Bố tôi được điều động vào chiến trường miền Nam từ năm 1973. Bố cũng là anh giải phóng quân trực tiếp tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bố có cả một “kho tàng” về chuyện thời chiến mà cho dù có kể đi kể lại bao nhiêu lần, anh em tôi vẫn thấy nóng hổi và sôi động như chuyện vừa mới xảy ra. Trong đó, tôi thấy cảm động và ấm áp hơn cả vẫn là tình đồng đội!
Tình đồng đội
của bố đã được “thử lửa” trong những trận đánh giáp mặt với kẻ thù. Bố và đồng
đội đã kề vai sát cánh trong những chiến hào, những lần xông pha diệt giặc. Những
đêm phục kích, đón lõng địch trên đường rút chạy, nhiều đồng đội của bố đã bị
thương trước sự điên cuồng chống trả của kẻ thù. Đó là lúc chẳng còn ai nghĩ đến
xuất thân, vùng miền mà chỉ xem như anh em một nhà, nguyện “đồng cam cộng khổ”,
sống chết có nhau.
Tình đồng đội
của bố càng được bồi đắp, gắn bó keo sơn trong những ngày hành quân, những khi
được gác súng nghỉ ngơi nơi lán trại, hay những đêm giao lưu văn nghệ,… Trên đường
hành quân, đồng đội chia nhau từng ngụm nước, động viên nhau “chân cứng đá mềm”
để có thể vượt qua hàng trăm cây số đường rừng. Những lúc được nghỉ ngơi, lại
có thể cắt tóc cho nhau, kể chuyện làng chuyện nước, hào hứng với những bức thư
đến từ hậu phương. Những đêm liên hoan văn nghệ, bố và đồng đội lại nắm tay,
khoác vai nhau cùng cất lên những ca khúc hào hùng giữa mênh mang rừng núi.
Đồng đội của
bố có người trong Nam, ngoài Bắc, người mất người còn, vậy mà bố vẫn nhớ như in
chuyện của từng người. Nhiều lần kể về đồng đội, bố rưng rưng không kìm được nỗi
xúc động. Bố nói, có những đồng đội tuổi còn rất trẻ đã anh dũng hy sinh vì Tổ
quốc trong những trận chiến ác liệt. Lại có cả những đồng đội đã vượt qua biết
bao nhiêu trận đánh nhưng lại không may mắn trước ngày giải phóng, không được
hưởng niềm vui trong ngày đại thắng, Bắc Nam thống nhất, sum họp một nhà…
May mắn được
trở về quê hương hưởng cuộc sống hòa bình, bố tôi luôn mang theo và trân quý những
kỷ vật còn lại của một thời đau thương mà hào hùng. Những tấm huân huy chương,
bộ quân phục, cho đến đôi dép cao su, chiếc bình tông đã móp méo, cũ sờn,… bố đều
gìn giữ, cất đặt cẩn thận trong chiếc rương gỗ. Trong những kỷ vật thời chiến,
tôi thấy bố thường nâng niu, trân trọng lấy những tấm hình chụp chung với đồng
đội, hay một vài bức thư, bút tích của đồng đội ra ngắm nghía, đọc lại. Những
phút giây ấy, tôi thấy bố như được sống lại những tháng ngày nghĩa tình bên đồng
đội của mình.
Còn được gặp
nhau trong thời bình, bố tôi và những đồng đội còn lại càng biết quý trọng nhau
hơn. Những cựu chiến binh vốn là đồng đội một thời, có dịp là lại tay bắt mặt mừng,
hàn huyên từ chuyện thời chiến cho đến việc làm thế nào để có thể giúp đỡ nhau
phát triển kinh tế, giáo dục thế hệ trẻ,
đặc biệt là tiếp nối truyền thống anh hùng của các thế hệ cha anh đi trước.
Dù ai cũng đã ở hàng thất thập, tóc đã pha sương, vậy mà trong giọng nói, ánh mắt,
điệu cười mỗi người vẫn hào sảng niềm lạc quan, khí thế của tình đồng đội một
thời vào sinh ra tử. Trong những ngày lễ kỷ niệm 30-4, 27-7, 22-12, tôi lại thấy
bố cùng những người đồng đội còn lại nghiêm cẩn, chỉnh tề trong màu áo quân phục
thắp nén tâm hương cho những đồng đội đã ngã xuống vì quê hương, đất nước; cùng
ôn lại, nhớ về những kỷ niệm không thể nào quên bên đồng đội của mình.
Bố tôi vẫn
thường bảo, có trải qua những tháng ngày đạn bom mới thấy cuộc sống hòa bình
đáng quý biết chừng nào. Chẳng những thế, trong cuộc sống thường ngày, mình còn
phải luôn có ý thức cố gắng lao động, sống có trách nhiệm và gương mẫu để xứng
đáng với những người đồng đội đã ngã xuống; xứng đáng với những gian nan, thử
thách của một thời máu lửa đã trải qua. Soi vào tấm gương là bố, nhất là tình đồng
đội của bố, anh em tôi thấy tự hào và hạnh phúc biết nhường nào!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét