Theo kế hoạch của UBND quận Hoàng Mai, trong 2 ngày 27-28/8/2022, phụ
huynh tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) phải bốc thăm để giành
suất vào trường mầm non công lập năm học này cho con. Quy trình bốc thăm gồm
2 vòng, vòng 1 mỗi đợt gồm 5 phụ huynh xếp hàng bốc thăm lấy số thứ tự. Ở vòng
2, phụ huynh sẽ dùng số thứ tự này để bốc thăm phiếu tuyển sinh. Trên các phiếu
đều có đóng dấu của Trường mầm non Hoàng Liệt. Phiếu trúng tuyển sẽ ghi “Chúc
mừng bé đã trúng tuyển vào trường”, ngược lại phiếu không trúng tuyển sẽ ghi
“Rất tiếc bé không trúng tuyển vào trường”. Trong tổng số 176 phiếu bốc thăm, sẽ
chỉ có 80 phiếu trúng tuyển, còn lại 96 phiếu không trúng tuyển. Trước tình cảnh
trên, có vị phụ huynh bày tỏ: "Đầu đời của các cháu đã phải chịu cảnh đi học như
quay số thế này. Muốn vào trường công cũng phải may rủi, chứ không có sự lựa
chọn", "Với những gia đình không có điều kiện, còn khó khăn mà không bốc vào
phiếu trúng tuyển thì rất bất cập. Giả sử không đủ khả năng cho con theo học
trường tư thì đành cho con ở nhà hay sao? Ở quê đi học thì dễ chứ ở Hà Nội quá
trầy trật".
Tình trạng bất cập nêu trên đã diễn ra nhiều năm trước đây, ai cũng có thể
nhìn thấy trường học chưa được đầu tư tương xứng với tốc độ đô thị hoá. Trong
khi đó, chung cư mỗi ngày một phình ra, từ đó tạo ra những quá tải trong đô thị,
dẫn đến thực trạng phụ huynh phải bốc thăm vào trường công lập ngay ở cấp mầm
non như vậy. Câu chuyện khá là rõ ràng: Số lượng trẻ trong độ tuổi mầm non là
khoảng 2.000 trẻ, trong khi cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên quá thiếu, "chỉ có
thể đáp ứng nhu cầu học tập cho gần 20% số trẻ, hơn 80% còn lại sẽ phải theo học
tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập" - theo bà Trương Thu Hà, Phó Trưởng
phòng giáo dục Quận Hoàng Mai. Và thế là, vạn bất đắc dĩ, phương án bốc thăm
được đưa ra. Một phương án thoạt nhìn có vẻ công bằng, để loại trừ những ngoại
lệ, quan hệ. Nhưng ngẫm lại, đó là một sự thiếu công bằng khi những đứa trẻ, trong
lần đầu tiên đi học, được tựu trường theo kiểu may rủi, sấp ngửa. Một hậu quả của
quá tải dân số. Hồi từ xã lên phường, Hoàng Liệt gần như thuần nông với chỉ
khoảng 4.500 hộ, 14.000 dân. Nhưng tới năm 2015, tức là chỉ sau 5 năm đô thị
hoá, dân số Hoàng Liệt tăng đột biến với khoảng 32.000 người, tăng gần 2,5 lần.
Bây giờ, Hoàng Liệt trở thành phường đông dân nhất Thủ đô với 8,5 vạn dân, với
một mật độ khủng khiếp: 17.382 người/km2. Chung cư mọc lên san sát, dân số
tăng khủng khiếp, trong khi diện tích tự nhiên vẫn chỉ 4,89 km 2 . Với 2.000 công
dân mới chào đời mỗi năm, trong khi cả phường chỉ có 3 trường tiểu học, 2 trường
trung học cơ sở và 1 trường mầm non Hoàng Liệt - đã phải “cơi nới” tới 4 cơ sở
Linh Đàm, Pháp Vân, Tứ Kỳ, Bằng A. Mỗi cơ sở này có quy mô tương đương với
1 trường mầm non lớn nhưng vẫn luôn trong tình trạng quá tải.
Để khắc phục tình trạng này, TP. Hà Nội cần đẩy mạnh thực hiện quy hoạch
hạ tầng, cụ thể ở đây là phát triển hạ tầng giáo dục để bắt kịp với tốc độ tăng dân
số. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần bổ sung Quy chế tuyển sinh mầm non công lập, để
sớm điều chỉnh tình trạng bốc thăm đầy may rủi giành suất cho con vào trường
mầm non công lập như đã diễn ra tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà
Nội vừa qua. Cần phải có định hướng bảo đảm công bằng xã hội trong những việc
liên quan đến giải quyết quyền lợi của dân trên cơ sở nghiên cứu xây dựng hệ
thống tiêu chuẩn, tiêu chí minh bạch, bàn bạc dân chủ, xét duyệt công khai, không
thể dễ dãi phó mặc cho bốc thăm may rủi./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét