Những ngày này, đất nước ta tưng bừng kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Muôn triệu người dân đất Việt, từ miền ngược đến miền xuôi, ở trong nước cũng như ở nước ngoài, đều tự hào mình là người dân của một đất nước độc lập, tự do, vượt qua bao thử thách cam go trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất để có được vị thế, cơ đồ rất đỗi tự hào ngày hôm nay.
Những thành tựu từ dấu son chói lọi
Tròn 77 năm trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn thể dân tộc Việt Nam đồng loạt vùng đứng lên, đập tan ách đô hộ của thực dân phong kiến. Từ Bắc chí Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, nhân dân chung sức chung lòng giành lấy độc lập cho đất nước, tự do cho giống nòi. Đỉnh cao là ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam), một nước hoàn toàn độc lập, tự do.
Kể từ đó, ngày Quốc khánh 2-9 đã trở thành dấu son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. 77 năm trôi qua kể từ ngày bản “Tuyên ngôn Độc lập” vang lên trên Quảng trường Ba Đình, cho đến nay, tinh thần của ngày Quốc khánh 2-9 ngày càng chói sáng, lan tỏa. Cứ mỗi dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9, tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự do lại như sục sôi trong mùa thu Cách mạng năm ấy, trỗi dậy và là nền tảng, là động lực to lớn để chúng ta vượt qua những gian nan, thử thách dù khắc nghiệt nhất để giành được những chiến thắng nức lòng.
Cách đây 77 năm, ngay sau ngày 2-9-1945 hào hùng ấy là những năm tháng đầy thử thách của cả dân tộc trên hành trình gian nan đấu tranh bảo vệ nền độc lập non trẻ, vừa dựng xây đất nước. Cuộc chiến cùng lúc với “giặc đói”, “giặc dốt” và “giặc ngoại xâm” là tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Nhưng dân tộc ta, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã vượt qua những năm tháng gian truân ấy, bằng sự đồng lòng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Chính tinh thần ngày Quốc khánh 2-9 bất diệt ấy, là khởi nguồn cho dòng chảy của ý trí quật cường, tinh thần yêu nước mạnh mẽ trong lòng muôn triệu con dân nước Việt kết thành khối thống nhất vững chắc, là tiền đề quan trọng để đất nước đi hết chặng đường vô vàn thử thách ngặt nghèo, song vô cùng hào hùng “9 năm làm một Điện Biên. Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Để rồi 30 năm sau làm nên đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử, non sông thu về một mối; để rồi vượt qua bao vây cấm vận hà khắc, chiến đấu bảo vệ biên giới lãnh thổ, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Có thể nói, suốt 77 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không ngừng đấu tranh bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự quyết của dân tộc và quyền tự do, hạnh phúc của nhân dân với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đồng thời, Việt Nam luôn tích cực ủng hộ và phấn đấu, trách nhiệm cho hòa bình, quan hệ bình đẳng và sự phồn vinh ở khu vực và trên thế giới theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải gắn liền độc lập dân tộc với đoàn kết quốc tế; lấy tinh thần thiện chí, hòa bình để giải quyết những bất đồng, trên cơ sở gắn lợi ích dân tộc với lợi ích các nước trong khu vực và lợi ích chung của nhân loại tiến bộ”.
Đặc biệt, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối Đổi mới, mở cửa và hội nhập, vượt qua bao khó khăn, thách thức, với sự hỗ trợ, giúp đỡ quý báu, hiệu quả của bạn bè quốc tế, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực: Quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng nhanh; từ một nước nghèo, kém phát triển Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các mục tiêu Thiên niên kỷ, nhất là về giảm nghèo, bình đẳng giới, y tế, giáo dục. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững; độc lập, chủ quyền được bảo đảm; vị thế và uy tín đất nước ngày càng nâng cao trên trường quốc tế.
Cơ đồ và vị thế của đất nước
Sau hơn 35 Đổi mới, mở cửa và hội nhập, quy mô kinh tế nước ta phát triển vượt bậc, tăng gấp 12 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng 8,3 lần, kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 29,5 lần, đưa Việt Nam trở thành một trong 20 nước có nền kinh tế đứng đầu thế giới về thương mại, cán cân thương mại duy trì xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp, đạt khoảng 4 tỷ USD (năm 2021); vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 22 lần. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 58% năm 1993 xuống chỉ còn 2,23% năm 2021 (tính theo chuẩn mới).
Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam hiện đã vươn lên trở thành nước có thu nhập bình quân đầu người/tháng (theo sức mua tương đương - PPP) đạt khoảng 11.040 USD, xếp thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 143 thế giới (số liệu thống kê năm 2021).
Cùng với những kết quả về phát triển kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường; sức mạnh tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu được nâng lên; trang thiết bị, vũ khí hiện đại, vũ khí công nghệ cao được đầu tư nhằm tăng cường sức mạnh cho lực lượng vũ trang. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, cho đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 190/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước. Đảng ta đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Việt Nam có quan hệ thương mại với hơn 230 quốc gia, vùng lãnh thổ, 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam. Nước ta đã ký kết và tham gia 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới; là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng…
Một trong những thành tựu đối ngoại để lại dấu ấn đậm nét là Việt Nam hai lần được tín nhiệm bầu với đa số phiếu gần tuyệt đối mà Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc - cơ quan quan trọng và quyền lực nhất của tổ chức lớn nhất thế giới - trong 2 nhiệm kỳ 2008 - 2009 và 2020-2021. Việc giành được tín nhiệm rất cao, đồng thời đảm đương thành công trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an trong cả hai nhiệm kỳ minh chứng cho vị thế quốc tế mới của Việt Nam và niềm tin của cộng đồng quốc tế vào Việt Nam, cũng như đóng góp có hiệu quả cùng năng lực điều hành của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng, đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp. Đặc biệt, những thành tựu quan trọng bước đầu đạt được trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận.
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đạt được đã nâng cao vị thế của Việt Nam, như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Lan tỏa mạnh mẽ hào khí Quốc khánh 2-9, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước; phấn đấu “Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.
-:- Báo An ninh Thủ đô -:-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét