Khi
bàn về vai trò của đạo làm người, các tôn giáo, các trường phái triết học đều
dựa trên cái thiện, trong sáng, lành mạnh, chân chính để mưu cầu hạnh phúc, an
bình cho con người; và đều khuyên con người phải thực hiện đạo làm người để trở
thành những công dân tốt, có ích cho cộng đồng, cho xã hội cũng như thực hiện
tốt vai trò, bổn phận đối với quốc gia. Trên cơ sở vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa
Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể ở nước ta, đồng thời kế thừa và phát triển các
giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại,
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về
cách mạng Việt Nam, trong đó có quan điểm về đạo làm người, coi đó là một phần
không thể thiếu của đạo đức và rèn luyện đạo đức, vì đạo đức là gốc, là nền
tảng cần có để mỗi người sống và làm việc đúng đạo lý.
Những
nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo làm người
Chủ
tịch Hồ Chí Minh cho rằng: "Ở đời và làm người là phải thương nước, thương
dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Phải làm sao đóng góp làm cho nước
được độc lập, dân được tự do, hạnh phúc, nhân loại khỏi đau khổ". Người
cũng xem đạo làm người là một phần không thể thiếu của đạo đức. Tựu trung,
đạo làm người trong tư tưởng Hồ Chí Minh có những nội dung cơ bản sau:
Mỗi
người luôn phải học tập, rèn luyện hoàn thiện đạo đức, nhân cách để trở thành
người có ích cho xã hội; đặc biệt là tinh thần tự tu thân, nhất là đối với
người cán bộ cách mạng. Đây là nội dung mang tính nguyên tắc, dù trong
hoàn cảnh nào, mỗi người cũng luôn phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, nhân cách
để góp phần xây dựng cuộc sống độc lập, hạnh phúc, ấm no. Việc tu dưỡng đạo đức
phải gắn liền với hoạt động thực tiễn, trên tinh thần tự giác, tự nguyện và
phải tu dưỡng, rèn luyện bền bỉ suốt đời.
Luôn
thống nhất giữa lời nói và việc làm, phải nêu gương về đạo đức. Trong gia
đình, cha mẹ làm gương cho các con, anh chị làm gương cho em, ông bà làm gương
cho con cháu; trong đơn vị, lãnh đạo làm gương cho cán bộ, nhân viên; ở nơi cư
trú thì đảng viên phải làm gương trước quần chúng. Muốn hướng dẫn nhân dân làm
theo, người cán bộ, đảng viên phải tiên phong đi trước, làm trước. Hoàn thành
tốt nhất mọi nhiệm vụ mà Đảng, nhân dân giao phó cũng là một nguyên tắc trong
đạo lý làm người và là điều kiện không thể thiếu của mỗi con người, đặc biệt là
đối với cán bộ, đảng viên.
Đồng
thời thực hiện tốt vai trò, bổn phận với gia đình, với tập thể và với xã
hội. Trong xã hội, mỗi người có vị trí, vai trò, trách nhiệm được quy định
bởi luật pháp hoặc bởi những nguyên tắc, hương ước do con người xây dựng nên.
Nhân dân có quyền lợi làm chủ thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân.
Do vậy, mỗi người phải tự giác tuân theo pháp luật, kỷ luật lao động, hăng hái
tham gia công việc chung, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nước nhà, xây dựng gia đình
hạnh phúc. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nước là nước của dân và dân là chủ của
nước. Do vậy, vai trò, trách nhiệm công dân bao trùm trách nhiệm với Tổ quốc,
nhân dân và gia đình.
Để
thực hiện đạo làm người, mỗi người phải tự học tập, rèn luyện những phẩm chất
đạo đức là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, ý thức tuân thủ pháp luật,
có tinh thần quốc tế trong sáng... Trong đó, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lòng
yêu nước là phẩm chất quan trọng, bao trùm và chi phối các phẩm chất khác.
Trung với nước, hiếu với dân là phẩm chất hàng đầu của đạo đức cách mạng, người
cán bộ, đảng viên phải gắn bó với dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc, kính trọng
và hết lòng vì dân. Phẩm chất trung tâm của đạo đức cách mạng là cần, kiệm,
liêm, chính, chí công, vô tư. Tình yêu thương con người thể hiện trước hết là
tình thương yêu nhân dân, người nghèo khổ, bị áp bức, bóc lột; mỗi người phải
có tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản, đoàn kết với nhân dân các dân tộc bị áp
bức và dám dấn thân để đấu tranh giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột.
Trong
mối quan hệ giữa đức và tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cán bộ cách mạng
không thể thiếu thiếu mặt nào và khẳng định: “Người cách mạng phải có đạo đức,
không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân".
Và đạo làm người còn là sự giản dị, hòa đồng với thiên nhiên, không trái với tự
nhiên, tuân thủ các quy luật khách quan. Tóm lại, theo Người, đạo làm người là
suốt đời tu dưỡng đạo đức, phải thống nhất giữa nói và làm, để quy tụ và lãnh
đạo quần chúng quét sạch chủ nghĩa cá nhân, tạo nên sức mạnh nội sinh to lớn
của dân tộc trong thời đại mới, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn thử
thách, khó khăn và giành thắng lợi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét