Tôi được tiếp xúc với bản thảo một bài thơ rất đỗi bình dị mang tên “Má cứ ôm con! Đừng ngại” của tác giả Bành Phương Lan ở Thành phố Hồ Chí Minh gửi cho tòa soạn Báo Quân khu 2. Bài thơ được biên tập và đăng tải ngắn gọn, xin giới thiệu lại như sau:
“Khu cách ly chẳng còn chiếc cáng nào
Cụ bà F0 cần đi điều trị
Mọi người đưa mắt nhìn nhau… thật bí
Nhà bốn tầng, không thang máy… tính sao?...
Bỗng người chiến sĩ đến từ phía sau
Anh lại gần nhìn bệnh nhân và nói
Má ơi! Má cứ ôm con đừng ngại
Con cũng như là con của má thôi…
Má nghẹn ngào không nói được nên lời
Nghĩ mình bệnh F0 ai muốn bế
Ánh mắt chân thành… người chiến sĩ trẻ
Má bớt ngại ngần… ôm chặt vòng tay…
Trong muôn tình người mùa dịch hôm nay
Bộ đội Cụ Hồ giữa lòng dân thật đẹp
Chuyện thường tình khu cách ly tôi thấy
Qua lâu rồi mắt vẫn cứ… cay cay."
Mặc dù bài viết không đặt vấn đề dưới góc độ văn học, nhưng, khi đọc bài thơ, cũng như tác giả, tôi thấy sống mũi mình… cay cay. Cay bởi cử chỉ, hành động của chiến sĩ trẻ, hành động thường tình, nhưng rất thân tình, “con là con của má”, tạo niềm tin tưởng cho người dân. Trong môi trường tâm dịch miền Nam, vô số sự sống và cái chết đang giằng xé, đan cài. Rào cản “khoảng cách” tạo tâm lý vô cùng lớn giữa người bệnh và người không bệnh là điều hiển nhiên. Người chiến sĩ trẻ ấy đã thực hiện một điều rất thường tình là giúp đỡ người bệnh khi cần giúp đỡ bằng cái tâm của người con với mẹ già, một cử chỉ nhỏ, đẹp, cũng chỉ là bình thường, nhưng trong điều kiện dịch bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt “5K”, thì cử chỉ và hành động nhỏ của người chiến sĩ ấy là sự hy sinh, coi người dân là người thân của mình, vượt lên trên mức độ hiểm nguy, trở thành phi thường, vĩ đại.
Huấn luyện điều lệnh đội ngũ. Ảnh: qdnd.vn |
Hơn hai năm qua, ở rất nhiều thời điểm, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nguy hiểm và khó lường. Nhưng đúng với tinh thần như nhà thơ Dương Hương Ly đã từng cảm nhận về sức mạnh phi thường và bản lĩnh Việt Nam từ trong khói lửa chiến tranh: “Nơi hầm tối lại là nơi sáng nhất. Nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam…”. Lúc thiên tai dịch dã là lúc đất nước lâm nguy, ý chí tinh thần và sức mạnh Việt Nam lại được dịp trỗi dậy như một quy luật tất yếu. Trong “làn sóng” của tinh thần yêu nước, đoàn kết toàn dân tộc ấy, những người chiến sĩ không quản ngày đêm, hết mình vì nhân dân phục vụ, làm nhiệm vụ trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19, sát cánh cùng các cấp, các ngành và toàn dân nỗ lực vượt qua mọi gian khó, thử thách, quyết tâm chiến thắng đại dịch, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân trở thành một trong những hình ảnh biểu trưng cho cuộc chiến chống đại dịch của toàn dân tộc.
Những thanh niên vinh dự trở thành chiến sĩ, được vinh dự khoác trên mình màu xanh quân phục, khi được nhập ngũ vào quân đội đều được huấn luyện, rèn luyện học tập và thực hành từ những điều nhỏ nhặt, bình thường nhất, từ gấp chăn màn, xếp đặt nội vụ đến tập đội ngũ một - hai… để dần từng bước trở thành chiến sĩ. Được học tập, rèn tâm, rèn tính, luyện người và trưởng thành trong môi trường quân ngũ, dù là cán bộ hay chiến sĩ đều nằm lòng “Mười lời thề danh dự của quân nhân”; “Mười hai điều kỷ luật khi tiếp xúc với nhân dân”. Cùng với thực hiện nền nếp chế độ quy định là quân phong, quân kỷ; là quy định, chức trách nhiệm vụ và yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ để “Tuyệt đội phục tùng mệnh lệnh cấp trên. Khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực, thi hành nhanh chóng và chính xác”.
Từ những điều “nhỏ nhặt” như thế, các thế hệ “lớp cha trước, lớp con sau”, xây dựng và rèn nên những con người trong môi trường văn hóa quân sự; có sức mạnh công tác và chiến đấu là sức mạnh tập thể, danh dự mỗi con người là danh dự quân nhân; trách nhiệm cao cả thiêng liêng của mỗi thành viên là trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân. Có những câu chuyện hết sức giản dị, đời thường của các chiến sĩ đến đóng quân ở nhà dân, đặt ba lô xuống là xăm xắn quét nhà, rửa dọn ấm chén, thăm hỏi người già, hướng dẫn bài học cho trẻ nhỏ, cùng ăn, cùng ở, cùng làm như những người con thân thiết thực sự của gia đình đi xa trở về. Bởi thế mới có những câu thơ mộc mạc của Trần Đăng Khoa dưới con mắt trẻ thơ: “Cháu nghe chú đánh những đâu. Những tàu chiến cháy, những tàu bay rơi. Đến đây chỉ thấy chú cười. Chú đi gánh nước, chú ngồi bắn bi…”.
Ở miền sơn cước Pa Vây Sử, Phong Thổ, Lai Châu xa xôi có câu chuyện giản dị, ấm tình quân dân trong lòng người dân. Đấy là câu chuyện về bát cơm nóng cho trẻ nhỏ tới trường mẫu giáo. Câu chuyện xuất phát từ một lần cán bộ đi bản Pờ Sa, trời sương chưa tan, cán bộ chứng kiến cảnh một cháu nhỏ đi học, leo dốc trơn trượt không may bị trượt chân ngã; túi cơm trưa mang theo rời rạc, đổ tung tóe ra đường. Nhìn cảnh cháu nhỏ tự bò dậy, vừa khóc vừa nhặt cơm độn ngô mà lòng các chiến sĩ quặn thắt. Buổi trưa vào trường bán trú thị sát, thấy khẩu phần ăn bữa trưa của một số cháu chủ yếu là cơm độn và mèn mén nguội lạnh. Ngay lập tức, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để các cháu có bữa ăn trưa bán trú nóng. Thế là những ngày đầu, chỉ huy Đoàn góp tiền mua gạo, nấu cơm mang ra điểm trường chia cho 24 cháu. Câu chuyện cứ thế tiếp diễn, phát triển, đến nay, đã hơn ba năm, Đoàn duy trì đảm bảo cơm nóng cho 167 cháu học sinh coi như là phần suất ăn của bộ đội. Phong trào lan tỏa, một số “mạnh thường quân” hỗ trợ trang thiết bị, nồi cần cơm, gạo… cùng Đoàn nấu cơm cho học sinh.
Đấy là cái tâm bộ đội, là kết quả của quá trình rèn luyện, tích lũy từ những việc làm thiết thực, tình cảm bình dị của thực tiễn cuộc sống.
Ngược trở lại thời chiến, từ những câu chuyện thường tình, bình dị lại trở thành giá trị vĩ đại. Xin được nêu lại “lá thư có một không hai gửi người đang sống” của ba chiến sĩ Vũ-Chí-Dũng đã từng làm xúc động bao trái tim con người.
Chuyện rằng, ba chiến sĩ Lê Hoàng Vũ, quê Thái Bình; Nguyễn Chí, quê Quảng Ngãi; Trần Viết Dũng, quê thành phố Hồ Chí Minh, là những chiến sĩ cuối cùng của Tiểu đội 1, Trung đội “Ký Con”, Trung đoàn BG (Bình Giã), Quân giải phóng miền Nam làm nhiệm vụ nghi binh lừa địch cho Trung đoàn rút về hậu cứ. Do bom đạn giặc và đói, khát làm tám người trong Tiểu đội hy sinh. Ba chiến sĩ Vũ – Chí – Dũng đến được cánh rừng tuyệt đẹp thì cảm thấy không đi nổi nữa, bàn nhau chọn cánh rừng ấy làm nơi an nghỉ cuối cùng. Trước khi ra đi, người yếu viết trước, khỏe viết sau thành một lá thư, buộc vào túi ni-lon cột lại đầu võng.
Các anh viết: "Chúng tôi mong được ghi nhận rằng chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và đã chết trong một mùa Xuân giữa đất trời như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam chân chính cho Tổ quốc và dân tộc sống còn... Xin cho chúng tôi gởi đến những người đang sống, sống đúng ý nghĩa của nó lời biết ơn sâu sắc vì các bạn đang làm cho cái chết của chúng tôi giữ được đầy đủ ý nghĩa. Các bạn đang lao động quên mình cũng như chúng tôi đã chiến đấu quên mình cho đất nước ta ngày nay tươi đẹp, cho dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, cho xã hội ta ngày càng dân chủ công bằng".
Các chiến sĩ ấy đón nhận cái chết được báo trước một cách bình thản, và chọn cái chết thật ý nghĩa cho người đang sống. Đấy là phẩm chất cao cả của Bộ đội Cụ Hồ, là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Những phẩm chất ấy cũng được tôi rèn từ cuộc sống, chiến đấu bình dị của Quân đội, nơi các anh từng công tác.
Đấy là một vài biểu hiện sinh động của đặc trưng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ mà Quân ủy Trung ương đã khái quát trong Nghị quyết 847. Những đặc trưng được đúc kết từ giá trị thực tiễn cuộc sống; những phẩm chất được tôi rèn từ những điều bình dị trong lao động, học tập, chiến đấu và công tác của những con người có mục đích, có lý tưởng và niềm tin cuộc sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét