Ngay từ nhỏ, chúng ta đã được dạy phải luôn trung thực, vì trung thực là một trong những phẩm chất quan trọng làm nên giá trị của con người. Thế nhưng trong cuộc sống, không ít lần ta tận mắt chứng kiến hoặc nghe thấy những lời nói dối. Nói dối đa phần là xấu. Nhưng cũng có những lời nói dối đúng lúc, đúng người lại giá trị hơn cả một câu chân thật.
Nói dối là
nói không đúng sự thật nhằm để người đối diện, người giao tiếp với mình không
tìm ra sự thật, không biết được sự thật. Người ta có thể nói dối vì nhiều lý
do: vì cần thiết, vì vô ý hoặc thực sự có ý đồ lừa dối. Ở hình thức nào thì nói
dối cũng được biểu hiện cụ thể và đưa đến những hệ quả nhất định.
Nhớ những năm
cảnh nhà khốn khó, được mẹ ngồi đầu nồi nhặt nhạnh cho từng tí cơm trắng, chị
em tôi sung sướng ăn ngon lành nhưng vẫn không khỏi tò mò hỏi: “Sao mẹ không ăn
cơm mà lại ăn toàn sắn, khoai vậy ạ?”. Mẹ nhìn chúng tôi với ánh mắt đong đầy
yêu thương cùng nụ cười hiền lành: “Mẹ không thích ăn cơm; ăn khoai, sắn ngon
hơn nhiều”. Chị em tôi cứ tưởng thật. Mãi sau này mới hiểu lời nói dối của mẹ
cũng chỉ vì muốn chị em tôi được ấm, được no. Nghĩ lại càng thương mẹ thật nhiều!
Nhà tôi có 4
chị em, đứa nào cũng ham học, cũng muốn được cắp sách tới trường. Dẫu nhà còn
thiếu cái ăn cái mặc, vậy mà khi ấy cha tôi vẫn bảo: “Đứa nào học được cứ học,
bố có đủ tiền”. Nghe vậy, đứa nào cũng sung sướng. Giờ, đứa nào cũng đỗ đạt,
cũng có công việc, có gia đình ổn định và lập nghiệp trên thị xã, thành phố. Một
ngày nhìn lại, chợt thấy mái đầu bố đã lấm tấm màu muối tiêu, khuôn mặt sạm đi
vì nắng gió, đôi tay chai cứng mới hay cả đời bố đã lặng thầm lo cho các con bằng
tình thương yêu vô bờ.
Đâu đó ở những
nơi ta đi qua, ta dừng lại, vẫn có rất nhiều những lời nói dối mang ý nghĩa tốt
đẹp. Là lời nói dối của cậu bé đang đói lả ân cần đưa cho em gái nửa ổ bánh mì
mới xin được, giục giã: “Anh ăn no rồi, em ăn đi cho đỡ đói”. Hay ở một bệnh viện
nọ, người chồng sau khi được bác sĩ thông báo về căn bệnh ung thư của vợ đã
chuyển sang giai đoạn cuối, cặp lông mày của anh bỗng nhiên xô lại, đăm chiêu,
đau khổ. Vậy mà khi gặp vợ, mắt anh vẫn sáng lên, vui vẻ. Anh nói: “Bác sĩ bảo,
bệnh của em đang có chuyển biến tích cực”. Nghe anh nói, chị càng có niềm tin
và động lực để chiến thắng bệnh tật.
Có những lời
nói dối xuất phát từ mong muốn đem lại niềm vui cho người khác, để mọi người
cùng tồn tại trong môi trường chung tốt lành. Đó thực sự vẫn là những lời nói dối
cần thiết. Còn những lời nói dối cốt để lừa lọc, chà đạp hay công kích lẫn nhau
nhằm thỏa mãn lòng ích kỷ đều mang đến những hậu quả khôn lường, như cậu bé
chăn cừu trong truyện cổ tích là một minh chứng rõ ràng nhất. Có thể thấy phía
sau những lời nói dối tệ hại tất sẽ nhận về những kết cục tệ hại.
Lời nói dối
có thể là một lưỡi dao nhưng cũng có thể là một món quà tuyệt vời. Nó phụ thuộc
vào mục đích nói của bạn. Hãy sống trung thực nhưng có thể khéo léo để những lời
nói của bạn đôi khi dối lòng nhưng lại mang đến cho mọi người niềm vui, niềm hạnh
phúc./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét