Thứ Năm, 28 tháng 4, 2022

LÒNG BIẾT ƠN

Chị để ý, dạo này con rất hay nói lời cảm ơn. Mỗi lần ba mẹ làm giúp con một việc gì: bới cơm, gắp thức ăn, lấy nước, cho quà,... con đều vòng tay cảm ơn. Chị vô cùng xúc động. Tận đáy lòng mình, chị càng thương quý con hơn vì những cử chỉ và hành động đáng yêu như thế.

Lòng biết ơn được xem là một trong những nét đẹp văn hóa cần có ở mỗi người. Đó là phương châm để đánh giá một người có hiểu biết và trưởng thành. Bản thân lòng biết ơn ở mỗi người không phải tự sinh ra. Nó phải được hình thành, rèn giũa ngay từ nhỏ, để khi lớn lên, chúng ta biết quý trọng tình cảm và biết sống có đạo nghĩa. Nhưng đâu phải ai lớn lên cũng biết nói lời cảm ơn khi được giúp đỡ, hay được nhận lại từ người khác những điều tốt đẹp.

Lòng biết ơn cũng chính là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Để có cuộc sống hòa bình như hiện tại, thế hệ cha anh đi trước đã đổ biết bao máu xương. Việc ghi nhớ công ơn của những người đi trước được xem là cách thể hiện lòng biết ơn. Chúng ta biết ơn cha mẹ vì họ là những người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng, dạy dỗ ta nên người. Chúng ta biết ơn những người bạn đã giúp ta trong cơn hoạn nạn, làm chỗ dựa cho ta đứng vững trong cuộc sống. Chúng ta biết ơn những người không quen biết, dù chỉ gặp một lần hay chưa hề thấy mặt nhưng họ đã sẵn sàng giúp đỡ ta lúc khó khăn,... Đó chính là tấm lòng, sự chân thành đền đáp khi chúng ta được thừa hưởng thành quả của những thế hệ đi trước hay được người khác quan tâm, chia sẻ.

Câu chuyện về cậu bé và quả táo bán trong siêu thị là minh chứng cho sự biết ơn chân thành. Cậu đã tò mò về quả táo, rằng nó được đưa về bày bán trong siêu thị bằng cách nào. Và khi được cha kể về người trồng, người chăm sóc, người thu hoạch, người chở từ vườn về các cửa hàng, siêu thị thành phố và bày bán trên kệ, cậu đã ăn quả táo với tất cả sự hiểu biết khó nhọc, sự sẻ chia, ngưỡng mộ và lòng biết ơn sâu sắc.

Tuy vậy, trong cuộc sống hiện đại, nhiều gia đình lại thường cưng chiều con cái quá mức. Cho nên ngày càng xuất hiện những đứa con vô tình. Dần dà, chúng xem việc người khác quan tâm đến mình là trách nhiệm, bổn phận của họ; chúng chỉ biết đòi hỏi chứ không bao giờ thể hiện lòng biết ơn đối với ông bà, cha mẹ hay những người đã làm điều tốt cho chúng. Tôi nhớ đến câu chuyện về một đứa con được ba mẹ nuôi cho ăn học thành tài, khi đã có vị trí trong xã hội, anh ta lại thờ ơ và đuổi mẹ ra khỏi nhà. Rồi một cậu sinh viên 20 tuổi tỏ vẻ khó chịu khi phải ngồi trong phòng bệnh chăm người cha vừa mới rời phòng mổ trong tình trạng “thập tử nhất sinh”,... Chính sự vô tâm sẽ dần dẫn đến sự vô cảm, vô ơn.

Có câu “Sự an tĩnh trong cuộc sống nằm ở lòng biết ơn, niềm hạnh phúc lặng lẽ” – Ralph H. Blum. Mỗi bậc cha mẹ hãy dạy cho trẻ lòng biết ơn ngay khi chúng còn nhỏ, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất. Dù yêu thương con nhưng cũng không nên để cho con có thói quen đòi gì được nấy. Một khi trẻ đã hiểu mọi thứ trên đời không phải tự nhiên sẵn có mà phải đánh đổi bằng nỗ lực cố gắng thì trẻ mới biết trân quý, biết ơn.

Cha mẹ, người lớn hãy là những tấm gương về lòng biết ơn để con trẻ học tập, noi theo: biết dành món ăn ngon cho người già; tặng quà nhân dịp lễ, tết; thường xuyên gọi điện, hỏi thăm sức khỏe ông bà,... Thay vì rao giảng lý thuyết suông, những điều tưởng là bình thường như trên lại có ý nghĩa rất lớn trong việc lay động tâm hồn con trẻ. Nhà trường hãy giáo dục cho trẻ về lòng biết ơn từ những điều đơn giản nhất chứ không nên làm thay trẻ; hãy tạo điều kiện cho lòng biết ơn ở trẻ phát triển một cách tự nhiên. Những đứa trẻ biết thể hiện lòng biết ơn với người khác sẽ nhận lại được nhiều món quà trong cuộc sống; lớn lên, chúng sẽ chín chắn, biết nhìn nhận cuộc sống một cách tích cực.

Để hình thành nên thói quen biết ơn ở mỗi người không phải là điều đơn giản. Vì thế đòi hỏi mỗi cá nhân, tổ chức cần phải chung tay, góp sức. Làm được vậy thì cuộc sống này sẽ trở nên tươi đẹp biết bao./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét