Người Việt mình tự bao đời nay luôn tự hào về quá khứ vẻ vang, oanh liệt
của dân tộc, mang đầy sự kiêu hãnh khi đối mặt với những kẻ thù bạo tàn và ngang
ngược. Tuy nhiên tinh thần hào khí ấy đã và đang bị dã tâm chiếm đoạt văn hóa,
chiếm đoạt quá khứ của Trung Quốc thách thức, gặm nhấm. Dễ thấy từ sự thống trị
của những bộ phim dã sử Trung Quốc trên các khung giờ vàng của truyền hình
Việt Nam. Thực tế ấy không chỉ trực tiếp tác động đến nền văn hóa và những động
lực thúc đẩy văn hóa Việt vươn mình, mà còn là tác nhân làm lệch lạc suy nghĩ, tư
duy của người Việt đối với lịch sử nước nhà.
Ở đó, chi tiết “đường lưỡi bò” xuất hiện trong các phim “Nhất sinh nhất
thế”, “Em là niềm kiêu hãnh của anh”, “Em là thành trì doanh lũy của anh”,
“Everest – Người tuyết bé nhỏ” … từng vấp phải sự phản đối từ khán giả Việt vì
xuyên tạc lịch sử, cài cắm yêu sách lãnh thổ vô lý. “Quân đội Vương Bài” – Phim
dã sử Trung Quốc gần đây bị cấm chiếu ở Việt Nam vì những sai lệch lịch sử.
Thực tế đó buộc chúng ta phải nhìn nhận rằng, với Trung Quốc thì phim ảnh không
đơn thuần chỉ là phim ảnh mà còn là công cụ tuyên truyền cho chủ trương, quan
điểm của nhà nước, là cách quảng bá văn hóa, văn minh Trung Hoa ra thế giới và
là phương tiện để họ diễn giải lại lịch sử với vỏ bọc của “dã sử”, “tưởng sử”, để thế
giới quen dần với yêu sách “đường lưỡi bò” vô lý của họ trên Biển Đông.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, có 592 lượt phim truyền hình Trung
Quốc được các đài truyền hình trên cả nước phát sóng trong năm 2009. Đó là chưa
kể đến các bộ phim có thời lượng phát sóng dài, liên tục, thường niên được tái phát
sóng như: “Tể tướng Lưu gù”, “Anh hùng Thủy Hử”, “Tiếu ngạo giang hồ”, “Tây
du kí”, “Anh hùng xạ điêu”, …. Không những thế, trên thị trường chiếu rạp, các
tác phẩm ăn khách và đoạt giải cao của Trung Quốc cũng được công chiếu một
cách rộng rãi như: “Họa bì”, “Xích bích”, “Kungfu Gấu trúc”, “Hoa Mộc Lan”,
“Chiến binh và Tình sói”, .… Nhờ phim ảnh, những ý đồ và toan tính chính trị
được họ lồng ghép một cách khéo kéo, thông qua những chi tiết rất nhỏ của hình
ảnh, ngôn ngữ hoặc âm thanh. Thay vì được trình bày bằng văn bản với câu từ khô
khan, khó hiểu, điện ảnh đã mở ra những cơ hội mới cho công tác tuyên giáo,
tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc. Sự xuất hiện của những tác phẩm điện
ảnh, truyền hình thể hiện sức mạnh của vũ khí, phương tiện chiến tranh của Trung
Quốc thời hiện đại, phê phán, đả kích các nước láng giềng, hay có lồng ghép
“đường lưỡi bò”. Với những bộ phim dã sử lấy đề tài cung đình, Trung Quốc là
quốc gia đi đầu trong việc tái định nghĩa lại lịch sử, không chỉ của chính họ mà còn
là cả các quốc gia xung quanh họ. Những tranh cãi về trang phục truyền thống của
người Việt bị cộng đồng mạng ở Trung Quốc nhận vơ là của dân tộc họ, cho đến
những biến tướng về mặt lịch sử trong lời thoại của các bộ phim cổ trang đề cập
đến Việt Nam đã phần nào cho thấy tham vọng diễn đạt lại lịch sử của các nhà làm
phim Trung Quốc. Tư duy lịch sử bắt đầu bằng những câu chuyện kể, từ những trải
nghiệm thực tế, do đó, việc tạo dựng và khuyến khích một môi trường học tập
trong lành, tích cực là rất quan trọng đối với việc hình thành tư duy lịch sử đúng
đắn.
Tình trạng một bộ phận giới trẻ hiện nay rành sử Trung Quốc hơn sử Việt
Nam, hay sự ngây thơ đến mức đáng trách khi coi Nguyễn Huệ và Quang Trung là
hai anh em v.v… là nỗi lo cho tương lai dân tộc. Trong bối cảnh đó, sự thống trị
của phim ảnh Trung Quốc quả thật là vấn đề cần được suy xét thấu đáo.
Trước nhất về phía Nhà nước, thực tế nhiều năm qua cho thấy tình trạng
kiểm duyệt còn nhiều bất cập. Hội đồng kiểm duyệt cần phải cải thiện nhiều hơn
nữa, tránh để lọt lưới những tác phẩm có tính độc hại, ảnh hưởng xấu đến việc thực
hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước và làm lệch lạc tư duy lịch sử của
thế hệ trẻ.
Về phía các nhà đài, với trách nhiệm sản xuất và phát hành, cũng đã có
không ít hạn chế trong bối cảnh bị “thương mại hóa” và thiếu đi các định hướng về
nội dung. Thiếu vắng định hướng nghệ thuật và những đầu tư một cách chỉn chu về
nội dung đã làm cho các bộ phim sử Việt trở nên không hấp dẫn. Để chiều theo thị
hiếu dễ dãi của một bộ phận xã hội, các nhà đài đã chọn lựa những những drama
tình cảm hoặc các chủ đề về giang hồ, xã hội đen, thay vì lịch sử dân tộc. Điều này
không chỉ cho thấy sự hạn hẹp trong tư duy, mà còn thể hiện bản lĩnh yếu kém của
cộng đồng làm phim, của một số nhà sản xuất chương trình, nhà đài. Do đó, đòi hỏi
họ cần phải có những thay đổi, trong đó, thay đổi quan trọng nhất là sự thay đổi về
tư duy và bản lĩnh, dám đặt và biết đặt lợi ích dân tộc lên trên những toan tính vật
chất.
Cuối cùng, về phía người dân, khán giả cũng cần có những thay đổi về nhận
thức. Nếu các cơ quan chức năng là “bộ lọc” đầu tiên, thì cộng đồng và từng cá
nhân là “bộ lọc” quan trọng nhất đối với mọi tác phẩm nghệ thuật, không riêng gì
điện ảnh, truyền hình. Bởi thưởng thức cũng là một việc cần được giáo dục.
Thưởng thức cái đẹp, cái hay và phân biệt được giữa cái đẹp của dân tộc với “cái
đẹp” mang bản chất phá hoại là một vấn đề không mấy dễ dàng. Cho nên, không
chỉ Nhà nước và cộng đồng làm phim thay đổi, bản thân mỗi chúng ta cũng phải
tích cực thay đổi nhận thức và bắt đầu hành động, điều đó không chỉ giúp cho văn
hoá nước nhà có điều kiện phát triển mà còn góp phần xây dựng cho người trẻ một
không gian văn hoá trong sạch, giàu tinh thần dân tộc. Nếu mỗi khán giả đều có
tinh thần và trách nhiệm bảo ᶌệ chủ quyền, lợi ích quốc gia từ mỗi thước phim, sẽ
không có thông điệp nào có thể được “tiêm nhiễm”, dù với muôn cách khác nhau.
Tựu chung lại, từ Nhà nước, nhà đài đến từng nhà dân, ai ai cũng cần thay
đổi, trước thực trạng đáng báo động bởi sự thống trị của phim ảnh Trung Quốc.
Thay đổi là cách duy nhất để phim Việt có chỗ đứng trong dân Việt, thay đổi để
lịch sử Việt trở lại đúng vị trí của nó trong xã hội Việt. Với điện ảnh Việt, chúng ta
cần hơn bao giờ hết những bộ phim lịch sử (đặc biệt là những bộ phim lấy đề tài
chiến tranh) được đầu tư quy mô, bài bản, để kể về hành trình dựng nước, giữ nước
bi hùng của dân tộc. Việt Nam trải qua hành trình lịch sử bi tráng hơn bất cứ quốc
gia nào. Trước những thước phim lịch sử của đất nước mình, khán giả xem để
thấm đẫm tình yêu đất nước, để thấy tự hào dân tộc – không chỉ là cảm xúc, đó là
một trách nhiệm, chảy từ trong huyết quản của mỗi người Việt Nam ta./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét