LTS: Trả lời cho câu hỏi “Làm gì để phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thêm tỏa sáng?”, nhiều đại biểu gửi tham luận về Tọa đàm “Tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ” do Báo Quân đội nhân dân tổ chức ngày 31-3-2022 đã thẳng thắn nêu lên quan điểm, thể hiện quyết tâm rất cao và đề xuất nhiều giải pháp từ các góc độ tiếp cận khác nhau.
Báo Quân đội nhân dân tiếp tục trích giới thiệu tới bạn đọc các tham luận gửi về tọa đàm.
PGS, TS BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:
Không để tác động tiêu cực bởi xâm lăng văn hóa
Gần đây, quá trình toàn cầu hóa càng trở nên mạnh mẽ hơn cùng với sự phát triển của phương tiện truyền thông mới khiến thế giới trở thành một “ngôi làng toàn cầu” và thúc đẩy quá trình tiếp biến, biến đổi văn hóa nhanh hơn. Năm 2005, thông qua Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, UNESCO đã ý thức được về ảnh hưởng của sự xâm lăng văn hóa đi kèm với quá trình toàn cầu hóa.
Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ là kết tinh của chủ nghĩa yêu nước và giá trị văn hóa quân sự Việt Nam. Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ đã định hình thành một hệ thống giá trị văn hóa-chính trị-đạo đức tốt đẹp, bền vững, phản ánh bản chất, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam và tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh, giúp định hướng sự phát triển nhân cách cho bộ đội. Vì vậy, việc chống lại sự xâm lăng văn hóa, giữ gìn giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng quân đội, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng Việt Nam.
Để ứng phó với tác động của xâm lăng văn hóa đối với văn hóa Bộ đội Cụ Hồ, trước hết, cần phải hình thành nhận thức đúng đắn, đầy đủ và bản lĩnh văn hóa, giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ trong quân đội. Điều đó phải đến từ việc hiểu rõ về văn hóa dân tộc. Về nhận thức, chúng ta cần xác định rằng văn hóa rất phức tạp, vì thế hiện tượng xâm lăng văn hóa cũng khó nhận biết rõ ràng. Việc xác định và giữ gìn văn hóa dân tộc cần phải hết sức cụ thể để phù hợp với hoàn cảnh quân đội.
Về hành động, chúng ta nên chuyển văn hóa, bản sắc văn hóa từ những khái niệm trừu tượng thành những nội hàm cụ thể, tồn tại trong các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Những câu chuyện về lòng yêu nước, giá trị nhân văn, tấm lòng cao cả sẽ truyền cảm hứng tốt hơn qua những bộ phim, cuốn truyện, bài hát, sự kiện thể thao, nghệ thuật trong quân đội. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là biểu diễn nghệ thuật là một kênh quan trọng trong quá trình nâng cao nhận thức, tri thức toàn diện cho cán bộ, chiến sĩ; đồng thời trang bị cho bộ đội những kiến thức cơ bản trong cuộc đấu tranh với các quan điểm văn hóa, văn nghệ lệch lạc, xấu độc, phản động cùng âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, cần làm tốt hơn nữa công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong quân đội; lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tấm gương tích cực để cổ vũ, lan tỏa những hành vi đạo đức, lối sống chuẩn mực của bộ đội, từ đó lan tỏa ra toàn xã hội, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ.
Xâm lăng văn hóa ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ nhưng cũng là cơ hội để nhìn nhận, đánh giá toàn diện hơn về những giá trị văn hóa đặc biệt này. Từ đó, có những biện pháp vừa cấp bách, vừa lâu dài để gìn giữ, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, trở thành biểu trưng đạo đức cách mạng và văn hóa dân tộc Việt Nam.
--------------
Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN HÙNG OANH, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị:
Thực hiện đồng bộ các nghị quyết, kết luận để tạo xung lực mới
Bộ đội Cụ Hồ là danh hiệu cao quý gắn với hình ảnh mẫu mực, trong sáng tuyệt vời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhân dân suy tôn và trao tặng cán bộ, chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trải qua các thời kỳ chiến tranh và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, các thế hệ cha, anh đã dày công vun đắp danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ thành một giá trị văn hóa, tinh thần cao đẹp, sáng ngời trong lòng dân tộc.
Để tiếp tục phấn đấu xứng danh Bộ đội Cụ Hồ, cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp trong toàn quân cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 847 của Quân ủy Trung ương; tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; bám sát tình hình thực tiễn, lựa chọn đúng, trúng và tập trung thực hiện quyết liệt các khâu đột phá, làm chuyển biến mạnh mẽ khâu yếu, mặt yếu, nhất là việc chấp hành pháp luật, kỷ luật, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, nhân cách người quân nhân cách mạng, theo phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”... Quá trình thực hiện Nghị quyết 847 và cuộc vận động, cần gắn kết chặt chẽ với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các nghị quyết, kết luận của Trung ương về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Một buổi luyện tập bắn súng của các nữ dân quân huyện Chư Sê (Gia Lai). Ảnh: PHAN XUÂN ĐỊNH. |
Phấn đấu xứng danh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới chỉ trở thành hiện thực thông qua sự nỗ lực, tự giác, chủ động của mỗi cán bộ, chiến sĩ để nhận thức và chuyển hóa các giá trị của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thành nhân cách người quân nhân cách mạng. Từng cơ quan, đơn vị tùy thuộc vào chức năng, nhiệm vụ chính trị được giao, cần cụ thể hóa chuẩn mực Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới thành các tiêu chí cụ thể, thực hiện tốt giáo dục truyền thống, bản chất cách mạng của quân đội, để khơi dậy lòng tự hào, tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm trong học tập, rèn luyện của cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải tự nhận thức về chính mình; tự thẩm định đánh giá phẩm chất, năng lực; tư tưởng, tình cảm, động cơ phấn đấu và nguyện vọng, lợi ích chính đáng. Tự phát triển và hoàn thiện phẩm chất nhân cách của mình, trên cơ sở loại trừ những khiếm khuyết, thói quen không phù hợp để trở thành người quân nhân cách mạng ưu tú, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét