Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2022

Luận điệu bôi nhọ công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta

 Thời gian qua, với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thoái hóa, biến chất đã được Đảng, Nhà nước ta tiến hành một cách công khai, minh bạch, quyết liệt từ Trung ương đến cơ sở. Hàng loạt cán bộ cấp cao sai phạm thuộc diện Trung ương và địa phương quản lý đều đã bị xử lý về các hành vi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất.

Chỉ trong chưa đầy một năm trở lại đây, có 3 ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII bị cách chức hoặc bị khởi tố và 2 ủy viên Trung ương Đảng khác đang bị đề nghị xem xét, kỷ luật vì có những vi phạm nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn về tiền, tài sản của Nhà nước. Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thoái hóa, biến chất đã được nhân dân hết sức đồng tình, tin tưởng, ủng hộ; uy tín của chế độ ngày càng được củng cố. 


Với âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước, trên diễn đàn mạng xã hội, một số cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí đã lợi dụng công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực, chống suy thoái, biến chất của Đảng, Nhà nước ta để xuyên tạc, bóp méo, cho đó là “cuộc đấu tranh thanh trừng nội bộ giữa các phe phái và các nhóm lợi ích”, vu cáo  Đảng, Nhà nước ta đang ở thế “lưỡng nan đối nghịch” với hàm ý chống tham nhũng nhưng ngại thay đổi thể chế chính trị! Lợi dụng một số vụ việc tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên được phát hiện trong thời gian gần đây, đặc biệt là liên quan đến vụ kit test Việt Á, các cá nhân, tổ chức thù địch đã lấy hiện tượng làm bản chất, quy chụp rằng toàn bộ đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước “đang rơi vào tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, thoái hóa, biến chất”. Họ vu cáo rằng, đó là bản chất, là “căn bệnh nan y, kinh niên” của chế độ độc đảng cầm quyền.

Nhiều bài viết còn phủ nhận những kết quả về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước ta khi cho rằng, Đảng, Nhà nước đã phát động chống tham nhũng, suy thoái nhưng đều thất bại, không thành công, tệ nạn ngày càng gia tăng. Từ đó, số này đưa ra quan điểm, chỉ có thể chống được tham nhũng khi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập” để kiểm soát quyền lực, kêu gọi phải thay đổi thể chế thì mới có thể chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất.

Điển hình như trên trang RFA (Đài Á châu tự do) ngày 24/6/2022 đã đăng bài viết “Thuốc đặc trị chữa tham nhũng: thay đổi thể chế”. Bài viết đánh lận vấn đề rằng, “Việt Nam từ nhiều năm qua ra quyết tâm chống tham nhũng nhưng vẫn có hàng trăm cán bộ cấp cao bị kỷ luật bằng nhiều hình thức do tham nhũng. Liệu có diệt được tham nhũng trong thể chế hiện hành hay không?”.

Tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất là hiện tượng mang tính xã hội, nó tồn tại ở các quốc gia, do quyền lực nhà nước bị thao túng, tha hóa gây ra, không phân biệt chế độ xã hội, thể chế chính trị nào, chế độ đa đảng hay một đảng lãnh đạo. Chế độ một đảng lãnh đạo cầm quyền không phải là nguyên nhân sinh ra tệ nạn tham nhũng, suy thoái, biến chất trong đội ngũ cán bộ. Tổ chức Minh bạch quốc tế (AI) đã từng cho rằng tham nhũng là tệ nạn nhức nhối, xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong số đó, đa số là các quốc gia thực hiện chế độ đa đảng lãnh đạo, tam quyền phân lập, do giai cấp tư sản lãnh đạo. Một số quốc gia có biểu hiện nguy hiểm khi tình trạng tham nhũng đã leo đến tận các nguyên thủ quốc gia như Hàn Quốc, Brazil Colombia, Malaysia; một số quốc gia thuộc nhóm “nước tham nhũng nghiêm trọng” đều theo thể chế đa đảng, không do Đảng Cộng sản cầm quyền, lãnh đạo.

Do đó, việc RFA cũng như các cá nhân, tổ chức thù địch, thiếu thiện chí cho rằng, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất là “căn bệnh nan y”, chỉ xảy ra ở các quốc gia do Đảng Cộng sản lãnh đạo hay ở quốc gia do một đảng lãnh đạo, cầm quyền là hoàn toàn không đúng với thực tế, là sự quy chụp, suy diễn. Âm mưu của chúng là nhằm gây ra tình trạng nghi ngờ, hoang mang, gây lầm tưởng tham nhũng phức tạp là do chế độ một đảng lãnh đạo, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với chế độ. Đồng thời, thông qua đó, các đối tượng nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội, Nhà nước; gây tâm lý hoài nghi, dao động, thiếu niềm tin.

Thực tế, từ khi ra đời đến nay, Đảng, Nhà nước ta đã luôn nhận thức rõ tính nguy hiểm của tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất trong đội ngũ cán bộ. Đảng, Nhà nước đã luôn có quyết tâm chính trị cao và kiên quyết phòng, chống, khắc phục tham nhũng, suy thoái, biến chất trong đảng viên và cán bộ Nhà nước. Đảng, Nhà nước ta luôn coi tham nhũng, tiêu cực là “giặc nội xâm”, một trong các nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, cản trở tiến trình phát triển của đất nước, phải kiên quyết đấu tranh loại ra khỏi đời sống xã hội. Đảng ta cũng xác định phải chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, lãng phí, hành vi bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng. Kết hợp giữa xây và chống, phòng ngừa gắn liền với xử lý nghiêm minh mọi hành vi tham nhũng; không có ngoại lệ, không có “vùng cấm” trong chống tham nhũng ở Việt Nam.

Minh chứng rõ cho điều đó là các văn kiện của Đại hội Đảng, các chỉ thị, nghị quyết về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, việc xử lý nghiêm minh mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực, không có ngoại lệ, không có “vùng cấm” đã được thể hiện rõ kết quả trong báo cáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 được Bộ Chính trị tổ chức vào ngày 30/6/2022 vừa qua.

Trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Vậy nên, những luận điệu cho rằng, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái của cán bộ trong Đảng, Nhà nước ta là phổ biến, là “căn bệnh kinh niên, nan y không thể chữa trị của chế độ độc đảng cầm quyền” hay đó là cuộc “đấu tranh, thanh trừng nội bộ giữa các phe phái”… là hoàn toàn sai trái.  Đó là những quan điểm cố tình bôi đen, xuyên tạc nhằm làm sai lệch bản chất, ý nghĩa công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta, cố tình lấy cớ để chống phá, can thiệp vào công việc nội bộ, làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét