Lần đọc cổ thư...
Năm 1928, bàn về bệnh “Bệnh giả dối quá nặng”, Cụ Phan Bội Châu viết: “Tục ngữ có câu nói rằng “Trăm voi không được một bát xáo”; lại có câu rằng “mười thóc không được một gạo”.
Xem đó mới biết tính chất người nước ta chứng bệnh giả dối là một chứng rất nặng.
Sĩ (từ đây trở xuống, điểm qua sĩ nông công thương là bốn loại người trong xã hội) hay giả dối thì tìm tòi đạo lý không cậy óc mà cậy tai (ý nói chỉ nghe hóng mà không chịu suy nghĩ);
Nông hay giả dối thì cày cấy ruộng trưa (mãi trưa mới ra ruộng), không cậy người mà cậy đất (dựa vào đất đai màu mỡ chứ không dựa vào lao động chăm chỉ);
Công hay giả dối thì phấn sức lừa đời mà không cầu thực dụng;
Thương hay giả dối thì đua nhau bòn vặt mà mất cả lợi to, thậm chí mướn đạo đức làm lối cầu danh mà trát vàng ở ngoài mặt, mướn nhân nghĩa làm mồi cầu lợi mà xức mật ở đầu môi.
Chẳng những ngoài đối với xã hội trên đối với quốc gia, gốc cây trăm năm đủ bị con mọt giả dối kia đục đổ, bức thành muôn dặm đã bị con mối giả dối kia xoi (làm cho thủng) tan; mà lại trong đối với một nhà, dưới đối với một mình cũng mắc con ma bệnh giả dối đo đục thấu cao hoang (chỗ trọng yếu trong con người), khoét vào cốt tủy; tay dối lòng, miệng dối dạ; ăn bánh vẽ mà toan đầy bụng, mặc áo giấy mà đi với ma, kết quả không việc gì là việc thật...”.
Ngược lên 20 năm trước Cụ Phan, vào năm 1908, cách nay cả 109 năm, Cụ Trần Chánh Chiếu, khi luận về chữ Tín, viết trên Lục tỉnh tân văn, rằng: “Không giữ chữ tín thì anh lừa tôi, tôi lừa anh, trăm chuyện sẽ nát, tinh thần xã hội tan rã (...).
Bất tín lớn nhất: một là dối trá. Nhiều người nước ta vụng trong đường mưu sinh (kiếm sống) nhưng lại giỏi dối trá giả mạo.
Hai là bội ước các quy chế, chương trình, mà lại làm ra vẻ tuân hành. Nói mười không giữ được hai, ba. Ngay khi ký quy ước đã không có ý thực hiện, cứ ký bừa, bất kể sau này ra sao. Cho nên quy ước chưa ráo mực mà như đã bỏ đi.
Còn như ước miệng (thỏa thuận miệng) thì chỉ là “nói láo mà chơi nghe láo chơi” (câu thơ cổ Trung Hoa, được dẫn trong lời mở đầu truyện Liêu trai). Những thói xấu ấy đầy rẫy mà cứ điềm nhiên không cho là quái gở”.
Năm 1914, chung quanh chuyện kiêu ngạo, hợm hĩnh, theo đuổi những cái hão huyền, dưới nhan đề: “Gõ đầu trẻ”, Cụ Nguyễn Đỗ Mục viết trên tờ Đông dương tạp chí: “Kiêu ngạo lộ ra ngoài mặt là những kẻ làm bộ làm tịch, ta đây kẻ giờ (một thứ “anh hùng thời đại”), khinh người bằng nửa con mắt. Lại có thứ kiêu ngạo kín ở trong bụng, nghe điều trái tai không cãi, thấy điều chướng mắt không chê, chỉ nói mát một câu hay cười nhạt một tiếng.
Có kẻ bụng dạ nhỏ nhen thì sinh ra kiêu ngạo, hơi một tí đã có tính hợm. Vậy nên đấng nghiêng trời lệch đất không kiêu ngạo bằng những kẻ đội lốt sư tử, tiền rừng bạc bể không kiêu ngạo bằng những kẻ mầu mỡ riêu cua.
Có kẻ tư tưởng sai lầm thì sinh ra kiêu ngạo. Ăn tàn phá hại lại tự cho là sang trọng vào nhòng, lừa dưới dối trên lại tự cho là khôn ngoan chẻ vỏ (Vào nhòng chẻ vỏ là gì, chúng tôi chưa chú giải được).
Kiêu ngạo lại thường là một người ngu, ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung, vịt lội dưới ao chê sấm là nhỏ.
Kiêu ngạo không chỉ là cái cớ riêng của đám người không có giáo dục mà còn tại tập tục và trình độ cả đám đông xã hội”.
Dưới nhan đề “Tiếng gọi đàn”, để nhận diện thói đảo lộn các giá trị, năm 1925, Cụ Dương Bá Trạc viết: “Danh dự là có tài có đức có công nghiệp (cũng tức là sự nghiệp) có khí tiết thật, còn kẻ chạy theo hư vinh chỉ lo đâm đầu đâm đuôi chạy xuôi chạy ngược để cầu cạnh chen chúc, làm sao cho có được cái mã ngoài ấy thì tất là lộn sòng với cái chân giá trị.
Nào trong xã hội mấy ai là người biết cân nhắc so sánh cái chân giá trị của người ta, mà vẫn thường lầm cái hư vinh là cái danh dự thực!
Hỏi trọng gì, ắt là võng lọng cân đai; hỏi quý ai, tất là ông cả bà lớn; hỏi cái gì là sang, tất là xe ngựa lâu đài ngọc ngà gấm vóc; hỏi cái gì là sướng, tất là ăn trên ngồi trốc, nhận lễ thu tiền.
Rồi xu phụ khéo luồn lọt bợm để cầu vinh, ấy là người giỏi; giết người tợn tâng công khỏe để cầu vinh, ấy là người tài; lắm quan thày tốt, thần thế lo gì cũng xong xin gì cũng được, ấy là anh hùng; nạt con em ức hiếp hàng xóm, anh làm ông nọ, em làm ông kia, ấy là nhà có phúc; khao phẩm hàm, vọng ngôi thứ (nộp tiền hay lễ vật cho làng để có ngôi thứ), ấy là vẻ vang; cổ kim khánh, ngực mề đay ấy là danh giá.
Một người như thế, trăm người đều như thế, đời trước như thế mà đời sau cũng như thế nốt!”.
V.v...
Xin được lạm bàn: Từ rất lâu rồi, khảo tầm, đọc đi đọc lại cổ thư, cứ lần lữa mãi, chửa dám chép ra. Vì, lòng vẫn ái ngại, sợ kiến văn chưa đủ rộng, e bỏ sót; ngại sở học chưa đủ sâu, khơi lại cái nọc xấu xí của... thời xưa, người xưa cả hàng trăm năm trước, e thất lễ với cổ nhân. Nhưng, càng nghĩ càng buồn và xót xa thay! Vì, chính những thói ấy, một nguyên do căn bản, đã làm cho người nước Nam ta tự cùm trói mình, tự làm mình yếu hèn đi, tự mình làm nô lệ cho... chính mình, khó ngóc đầu lên đặng. Cộng thêm với họa lúc bấy giờ, nhân quần bị đọa đầy trong vòng vong quốc nô, dân tộc rên xiết dưới gót sắt thực dân, bị trói buộc bởi vòng vây phong kiến, nên nhân sinh, dân tộc lại càng thêm thê thảm, đằng đẵng ngót cả trăm năm giời, mù mờ đi giữa đêm đen. May mà Ất Dậu 45 tới, dưới ngọn cờ của Đảng, phải mất 15 năm toàn dân tranh đấu, mới thoát ra được vòng nô lệ, để dân tộc tới bờ độc lập, nhân dân cập bến tự do! Thói ấy trong nhân sinh, tưởng những theo đó mà... tan!
Nhưng sau ngoài 70 năm, giờ trông lên, rồi nhìn sang, khi xem lại cổ thư, dẫu là những chuyện đã rêu phong, lại vẫn buộc phải tự vấn: Thời nay, ai người dám quả quyết rằng, những thói ấy chỉ của thời xưa, của người xưa, mà ở thời nay, người nay đã tẩy sạch? Nếu xem và đối sánh với 27 biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... trong Đảng hiện thời, vẫn thấy những thói xưa cũ ấy đang... thập thò ở đảng viên này hoặc ẩn hiện trong tổ chức đảng kia: háo danh, phô trương, đánh bóng tên tuổi, “chạy” thành tích, giả dối, hư vinh... Và, nhãn tiền có thể, nếu không tỉnh táo tẩy trừ, âu sẽ lại mỗi người tự mình làm mình bạc nhược, yếu hèn, tự mình cùm trói mình, tha hóa, thoái hóa! Thì thật đắc tội với sự cảnh báo của các bậc tiền nhân lắm thay! Nhưng, mối nguy to nhất, nếu các chứng cũ ấy lây lan rộng khắp, lại ăn vào tận cốt tủy người đứng đầu tổ chức, mà không quyết sửa chữa, sẽ lâm cảnh “vạ trong tường vách”, thậm chí là chuốc lấy cả họa “sát thân”, khôn mà lượng trước! Con mối ấy đục ruỗng ngôi nhà, tổ kiến hổng ấy xoi tan đê vỡ... sẽ làm cho Đảng yếu đi, khó lòng “là đạo đức, là văn minh”, khó lòng tiếp tục xứng đáng là “đứa con nòi” của dân tộc, và càng khó là và làm “người đày tớ thật trung thành của nhân dân”! Lúc ấy, hối thì đã muộn!
Bởi chưng nhẽ đó, xin chép nguyên lại và cẩn tắc chú giải ở đây, chỉ mong để cùng nhau nhớ, nghĩ, rồi nghiêm nhặt tự xét soi mình. Và nếu mắc, cần kíp tự chỉnh đốn mình, khi còn chửa muộn! ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét