có nghề" sẽ nhìn ngay ra "lỗ hổng" trong đề nghị Nga và các nước lớn ở châu Âu, NATO "đảm bảo" an ninh cho Ukraine trong trường hợp Ukraine không gia nhập NATO, và duy trì một "quân đội nhỏ".
Việc "đảm bảo" an ninh này có tương tự như việc NATO áp dụng Điều 5 trong việc đảm bảo an ninh cho các thành viên của mình hay không? Nếu không được đảm bảo bởi Điều 5 thì các cam kết "đảm bảo" an ninh này của NATO, nếu có, cũng chỉ như lời hứa cho vui mà thôi. Còn nếu Điều 5 được áp dụng thì chả khác nào Ukraine là thành viên của NATO, một điều mà Nga kiên quyết phản đối đến cùng.
Tại sao Ukraine lại rơi vào bẫy "đánh, đàm" với kết quả khá "mù mờ" như vậy. Nói một cách khác, đây là một đề nghị thiếu chất lượng. Nhìn xa hơn, việc để xảy ra chiến sự và căng thẳng giữa các bên như hiện nay có lý do sâu xa hơn là việc các bên thiếu các cố vấn về an ninh, đối ngoại "cứng".
4. Nhìn vào ASEAN và khu vực Đông Nam Á chúng ta, bức tranh xem chừng cũng có những điểm đáng lo ngại. Trong vài chục năm đầu khi ASEAN mới ra đời, tổ chức này may mắn có được những chính trị gia có tầm nhìn vượt biên giới, vượt thời gian như Lý Quang Diệu, Mahathir Mohamed, Thanat Khoma, Ali Alatas...Trong giới học giả, một thế hệ vàng các học giả tài năng và có ảnh hưởng ở khu vực đã giúp các nhà hoạch định chính sách trong ASEAN vạch ra các chính sách, chiến lược hợp lý để giúp ASEAN vượt qua thách thức và trở thành tố chức khu vực có tầm nhìn và ảnh hưởng toàn cầu. Đó là sự ra đời của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS đặt tại Singapore) với rất nhiều bài viết có chất lượng, rồi các tên tuổi vượt biên giới quốc gia và khu vực như Hasim Jalai, Jusuf Wannandi (Indonesia); Tommy Koh, Chang Heng Chee (Singapore); Nordin Sopie, Hassan Mohamed (Malaysia); Carolina Hernandez (Philippines)... Những "cây đa, cây đề" với tầm nhìn chiến lược và làm việc với tinh thần phụng sự trên hiện hầu hết đã "gác bút" và để lại những khoảng trống rất khó lấp đầy.
Là người đã từng làm nghiên cứu tại ISEAS hai lần và tham gia mạng lưới ASEAN-ISIS từ những năm 1990, cảm giác của tôi nhiều khi không khỏi nuối tiếc khi thấy "thế hệ vàng son" ngày một vắng bóng.
5. Có lẽ có ít nhất 4 lý do chính tạo ra hiện tượng thiếu hụt những tên tuổi lớn có tính toàn cầu này:
Một là, khoa học chính trị, nhất là chính trị quốc tế, là lĩnh vực rất khó thành danh, thành tài so với các lĩnh vực khác. Các trường đại học phương Tây có rất nhiều chế độ học bổng tốt cho các nghiên cứu sinh TS về chính trị học nhưng rất khó kiếm được ƯCV tốt.
Hai là, mảng IT, trí tuệ nhân tạo... lương bổng tốt đã hút rất nhiều người tài, thậm chí từ lúc còn bé tẹo (do gia đình định hướng);
Ba là, các giảng viên, nghiên cứu viên cao cấp, có chất lượng trong lĩnh vực này nhìn chung có thu nhập thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng chung những người có cùng năng lực, cùng trình độ nhưng làm trong lĩnh vực khác;
Bốn, sự phân cực tả, hữu trong lĩnh vực chính trị đã lan sâu, tác động mạnh vào giới học thuật và do đó làm mất tính khách quan, hấp dẫn của bộ môn này ...
Vì vậy, việc "giữ" người có năng lực, có thu nhập "tạm ổn" và những "ưu đãi" khác để họ có thể an tâm với công việc nghiên cứu, đào tạo để từ đó "sản sinh" ra được thế hệ các học giả lớn, các đề xuất chính sách có chất lượng có lẽ không chỉ là câu chuyện của cá nhân, mà còn là câu chuyện của cộng đồng, của xã hội./.
Cre: Hoàn Anh Tuấn (Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao - Bộ Ngoại giao)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét