Thứ Năm, 1 tháng 9, 2022

ĐỔI TRẮNG THAY ĐEN

Những ngày này, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang hân hoan chào đón kỷ niệm 77 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra Nhà nước do nhân dân làm chủ mà nay chúng ta gọi là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Những lời bất hủ trong bản Tuyên ngôn độc lập như thấm đẫm vào tâm trí lớp lớp người dân Việt Nam: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định ý nghĩa vô cùng to lớn, giá trị sâu sắc về quyền con người chỉ gói gọn trong 49 câu và 1.120 từ của Tuyên ngôn độc lập. Kể từ đó, trong hơn 3/4 thế kỷ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã xây dựng một Nhà nước dân chủ, công bằng, văn minh. Quyền tự do của người dân được bảo đảm ở mức tối đa, trong khuôn khổ pháp luật quy định. Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đã đưa Việt Nam vào danh sách một trong những nước có chỉ số phát triển con người cao trên thế giới. Đó là sự ghi nhận, đánh giá của thế giới cho những nỗ lực của Việt Nam về bảo đảm quyền con người. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn một số cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí bịa đặt, xuyên tạc về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

“Nhà nước thổ phỉ và cuộc trình diễn của cái ác”. Đó là dòng tít giật gân với những lời lẽ “tanh tưởi” được phát ra bởi Tân Phong, một tên chống cộng có số má đang “đu đeo” theo tổ chức khủng bố Việt Tân. Bài viết này được đăng ngày 20-8-2022, sau 4 ngày Lê Dũng Vova, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm bị đưa ra xét xử phúc thẩm tại Tòa án nhân dân TP. Hà Nội. Trong bài viết, hắn cho rằng các nhân vật nêu trên đều là những người bất đồng chính kiến với chính quyền Việt Nam. Bị chính quyền Việt Nam thông qua tòa án xử lý theo kiểu đấu tố và kết án oan ức. Chính vì thế mà phiên tòa xét xử mở ra vào ngày 16 và 17-8-2022 không khác gì “buổi trình diễn của cái ác” và “những kẻ thủ ác lại đi khoác áo quan tòa”. Ngoài ra, bằng những ví dụ mơ hồ và thiển cận, Tân Phong còn vẽ ra bức tranh đen tối, u ám cho xã hội Việt Nam với những lời lẽ sặc mùi kích động của một kẻ chống cộng điên cuồng. “Theo đóm ăn tàn”, một số cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam cũng lao vào “cào phím” bình luận, phán xét. Chúng còn cập nhật tình hình lợi dụng những vụ việc các cá nhân vi phạm pháp luật bị xử lý, đưa thông tin bịa đặt trắng trợn, phản ánh sai lệch, thiếu khách quan, xuyên tạc thực tế bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.

Trước tiên nói về 3 nhân vật đã nêu ở trên. Lê Văn Dũng (tức Lê Dũng Vova), Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm đều bị bắt, khởi tố về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tội danh này được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 tại Điều 117. Quá trình khởi tố, điều tra, xét xử đều theo đúng quy định pháp luật, không thể có chuyện ngăn cản báo chí tác nghiệp hoặc người thân đến tham gia phiên tòa. Nếu có ngăn cản thì tòa chỉ ngăn cản những người không phận sự, những kẻ “đổi trắng thay đen” như Tân Phong và bè lũ khủng bố Việt Tân mà thôi. Còn những kẻ phá hoại như 3 đối tượng nêu trên, đi ngược lại với lợi ích Nhà nước và nhân dân thì việc tước bỏ một số quyền con người cũng là tất yếu.

Đảng, Nhà nước Việt Nam xác định mục tiêu nhất quán là luôn để công dân thụ hưởng đầy đủ các quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Quan điểm, tư tưởng đúng đắn, tiến bộ và hệ thống pháp luật về bảo đảm quyền con người ở Việt Nam ngày càng hoàn thiện. Người dân luôn có cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc và đặc biệt là tự do trong khuôn khổ pháp luật. Nhân quyền luôn tồn tại trong xã hội, nó phải được xác định, đánh giá qua cái nhìn khách quan vào những vấn đề, sự kiện, hiện tượng trong cuộc sống. Nói cách khác, nhân quyền hay quyền con người là phải quan sát, khảo sát, đánh giá định tính, định lượng một cách toàn diện đến từng lĩnh vực hoạt động cụ thể của xã hội con người chứ không phải những khẩu hiệu chung chung, trừu tượng, mơ hồ. Quyền con người hay nhân quyền đều phải gắn liền với thành tựu kinh tế đất nước và tiến bộ xã hội. Từ nhận thức sâu sắc đó, những năm qua Đảng, Nhà nước luôn quan tâm phát triển đời sống mọi mặt của các tầng lớp nhân dân song song với hoàn thiện thể chế về dân chủ, nhân quyền. Bởi đó cũng chính là bản chất và là mục tiêu nhất quán của một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân, vì dân.

Các công ước về nhân quyền quốc tế chủ chốt Việt Nam tham gia đầy đủ như: Công ước về quyền kinh tế, xã hội, văn hóa; Công ước về quyền dân sự chính trị; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc. Đặc biệt, Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới, nước đầu tiên ở khu vực châu Á tham gia Công ước quyền trẻ em và Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật. Trong các văn bản pháp luật hiện hành đều thể hiện và phản ánh những cam kết của Việt Nam đối với các công ước quốc tế. Trong 5 lần sửa đổi Hiến pháp, quyền con người ngày càng được Việt Nam quy định toàn diện, đầy đủ hơn. Hiến pháp Việt Nam năm 2013 đã dành riêng 1 chương gồm 36 điểm chế định trực tiếp và quy định rõ ràng các quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Hơn 100 văn bản luật, pháp lệnh liên quan đến bảo đảm quyền con người, quyền công dân đều được Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, ban hành từ năm 2013 đến nay cho phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước. 

Công tác cải cách chính sách hay hoàn thiện các thể chế pháp luật của Việt Nam đều có nội dung liên quan đến các quyền con người và phát triển con người. Bởi lẽ, Việt Nam luôn xác định con người chính là trung tâm của xã hội, của sự phát triển nền kinh tế. Quá trình xây dựng các văn bản luật và dưới luật đều được công khai và tham khảo ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Nhờ có tỷ lệ người dân sử dụng internet chiếm khoảng 70% dân số nên Việt Nam ngày càng đạt được nhiều tiến bộ về quyền tiếp cận thông tin và quyền tham gia vào các dự thảo văn bản chính sách, pháp luật, bảo đảm dân chủ, công bằng.

Liên hợp quốc và nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới đã ghi nhận, đánh giá cao những thành tựu mà Đảng, Nhà nước Việt Nam đạt được trong tổ chức thực thi pháp luật về quyền con người. Đó chính là bằng chứng thuyết phục không thể phủ nhận cho những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật về quyền con người. Đồng thời đanh thép bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch về vấn đề quyền con người tại Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét