Đó là lời cố tổng bí thư Lê Khả Phiêu nói với cựu tổng thống Hoa Kỳ W.J.Clinton vào năm 2000. Thế nên hãy gọi cho đúng, nói cho đủ về lịch sử, đừng cố bẻ lái, tẩy trắng kẻ thù, bôi đen quá khứ của dân tộc Việt Nam.
Chiều 18/11/2000, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã tiếp Tổng thống Hoa Kỳ W.J. Clinton đang ở thăm chính thức Việt Nam.
Cùng dự buổi tiếp, phía Việt Nam có các vị ủy viên Trung ương Đảng Nguyễn Dy Niên, Bộ trưởng Ngọai giao; Vũ Khoan, Bộ trưởng Thương mại; Nguyễn Văn Son, Trưởng ban Đối ngọai Trung ương; Nguyễn Đình Bin, Thứ trưởng Thường trực Bộ ngọai giao; Hoàng Thụy Giang, Phó trưởng ban Đối ngọai Trung ương và Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Lê Văn Bàng. Phía Hoa Kỳ có các vị thành viên trong đoàn, P. Peterson, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam; J. Podesta, Chánh văn phòng Tổng thống; S.h. Berger, Trợ lý của Tổng thống về An ninh Quốc gia; và G. Sperling, Trợ lý của Tổng thống về chính sách kinh tế.
Tổng thống W.J. Clinton nói: Tôi rất vui mừng được sang thăm chính thức Việt Nam, cám ơn nhân dân Việt Nam đã dành cho đoàn tình cảm mến khách, cám ơn Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã dành thời gian tiếp đoàn. Tổng thống cho rằng quan hệ hai nước trong 8 năm qua đã phát triển tích cực, quá trình bình thường hóa đã tiến hành gần tới chỗ hoàn thiện; cám ơn những nỗ lực của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong việc tìm kiếm những binh sĩ Hoa Kỳ mất tích, một việc làm mà Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ luôn quan tâm và biết ơn Việt Nam.
Tổng thống cho biết, phía Hoa Kỳ đã, đang và sẽ tiếp tục cung cấp những thông tin mà phía Hoa Kỳ có, để giúp cho việc tìm kiếm các quân nhân Việt Nam hy sinh trong chiến đấu.
Tổng thống thông báo về nội dung các cuộc hội đàm giữa Tổng thống với Chủ tịch Trần Đức Lương và Thủ tướng Phan Văn Khải, bày tỏ mong muốn tăng cường hơn nữa sự hiểu biết và hợp tác để thúc đẩy quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam ngày càng phát triển, mong Hiệp định Thương mại Hoa Kỳ- Việt Nam sớm được phê chuẩn để tạo điều kiện cho quan hệ kinh tế- thương mại hai nước phát triển.
Tổng thống vui mừng trước việc Chính phủ hai nước đã thỏa thuận tiến hành đối thọai cấp cao về hợp tác kinh tế, mong tiến hành đối thọai này thường kỳ để tăng cường hợp tác song phương.
Tổng thống vui mừng vì Hoa Kỳ đã tham gia cứu trợ lũ lụt ở miền Trung và miền Nam Việt Nam thời gian qua, và cho biết Hoa kỳ cùng Liên Hợp Quốc thành lập một trung tâm dự báo sớm tại miền Trung Việt nam để giúp giảm thiểu hậu quả thiên tai.
Tổng thống khẳng định, phía Hoa Kỳ sẽ tiếp tục trách nhiệm nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh. Trong cuộc hội đàm với chủ tịch Trần Đức Lương và gặp gỡ Thủ tướng Phan Văn Khải, Tổng thống đã trao đổi cụ thể về dự kiến tới đây của phía Hoa Kỳ trong việc rà phá mìn sát thương, vật liệu chưa nổ và giải quyết hậu quả chất độc da cam.
Chắc rằng Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã được thông tin về nội dung này, nhưng Tổng thống vẫn muốn nhắc lại để khẳng định lại quyết tâm của phía Hoa Kỳ. Tổng thống cũng nhất trí rằng Hoa Kỳ phải có trách nhiệm góp phần giải quyết khoảng cách giàu-nghèo trên thế giới. Mới đây, Hoa Kỳ đã chủ động đưa ra sáng kiến xóa, giảm nợ cho các nước nghèo và đóng góp tài chính xóa sốt rét, lao phổi cho trẻ en và chống Hiv/aid.
Về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nhiều người ở Hoa Kỳ không nhất trí với nhau về chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ và về bản chất cuộc chiến tranh. Nhiều người, trong đó có Đại sứ Peterson của chúng tôi đã tưởng rằng họ sang chiến đấu để giúp người Việt Nam được tự do và tự quyết. Ngày nay, tôi thấy rất thú vị là đã có một nước Việt Nam thống nhất và tiến bộ.
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói: Tôi hoan nghênh Ngài và Phu nhân cùng phái đoàn Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam. Tôi đã được thông báo về Hội đàm giữa Ngài và Chủ tịch Trần Đức Lương, cuộc gặp giữa Ngài và Thủ tướng Phan Văn Khải, cũng như cuộc nói chuyện của Ngài tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Đúng là mỗi nước, mỗi dân tộc có lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa riêng; Hoa kỳ cũng vậy, Việt Nam cũng vậy. Dân tộc chúng tôi có mấy ngàn năm văn hiến.
Về quá khứ, tôi đồng ý với Ngài là chúng ta không quên quá khứ, không làm lại được quá khứ. Vấn đề quan trọng là hiểu cho đúng thực chất cái quá khứ ấy. Cụ thể là hiểu cho đúng thực chất cuộc kháng chiến chống xâm lược mà chúng tôi đã phải tiến hành. Căn nguyên cuộc kháng chiến chống xâm lược của chúng tôi là từ đâu? Sâu xa là từ khi chủ nghĩa đế quốc đi đánh chiếm thuộc địa. Nước Việt Nam có đem quân đi đánh Hoa Kỳ đâu mà Hoa Kỳ lại đem quân sang đánh Việt Nam?
Kết quả của cuộc kháng chiến chống xâm lược của chúng tôi là chúng tôi đã giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Cho nên đối với chúng tôi, quá khứ không phải trang sử đen tối, đau buồn và bất hạnh. Nói về trách nhiệm đối với quá khứ, đối với cuộc chiến tranh vừa qua, thì không thể đánh đồng; vì nó đã để lại những hậu quả nặng nề cho nhân dân và đất nước Việt Nam. Về bài học của quá khứ, điều quan trọng là những người có trách nhiệm đừng để lặp lại những việc như đã làm trong quá khứ. Đối với chúng tôi, quá khứ là gốc rễ, là nền tảng, là sức mạnh của hiện tại và tương lai.
Cuộc chiến tranh mà các Ngài gọi là chiến tranh Việt Nam, chúng tôi gọi là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau Hiệp định hòa bình năm 1954, đất nước chúng tôi tạm thời chia làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến tạm thời. Theo Hiệp định, sau hai năm sẽ có tổng tuyển cử, nhưng chế độ Ngô Đình Diệm không thực hiện, dùng bộ máy của ông ta để giết hại nhân dân Việt Nam. Lại có người nói, có nước ở Tây bán cầu muốn lấy vĩ tuyến 17 của Việt Nam làm biên giới. Một nước ở Tây bán cầu mà lấy vĩ tuyến 17 của chúng tôi làm biên giới là vô lý quá. Không thể thống nhất bằng phương pháp hòa bình nên chúng tôi phải dùng chiến tranh giải phóng để thống nhất đất nước.
Đó là căn nguyên gây ra cuộc chiến tranh vừa qua. Từ trước đến nay, nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Nhân dân Mỹ, nhân dân thế giới, toàn thể loài người đã ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của chúng tôi. Từ quá khứ đó, chúng ta phải rút ra kinh nghiệm và phải có trách nhiệm đúng đắn với quá khứ. Ngài Mcnamara trong một cuộc Hội thảo cũng nói rằng cần phải rút kinh nghiệm.
Về công cuộc đổi mới của chúng tôi, đổi mới bắt nguồn từ mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong sự nghiệp này, chúng tôi cám ơn cộng đồng quốc tế đã hợp tác giúp đỡ chúng tôi. Mục tiêu đổi mới mà chúng tôi phải đi đến là xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ, định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế của chúng tôi có nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Chúng tôi có kinh tế tư nhân, những chúng tôi không tư nhân hóa nền kinh tế.
Chúng tôi tổ chức lại hợp tác xã chứ không phải giải tán hợp tác xã. Trong nền kinh tế mà chúng tôi đang xây dựng, thì nền kinh tế nhà nước và kinh tế hợp tác xã có vai trò rất quan trọng. Hơn 30 năm chiến tranh, 19 năm bị cấm vận, gặp vô vàn khó khăn, thách thức, nhưng Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam vẫn tồn tại, vẫn phát triển và nhất định sẽ phát triển.
Tôi được mời đi thăm Pháp, Italia và Cộng đồng châu Âu, tôi cũng nói như vậy. Bà Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ trong một lần gặp tôi có hỏi: Chủ nghĩa Xã hội có tồn tại được không? Tôi nói: Không những tồn tại mà Chủ nghĩa Xã hội sẽ tiếp tục phát triển thắng lợi.
Về đối ngoại, Việt Nam chúng tôi muốn là bạn với tất cả các dân tộc, các quốc gia trên thế giới, cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập, hữu nghị và phát triển, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi. Chúng tôi theo đuổi một đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ, chúng tôi không đóng cửa. Việc ký Hiệp định thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ chính là cũng nằm trong đường lối đó.
Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với gần 170 nước, quan hệ thương mại với hơn 150 nước, Đảng chúng tôi có quan hệ với hơn 180 đảng Cộng sản, cánh tả, đảng cầm quyền.
Trong quan hệ quốc tế ngày nay, mọi quốc gia, dân tộc đều cần hợp tác để cùng phát triển.
Chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn, cách sống và chế độ chính trị của các dân tộc. Chúng tôi cũng đòi hỏi các nước tôn trọng chế độ chính trị sự lựa chọn của dân tộc chúng tôi. Việc các nước có chế độ chính trị khác nhau cũng không ngăn cản sự hợp tác để cùng phát triển, nếu biết tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi.
Điều chắc chắn là trong thế kỷ 21, khoa học công nghệ sẽ phát triển như vũ bão. Nhưng lại có một nghịch lý là hố ngăn cách giữa nước giàu và nước nghèo lại ngày càng lớn. Ngày nay, tổng số tài sản của hơn 300 tỉ phú trên thế giới bằng thu nhập của hơn 2 tỷ người ở các nước nghèo.
Tương lai của dân tộc chúng tôi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tôi mong quan hệ giữa hai nước chúng ta tiếp tục phát triển, không lập lại những việc làm như trong quá khứ đã xảy ra. Chúng tôi quí trọng nhân dân Mỹ, cảm ơn nhân dân Mỹ đã ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Thấy hình ảnh cháu Chelsea, tôi chạnh nhớ cháu Emely, con gái của Morixon, và mẹ cháu cũng đã từng sang thăm Việt Nam. Đó là biểu tượng đẹp của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Dù sau này, Ngài bàn giao nhiệm vụ cho tổng thống mới thì tôi vẫn xin mời Ngài và gia đình sang thăm lại Việt Nam.
Môi Trường ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét