Thứ Hai, 19 tháng 9, 2022

Một số nhiệm vụ trọng tâm giúp thực hiện tốt đạo làm người

 


Những năm gần đây, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp, chạy theo lợi ích cá nhân, thực dụng, quan liêu, tham nhũng, hối lộ; có lối sống thực dụng, vụ lợi, vị kỷ, đã và đang làm băng hoại đạo đức xã hội, băng hoại truyền thống nhân văn của dân tộc; trở thành thách thức lớn đối với công cuộc đổi mới đất nước và là nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó, yếu kém trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Để khắc phục thực trạng trên và góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, thực hiện tốt nội dung về đạo làm người trong tư tưởng Hồ Chí Minh, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, phát huy vai trò chủ động, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trong việc rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống để có bản lĩnh chính trị và lập trường tư tưởng vững vàng, nhãn quan chính trị đúng đắn, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đặc biệt chú trọng giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ và coi đó là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài. Trước hết, cấp ủy và người đứng đầu cần tạo điều kiện tối đa cho thế hệ trẻ học tập, lao động, cống hiến và kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thiết thực, gắn với công việc, sự rèn luyện, tu dưỡng hằng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; nâng cao chất lượng, triển khai theo chiều sâu và lồng ghép các nội dung của việc học tập và làm theo với các nhiệm vụ chính trị, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị; duy trì thường xuyên trong sinh hoạt đảng và hoạt động của đơn vị, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, làm theo gương Bác sâu rộng trong toàn xã hội nhằm đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội.

Thứ ba, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường cơ chế giám sát, phản biện xã hội của các đoàn thể chính trị, xã hội đối với hoạt động của cán bộ, đảng viên và của hệ thống chính trị; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát đối với những lĩnh vực, vị trí công việc dễ phát sinh tham ô, tham nhũng, vi phạm đạo đức lối sống; quản lý chặt chẽ, thường xuyên đối với cán bộ, đảng viên cả ở cơ quan, đơn vị công tác và nơi cư trú. Đồng thời tiếp thu các ý kiến đóng góp đối với cán bộ, đảng viên nhằm kịp thời phát hiện sai lầm, khuyết điểm và có biện pháp đấu tranh, xử lý hiệu quả; kiên quyết xử lý các vi phạm, làm tốt việc nêu gương người tốt, việc tốt nhằm khuyến khích cán bộ, đảng viên tự giác học tập, rèn luyện, gương mẫu trong đạo đức và lối sống để nhân dân noi theo. Việc phát huy dân chủ phòng, chống suy thoái về đạo đức, lối sống phải gắn với việc cải thiện điều kiện vật chất, tinh thần cho cán bộ, đảng viên, giúp cho họ yên tâm, gắn bó với công việc, được thể hiện quyền và trách nhiệm của mình đối với công việc.

Có thể nói, đạo làm người trong tư tưởng Hồ Chí Minh về là nền tảng để xây dựng, hình thành nên con người có nhân cách, đạo đức hoàn thiện; là thành tố quan trọng tạo nên sự đoàn kết, gắn bó "lòng dân, ý Đảng, phép nước làm một". Đó cũng là sức mạnh nội sinh quan trọng, đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước trước bất kỳ hoàn cảnh khó khăn, hay bất kỳ thách thức nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét